Người dân sống ven sông Ly Ly thuộc thôn An Lạc (xã Duy Thành, Duy Xuyên) lo lắng vì những năm gần đây, vào mùa mưa bờ sông thường xuyên sạt lở ảnh hưởng đến nhà cửa.
|
Bờ sông Ly Ly đoạn qua thôn An Lạc bị sạt lở gây lo lắng cho người dân. Ảnh: THANH THẮNG |
Đưa chúng tôi ra khu vực sạt lở bờ sông Ly Ly sát sân sau nhà mình, ông Lê Văn Lanh (thôn An Lạc) không khỏi nuối tiếc bởi hàng chục mét đất đã bị nước sông cuốn trôi, để lại một bờ vực sâu.
Ông Lanh kể, cách đây khoảng 5 năm, khi bờ sông còn cách xa nhà ông hơn 10m thì có những bụi tre lâu năm chống chọi với sạt lở. Tuy nhiên 4 năm trở lại đây, nước sông xâm thực mạnh gây sạt lở khiến gia đình hết sức lo lắng, nhất là vào mùa mưa.
“Khu vực bờ sông sạt lở chỉ còn cách nhà tôi khoảng 2m. Nếu có mưa lớn thì gia đình sẽ chuyển đi nơi khác chứ không dám ở trong nhà. Trong khi đó nhà tôi vừa sửa sang lại hết 100 triệu đồng. Người dân nơi đây rất mong các cấp ngành sớm đầu tư một tuyến kè để củng cố, giảm thiểu sạt lở” - ông Lanh nói.
Căn nhà của ông Trần Nửa (60 tuổi, thôn An Lạc) có một trại chuyên làm hến và nuôi heo, kinh tế gia đình phát triển nhờ 2 nghề này. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây sông Ly Ly gây sạt lở nghiêm trọng phía sau nhà, còn cách nhà chưa đầy 2m nên gia đình ông đành phải dừng các nghề này.
|
Khu chăn nuôi của một người dân trong thôn phải bỏ giữa chừng vì sạt lở. Ảnh: THANH THẮNG |
Không những gia đình ông Lanh, ông Nửa mà nhiều hộ dân khác cũng chịu cảnh tương tự. Trước đây người dân địa phương kiểm soát chặt tình trạng hút cát trên sông Ly Ly và thường trồng tre bên ngoài bờ sông để chống sạt lở, nhưng cũng chỉ là biện pháp trước mắt.
Ông Dương Văn Quang - Trưởng thôn An Lạc thông tin, hiện toàn thôn có 165 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông Ly Ly, trong đó có 40 hộ nằm trong diện cần di dời.
“Thôn An Lạc là vùng rốn lũ, nước lũ ở sông lên rất nhanh và chảy xiết nên bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hơn 4km tuyến đường trong thôn thường bị cô lập, xói lở trong mùa mưa. Nhất là khi nước lũ lên báo động 3 thì toàn bộ học sinh trong thôn sẽ nghỉ học vì không thể đi lại được” - ông Quang nói.
Ông Quang cho biết thêm, từ nhiều năm nay khi các cấp về tiếp xúc cử tri, người dân và chính quyền thôn thường xuyên kiến nghị xây kè để chống sạt lở giữ đất nhưng chưa được giải quyết.
|
Một nhà dân thôn An Lạc bị xói lở vào mùa mưa năm 2017. Ảnh: THANH THẮNG |
Ông Trần Thanh Thư - Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết, trên địa bàn xã có nhiều điểm sạt lở. Tại bờ sông Ly Ly thuộc địa bàn thôn An Lạc (đoạn từ cầu Ba Ra trở lên đội 8) có chiều dài sạt lở 5km, ngoài ra tại thôn Thi Thại cũng có chiều dài sạt lở bờ sông 2,5km.
Theo ông Thư, hiện đã kè được 400m từ cầu Ba Ra lên đội 9 của thôn An Lạc, nhưng còn nhiều kilômet chưa được kè, ngoài khả năng của địa phương vì kinh phí quá lớn.
"Để bố trí chỗ ở mới cho người dân trong vùng sạt lở gần bờ sông, hiện UBND xã đã quy hoạch khu dân cư tại thôn Thi Thại có diện tích 2ha, bố trí được 15 hộ vào ở. Thời gian tới, địa phương tiếp tục vận động những hộ dân trong vùng sạt lở thuộc thôn An Lạc chuyển đến khu dân cư mới ở thôn Thi Thại sinh sống” - ông Thư nói.
THANH THẮNG