Gần 30 năm gắn bó với Mỹ Sơn là
cơ hội để anh Lê Văn Minh tham gia nhiều dự án bảo tồn và tiếp xúc với không ít
nhà nghiên cứu làm việc nơi đây. Những gì học được từ công việc thực tế đã giúp
anh trở thành một cán bộ bảo tồn dày dạn kinh nghiệm.
Đam mê di sản
Đến bây
giờ anh Lê Văn Minh (SN 1964, Duy Tân, Duy Xuyên) vẫn nhớ như in ngày đầu tiên
anh đến với Mỹ Sơn. Con đường từ ngã ba dẫn vào khu đền tháp gập ghềnh bụi đất
và xung quanh là những vạt rừng xơ xác, còn các ngôi tháp thì hoang vu đổ nát.
Dự án bảo tồn đầu tiên tại Mỹ Sơn sau ngày giải phóng chính là gia cố các nhóm
tháp B,C, D (giai đoạn 1980 - 1990) do cố kiến trúc sư (KTS) Kazik - người Ba
Lan, đảm nhiệm. Với các phương pháp kỹ thuật hoàn toàn mới lạ lúc bấy giờ là
trùng tu khảo cổ học với việc sử dụng lại gạch cũ và bảo vệ tối đa các yếu tố
gốc… các ngôi tháp đã dần trở nên vững chắc, nhất là 2 tháp D1, D2. Qua 2 năm
tham gia dự án (1988 - 1990) như một người học việc, Lê Văn Minh đã dần nắm
được những kỹ thuật cơ bản của cố KTS mà sau này được giới khoa học gọi là
phương pháp trùng tu Kazik. “Điều tôi học được lớn nhất từ KTS Kazik chính là
phương pháp làm việc, sự cẩn trọng hợp lý và tình yêu di sản” - anh Minh nói.
Năm 1995 Ban quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn được thành lập đã tạo điều kiện
thuận lợi để anh Minh tham gia nhiều dự án khác nhau như, dự án Khai quật khai
thông dòng suối Khe Thẻ - Viện Khảo cổ chủ trì (2006); dự án Bảo tồn trùng tu
tháp E7 (2011 - 2013) do Viện Bảo tồn di tích đảm nhiệm… Đặc biệt, dự án Bảo
tồn và trùng tu nhóm tháp G Mỹ Sơn do các chuyên gia Ý thực hiện (giai đoạn
2003 – 2013). Tại dự án này, với tư cách là đại diện kỹ thuật của Ban quản lý
Du lịch và di tích Mỹ Sơn, anh Minh đã tham gia vào nhiều công việc từ khai
quật khảo cổ đến trùng tu, đo vẽ, xử lý hiện vật…
Theo TS. Patrizia Zolese - trưởng bộ phận khảo
cổ học người Ý làm việc tại dự án Bảo tồn nhóm tháp G, thành công của dự án
không chỉ phục hồi lại các thành phần kiến trúc đã bị sụp đổ tại Mỹ Sơn mà còn
giúp đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân tại chỗ có tay nghề và tình yêu di
sản, trong đó có Lê Văn Minh. “Minh là một người rất ham học hỏi và có kiến
thức. Mỹ Sơn nên tự hào vì có anh ấy”, TS. Patrizia Zolese không ngần
ngại nhận xét về người cán bộ kỹ thuật của Mỹ Sơn. Còn họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ,
người có thời gian dài làm việc với Lê Văn Minh từ thời cố KTS Kazik cho rằng,
tại Mỹ Sơn khó có người nào nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về di sản như anh
Minh. “Trong công việc Minh luôn có sự quan sát, nhận xét chính xác do làm
nghiệp vụ lâu năm với nhiều chuyên gia quốc tế cũng như trong nước nên sự đóng
góp vào công việc bảo tồn di tích Mỹ Sơn là rất quan trọng” - họa sĩ Hỷ khẳng
định.
Góp sức bảo tồn Mỹ Sơn
Theo ông
Nguyễn Công Hường – Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, hiện nay các
công việc bảo tồn đơn giản tại Mỹ Sơn như quy tập, lập hồ sơ, sắp xếp hiện vật
tại khu di tích đều được tổ Bảo tồn do anh Lê Văn Minh làm tổ trưởng chủ động
thực hiện. Anh Minh và tổ Bảo tồn còn đảm nhận việc trưng bày, xử lý hiện vật;
sắp xếp tái định vị hiện vật khu tháp B,D; gia cố chân tháp A1. “Dù là những
công việc cấp thiết trong khu di tích nhưng chúng tôi không thể lập dự án hay
mời các chuyên gia ngoài do đây chỉ là những phần việc nhỏ nên chủ yếu giao Tổ
bảo tồn do anh Lê Văn Minh làm tổ trưởng xử lý” - ông Hường nói. Nhờ nắm vững
kiến thức và phương pháp nên nhiều hạng mục bảo tồn gia cố các đền tháp đã được
anh Minh và các đồng sự xử lý chính xác và đúng quy trình. Nổi bật, có thể kể
đến việc gia cố bậc cấp lên xuống chân tháp A1, một trong những kiệt tác nghệ
thuật tại Mỹ Sơn nhưng đã bị sụp đổ trong chiến tranh.
Để gia cố
chân tháp A1, anh Minh và các cộng sự phải tiến hành các trình tự làm việc khoa
học, kết hợp giữa phương pháp gia cố của KTS Kazik với giải pháp bảo tồn của
các chuyên gia Ý để tạo nên sự vững chắc cho chân tháp nhưng vẫn không làm mất
đi yếu tố gốc. “Đầu tiên là đo vẽ, chụp ảnh hiện trạng, đối chiếu tư liệu cổ
của người Pháp để lại, sau đó mới tái định vị và gia cố bằng cách sử dụng vôi
trộn với đất nện chặt… hạn chế tối đa ảnh hưởng đến di tích gốc” - anh Minh
chia sẻ. Với cách làm này, chân tháp A1 không chỉ được gia cố vững chắc mà còn
tạo được sự mỹ quan và thuận lợi cho du khách lên xuống khi tham quan. Dù vậy,
theo anh Minh, các giải pháp trên cũng chỉ mang tính tạm thời và chỉ được can
thiệp khi kiến trúc hiện tại đã được trùng tu, gia cố. Đối với những hạng mục
vẫn còn yếu tố gốc cần cố gắng giữ nguyên chờ các dự án lớn hoặc công trình
nghiên cứu khả thi mới có thể triển khai. “Công việc bảo tồn Mỹ Sơn còn lâu dài
lắm, tôi chỉ mong được đóng góp phần nhỏ công sức và hiểu biết của mình để kéo
dài thời gian tồn tại của di tích” - anh Minh tâm sự. Sau khi bảo tồn xong tháp
A1 công việc của tổ Bảo tồn là tiếp tục gia cố lại bậc cấp tại 2 tháp B1 và D2
đã bị mòn vẹt do khách lên xuống lâu ngày.
Xuất thân
là một nông dân nhưng với niềm đam mê di sản, anh Lê Văn Minh đã tự học theo
Kazik với tâm nguyện: góp phần nhỏ bé vào việc trùng tu di tích Mỹ Sơn.
Vĩnh Lộc
( Báo Quảng Nam)