Nam
Phước sẽ là trung tâm điểm kết nối đông - tây của cả huyện Duy Xuyên. Và vùng
đất này đang nỗ lực thực hiện ước mơ về một đô thị đầy bản sắc.
Một góc thị trấn Nam Phước hôm nay
Chợ bên đường
Bốn giờ sáng. Nắng cũng như mưa. Chị Trần Thị
Thủy ở khối phố Bình An suốt 20 năm vẫn ngày ngày kéo xe chở đầy rau quả về chợ
Nam Phước giao hàng. Không gian chợ lộn xộn hàng quán, chật chội và hoàn toàn
không bảo đảm vệ sinh, thoát nước, phòng chống cháy nổ. Hàng rau quả của nông
dân từ miệt tây Duy Xuyên xuống, phía Quế Sơn về và cả vùng Gò Nổi sang… tràn
ra cả quốc lộ 1. Thi thoảng ánh đèn xe khách đường dài lướt qua, mất hút và âm
thanh ồn ã suốt mấy tiếng đồng hồ cho đến sáng, đã biến khu vực này như một chợ
đầu mối và điểm nghẽn giao thông. Dân ven đường, gần chợ thường “khốn khổ” với
những âm thanh hỗn độn, bán mua, xe cộ “chạy như nước” đầy nguy hiểm nhiều năm
qua vẫn không hề thay đổi. Hiện tại, thị trấn nhỏ bé, vắng vẻ với hai dãy nhà
mặt phố, kéo dọc theo ĐT 610, lèo tèo dăm ba quán nước, một trung tâm thương
mại, bưu điện… nơi ngã ba trên con đường thiên lý Bắc - Nam đã đổi
thay. Thị trấn giờ đây đã đầy hàng quán, tấp nập xe cộ, đầy tiếng ồn. Không khí
đặc quánh tiếng ồn và bụi bên những căn nhà đang gấp rút xây… Giữa không khí
ấy, những người cũ mỗi một lần về thăm quê là thấy mọc thêm một vài hàng quán,
thêm vài căn nhà mới xây trên con đường cũ và lại một lần giật mình khi nghe
thấy một mức giá nhà đất mới. Theo ông Văn Bá Thanh - Chủ tịch UBND thị trấn
Nam Phước, tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và đô thị hóa đang diễn ra nhanh
chóng. Các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị và dân cư nông thôn đều
hướng đến việc xây dựng Nam Phước thành đô thị loại IV vào năm 2015. Tốc độ
tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2011 - 2013 là 16,8%, năm 2013, thu
ngân sách trên địa bàn đạt 34,61 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 37 triệu
đồng/năm. Tuy nhiên, quy hoạch trung tâm thị trấn Nam Phước đã được phê duyệt
nhưng vẫn chưa thể thực hiện được nhiều dự án vì thiếu nguồn lực đầu tư và
thiếu những chủ đầu tư thực sự có khả năng để hoàn chỉnh hạ tầng và triển khai
các dự án, trừ một khu phố chợ đang hình thành.
Giấc mơ đô thị
Sự thay đổi nhanh chóng đã khiến cư dân thị trấn
ngộ nhận. Thị trấn đã “lên đời”, phố chật, nhà to, cư dân đông đúc, nhưng thi
thoảng “giật mình” trước cái sự phát triển ấy có cái gì không ổn. Kiến trúc vụn
vặt, mặt phố lộn xộn. Không thể tìm đâu “hình vóc” trung tâm thị trấn, ngoài
tiếng ồn, sự chen lấn bán mua và hiểm nguy rình rập ven nhà bên quốc lộ. Người
Nam Phước mong chờ những khu phố ra phố, chứ hiện tại vẫn không thể nào mang
dáng dấp một thị trấn - đô thị trung tâm huyện đúng nghĩa. Chính quyền và dân
thị trấn đều hiểu “đô thị không thể mọc lên trong một đêm” và điều này luôn
được đặt lên bàn nghị sự. Dân thị trấn có quyền hy vọng khi nhìn vào mật độ
doanh nghiệp chế biến lâm sản, dệt may, khoáng sản, tơ lụa và nhiều khách sạn,
nhà nghỉ mọc đầy trên 7,2km quốc lộ 1, 2km dọc ĐT610. Các ngân hàng lớn
đều đã có chi nhánh, phòng giao dịch trên hai trục đường chính của thị trấn.
Điều đó có nghĩa tiềm lực kinh tế, tài chính doanh nghiệp và dân chúng vẫn còn
khá dồi dào để góp vào lực phát triển địa phương. Ông Văn Bá Thanh - Chủ tịch
UBND thị trấn Nam Phước cho rằng quy hoạch, định hướng đô thị loại IV Nam Phước
sẽ được mở rộng. Theo quy hoạch này, không gian thương mại sẽ tập trung ở chợ
Nam Phước, đô thị trọng tâm sẽ được phát triển tại khu vực điểm giao đường dẫn
cầu Bà Rén với quốc lộ 1, phát triển hỗn hợp, theo các trục phát triển thương
mại, dịch vụ văn hóa. Không gian cảnh quan ven sông Thu Bồn, Cầu Chìm, Bà Rén
sẽ được kết nối bằng tuyến đường bao đi từ chân cầu Câu Lâu cũ về phía Cầu Đen
mới về phía nam đến Cầu Chìm đi dọc vùng đất ven sông Bà Rén đến quốc lộ 1. Dọc
theo tuyến là các khu dân cư đô thị mang tính chất làng xóm, nhà vườn, khu công
viên trung tâm, khu vườn hoa ven sông, khu vực phát triển du lịch… Đó chính là
sự “khác biệt, riêng có” của đô thị Nam Phước. Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho
rằng với tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng đô thị khoảng trên 3,8 nghìn tỷ đồng,
giai đoạn 2012 - 2015 cần 796 tỷ đồng, nhưng ngân sách chỉ có thể khoảng 293 tỷ
đồng. Số còn lại trên 500 tỷ đồng chưa biết tìm đâu ra nguồn để đầu tư. Ông
Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói sẽ thực hiện đa dạng hóa
các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước, chủ động kêu gọi, tìm kiếm, hợp
tác các nhà đầu tư, liên doanh liên kết với các tổ chức cá nhân trong và ngoài
nước. Khai thác quỹ đất tạo nguồn thu để tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô
thị là giải pháp căn bản, lâu dài.
TRỊNH DŨNG