Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên tổ chức hội nghị tổng kết tình hình hoạt động năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Ông Đặng Hữu Phúc – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Tùng – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên cho biết, đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt hơn 462 tỷ đồng, tăng 10,62% so với năm 2022, đạt 99,56% kế hoạch giao, với 11.056 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay các chương trình nguồn vốn Trung ương là 432,7 tỷ đồng, tăng 9,49% so với năm 2022, dư nợ cho vay các chương trình nguồn vốn địa phương là 29,3 tỷ đồng, tăng 30,59% so với cùng kỳ. Đặc biệt, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền xã, thị trấn, hội đoàn thể nhận uỷ thác tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Đến 31/12/2023, chất lượng tín dụng được đảm bảo, nợ quá hạn, nợ khoanh là 458,1 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,1% so với tổng dư nợ.
Cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên giải ngân cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ là hơn 24 tỷ đồng đồng, đạt 100% kế hoạch, với 324 khách hàng vay vốn. Trong đó, nhà ở xã hội 24 khách hàng, dư nợ 8,4 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 300 khách hang với dư nợ 16 tỷ đồng. Hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36 của Chính phủ hơn 4,4 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp sức cho nhiều hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Tùng, đối với việc thực hiện nhiệm vụ ủy thác qua các hội đoàn thể thì đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ ủy thác hơn 460,8 tỷ đồng, tăng 10,62% so với năm 2022, chiếm tỷ lệ 99,7% so với tổng dư nợ. Cùng với đó, huy động tiết kiệm thông qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đạt gần 26 tỷ đồng, tăng 3,8 tỷ đồng so với năm 2022. Đến cuối năm 2023, toàn huyện có 270 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, trong đó có 265 tổ xếp loại tốt, 5 tổ xếp loại khá, không có tổ trung bình, yếu.
Duy Xuyên thực hiện rất tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm.
Ông Nguyễn Bá Tùng nhấn mạnh: “Năm 2024, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ đạt 8 - 10% so với năm 2023, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ. Thực hiện tốt công tác thu hồi nợ đến hạn, tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn hơn 85% trên tổng dư nợ đến hạn phải thu hồi. Ngoài ra, tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,03%. Huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân đạt 100% kế hoạch giao. Duy trì tốt chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn huyện, bình quân đạt 99 điểm trở lên, 100% xã, thị trấn có chất lượng tín dụng xếp loại tốt, 98% trở lên Tổ Tiết kiệm & Vay vốn xếp loại tốt, không có tổ trung bình, yếu”.
Nhiều hộ nghèo vay vốn phát triển mô hình chăn nuôi gà.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Đặng Hữu Phúc – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nhấn mạnh, thời gian đến cần tiếp tục tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổ chức, triển khai thực hiện tốt chương trình, kế hoạch tín dụng được giao trong năm, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện. Thực hiện tốt công tác khảo sát, lập hồ sơ, giải ngân cho vay các chương trình tín dụng, chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng và hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng dư nợ. Đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, không để nợ quá hạn phát sinh, thu lãi và huy động tiết kiệm của tổ chức, cá nhân và tiết kiệm Tổ TK&VV đạt kế hoạch giao. Phối hợp thực hiện tốt các nội dung uỷ thác giữa NHCSXH với các hội, đoàn thể. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, kiểm tra hoạt động Tổ TK&VV, kiểm tra mục đích, hiệu quả sử dụng vốn, đối chiếu nợ công khai đến hộ vay, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác. Kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế để có biện pháp khắc phục. Tích cực phối hợp rà soát, xác minh, tìm kiếm thông tin địa chỉ các trường hợp hộ vay đã bỏ đi khỏi nơi cư trú để thực hiện xử lý thu hồi nợ. Thường xuyên thực hiện kiện toàn, củng cố, sắp xếp tổ TK&VV để nâng cao chất lượng hoạt động. Làm tốt công tác xét chọn đối tượng đề nghị cho vay, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, thu lãi, thu tiết kiệm hộ vay hằng tháng và lập hồ sơ xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan kịp thời, đúng quy định...
PT.