Tôi bước lên đò, chuyến đò ngang cuối cùng sang sông Giao Thủy, nơi hợp lưu của hai dòng Vu Gia và Thu Bồn với tròng trành bao suy nghĩ.
Ông Trần Thịnh lái đò. Gương mặt sạm nắng, đôi tay nổi vồng lên từng thớ cơ mạnh mẽ của người vùng sông nước. Hôm nay, ông mặc chiếc quần tây mới và chiếc áo sơ mi, bộ đồ của người đi ăn cưới để ra lái chuyến đò cuối cùng đưa khách sang sông, trước giờ cầu Giao Thủy ngay bên dưới chừng vài chục thước được khánh thành đi vào hoạt động. Đôi tay rắn chắc cầm con sào thọc sâu xuống lòng sông, đẩy mũi con đò rời bờ với nụ cười đầy ưu tư.
Ông Trần Thịnh - người lái đò chuyến cuối cùng qua sông Giao Thủy. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Ông Thịnh kể, nhiều ngày rồi, khi cây cầu hoàn thành, người dân hai bên bờ kẻ đi bộ, người chạy xe cứ chạy qua chạy lại cho “đã”. Đây đúng là cây cầu hiện hữu bằng bê tông cốt thép lừng lững chứ không phải là trong mơ. Hàng ngày, cứ sáng sớm, dù đò không chạy nữa, nhưng ông cũng mặc bộ đồ đàng hoàng rồi bước ra bến đò như thói quen chưa bỏ được. Bến sông này, nơi ông đã mấy chục năm gắn bó, đâu phải ngày một ngày hai là dứt được. Như sáng sớm nay, đúng ngày khánh thành cầu Giao Thủy, ông đang ngồi hút thuốc ở bến đò thì khách tới nhờ ông chở đi chuyến cuối cùng. Dù có cầu, ai cũng vui, cũng sướng nhưng cái bến đò này đã gắn với người dân hai bên bờ như ruột thịt. Ai nhớ thì ra đi chuyến đò cuối sang sông trước khi nó trở thành dĩ vãng.
“Đưa chuyến đò cuối này, chút nữa thì dân họ đi cầu hết rồi, ông vui hay buồn?” - tôi hỏi. Ông cười: “Vui chứ! Mấy chục năm mơ ước có cây cầu để dân qua lại cho tiện, nay có được rồi. Đúng là thiệt mà như mơ!”. Nhưng cũng ngay sau đó, khuôn mặt ông hiện lên nét ưu tư, dù nụ cười vẫn còn đọng trên môi: “Vui thiệt. Nhưng nói rứa chớ đời mình gắn với bến đò ni mấy chục năm rồi. Chừ nghỉ lại thấy cái gì đó thiêu thiếu. Vì rứa mà tui ra chạy chuyến đò ni và coi nó là chuyến đò kỷ niệm, kết thúc một đời lái đò của mình. Vui rồi cũng lo. Lo là lo không biết mình nghỉ lái đò thì làm chi? Hồi mô tới chừ chỉ biết lái đò thôi mà...”. Ông Thịnh bỏ dở câu nói xen lẫn giữa tiếng xình xịch máy nổ giữa sông.
Cây cầu Giao Thủy bắc qua nơi hợp lưu giữa hai dòng sông như chiếc cài trên mái tóc người thiếu nữ. Ở đây, dù Đại Hòa ở bờ bắc hay Duy Hòa ở bờ nam đều có nhiều cái chung. Dù hai bờ bắc - nam khác biệt nhưng cùng gọi là bến đò Giao Thủy, tên hai xã đều có chữ “Hòa” và đây cũng là “miền gái đẹp”. Không biết có phải uống nước và tắm nơi giao hòa giữa hai dòng sông Vu Gia - Thu Bồn chở nặng phù sa hay không mà nơi đây người con gái nào cũng mặn mòi, da mịn, mái tóc huyền óng ả, đôi mắt sâu hun hút lòng người.
Ngày còn học phổ thông, cứ đến mùa dưa hấu tôi cùng đám bạn thường xuyên đạp xe hơn chục cây số vào Đại Hòa rồi đi dọc triền sông mua dưa hấu mang ra biền sông ngồi bệt xuống bãi cát mà ăn. Rồi tắm sông. Rồi lên đò qua ngã ba Kiểm Lâm (Duy Hòa) chơi rồi mới lên đò quay về. Bởi thế, dù chẳng phải là quê hương nhưng tôi cũng gắn với bến sông này từ thuở nhỏ. Rồi đến khi ra trường, đi làm báo, trong những ngày lang thang tìm kiếm đề tài, rất nhiều lần tôi quay lại Giao Thủy và cuốc bộ dọc hai biền sông một thuở đã từng.
Giờ đây, tôi lái xe qua cây cầu Giao Thủy còn nồng mùi xi măng trong nườm nượp dòng người qua lại, nhìn xuống dòng sông, hai bên bến đò trơ trọi giữa cái nắng chang chang. Những con đò nằm lặng lẽ soi bóng mình xuống dòng sông. Trên bến đò, ông Thịnh vẫn một mình ngồi trầm tư nhìn sông. Dòng nước vẫn cuồn cuộn trôi qua cầu...
NGUYÊN KHÔI