A+ A A-

Xã Duy Sơn tổ chức đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ Nguyễn Phúc Kỳ và tháp Chăm Dương Bi

         Sáng ngày 10.4, UBND xã Duy Sơn tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ Nguyễn Phúc Kỳ và tháp Chăm Dương Bi. Ông Văn Bá Sơn – Phó giám đốc sở văn hóa, thể thao và du lịch đến dự.

       Nguyễn Phúc Kỳ (1558-1631) là con trai trưởng của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Hoàng hậu Mạc Thị Giai. Ông sinh tại dinh Trà Bát (Quảng Trị) dưới thời chúa Nguyễn Hoàng. Khi cha ông Nguyễn Phúc Nguyên còn làm Trấn thủ Quảng Nam, ông được ông nội là chúa Tiên Nguyễn Hoàng giao chức Chưởng cơ, chỉ huy đạo quân bảo vệ dinh trấn Thanh Chiêm. Năm 1614, khi Nguyễn Phúc Nguyên thay Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Kỳ được cử làm Trấn thủ Quảng Nam thay cha. Nguyễn Phúc Kỳ là người văn võ toàn tài. Năm 1627, ông cầm quân phối hợp cùng Nguyễn Hữu Duật và Nguyễn Phúc Vệ đánh bại cuộc tấn công lần thứ nhất của quân Trịnh vào Đàng Trong. Nhờ vậy, Nguyễn Phúc Kỳ được phong làm Thế tử, chuẩn bị để nối ngôi. Nguyễn Phúc Kỳ cũng nhiều phen chinh phạt Chiêm Thành, bảo vệ vững chắc biên giới phía Nam. Ông là vị Tổng trấn thực hiện một chế độ mở cửa rộng rãi cho Quảng Nam. Sau khi qua đời, Nguyễn Phúc Kỳ được an táng ở làng Thanh Quýt ( thị xã Điện Bàn). Lăng mộ của ông tồn tại hơn 350 năm tại đây. Đến sau năm 1975, do phong trào hợp tác hóa nông nghiệp nên lăng của Nguyễn Phúc Kỳ bị phá để lấy đất làm nông nghiệp. Năm 2000 mộ Nguyễn Phúc Kỳ được con cháu Nguyễn Phước tộc Quảng Nam - Đà Nẵng cải táng về xã Duy Sơn, tọa lạc trên một ngọn đồi có cây cối rợp bóng xanh, khu mộ có diện tích gần 100m2. 

        Còn di tích tháp Chăm Dương Bi nằm cạnh suối Đập Cây Da tại thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn. Đây là khu đền Hindu khá lớn thuộc nền văn minh Champa với hai lớp tường bao, trên tường bao bên trong có các đền thờ phụ. Ngôi đền thờ chính này có hình dạng đặc trưng của một ngôi đền Hindu Champa mà người Chăm thường gọi là kalan. Một ngôi đền có mặt bằng vuông, vật liệu gạch kết hợp đá cát, kích thước dài 12m x ngang 12m. Đền xoay về hướng Đông. Ngôi đền chỉ còn lại phần chân với tường cao 1m62 tính từ lòng đền, trong lòng đền cho thấy nền được lát đá cát, không còn dấu vết của các bệ thờ và tượng thờ Hindu. Những gì đã xuất lộ và kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy đây đã từng là khu đền Hindu tiêu biểu thuộc nền văn minh Champa.  Mặt ngoài phần chân đền chính vẫn còn các điêu khắc, trang trí rất sắc sảo. Các đồ án trang trí và mô típ sử dụng trang trí phần chân đền là những điều đáng chú ý của công trình này. Dựa vào hình dạng kiến trúc còn lại và mô típ sử dụng trang trí thường thấy ở các ngôi đền thuộc cuối của phong cách Đồng Dương như bó hoa hình đàn thất huyền, hình sâu, hình quả trám và các lớp cánh sen. Tuy không còn nhiều nhưng nó minh chứng rất quan trọng cho một giai đoạn lịch sử phát triển của kiến trúc và điêu khắc Champa thuộc cuối phong cách Đồng Dương thế kỷ 9 đến đầu thế kỷ 10 tại khu vực này.

      

          Tại buổi lễ, ông Văn Bá Sơn – Phó giám đốc sở văn hóa, thể thao và du lịch trao bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ Nguyễn Phúc Kỳ và tháp Chăm Dương Bi cho đại diện lãnh đạo xã Duy Sơn và gia tộc Nguyễn Phước.

Phi Thành

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19542367
Hôm nay
Hôm qua
7052
17324