Vào đầu tháng 11 năm 2012, trong lúc khảo sát để chống xói mòn và đề phòng những đợt mưa lớn vào mùa lũ lụt có nguy cơ ảnh hưởng đến di tích, Ban quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn đã phát hiện được một linga có chạm đầu người tại góc đông-bắc nhóm tháp E, bên cạnh tháp E8, E9 và bên ngoài góc đông-bắc của tháp E1.
Hình 1: Đầu thần Siva được thể hiện trên linga. (Ảnh: Nguyễn Văn Thọ)
Đây là một ekhamukhalinga (linga có chạm một đầu thần Siva) được tạc từ nguyên khối sa thạch màu vàng nâu, hạt to, hơi mềm, sa thạch có nhiều đường vân do bị phong hóa bởi thời gian. Ekhamukhalinga cao 126,5cm, rộng 41,5cm, dày 41,5cm; gồm ba phần: hình vuông (Brahmabhāga), hình bát giác (Visnubhāga) và hình tròn (Rudrabhāga), có chiều cao gần bằng nhau. Trên phần hình tròn có chạm nổi đầu thần Siva nhô hẳn ra; đầu tượng cao 21,5cm, rộng 13,5cm.
Đây là ekhamukhalinga duy nhất đã phát hiện tại Mỹ Sơn; mặc dầu linga hơi bị mòn nhưng vẫn còn thấy rõ những chi tiết thể hiện như khuôn mặt dịu dàng, đôi mắt mở lớn, bộ râu mép rậm, đôi môi hơi dày, mái tóc búi cao theo kiểu jata-mukuta, hai tai to, và cổ có ba ngấn; so sánh những đặc điểm tạo hình này với các tác phẩm trong cùng một thời kỳ điêu khắc, chẳng hạn pho tượng Siva đứng của ngôi đền Mỹ Sơn C1, và đặc biệt, với những Siva-kosa bằng kim loại quý đặc thù của nền điêu khắc Chàm; xét về phong cách nghệ thuật tạo hình, chúng tôi suy luận rằng mukhalinga này có khung niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 8.
Hình 2: Bản vẽ phục dựng bàn thờ yoni-linga trong ngôi đền
Mỹ Sơn E1 theo Henri Parmentier (1909: Planche CXX).
Theo bản vẽ phục dựng của Parmentier (1909: planche CXX), trên đài thờ Mỹ Sơn E1 có một bộ yoni-linga kích thước khá lớn(Hình 2). Hiện nay, những bộ phận rời của bàn thờ yoni-linga này được tập trung trong sân phía trước tháp Mỹ Sơn E7. Trong những bộ phận rời này, chúng tôi phát hiện được một cái máng thoát nước hay somasutra bằng sa thạch cứng, dài 128cm, rộng 33cm, dày 15cm. Đó là một loại máng thoát nước dài, trang trí đơn giản, tạo thành bởi một khối sa thạch bao gồm một phần đựng nước hình vuông và một cái vòi dài để dẫn nước (Hình 3).
Hình 3: Vòi thoát nước thiêng (somasutra) và những mảnh rời của
bàn thờ Mỹ Sơn E1, hiện trưng bày tại sân tháp Mỹ Sơn E7. (Ảnh: Trần Kỳ Phương)
Hình 4: Cảnh thực hành nghi lễ linga-pūjā
chạm trên đài thờ Mỹ Sơn E1. (Ảnh Trần Kỳ Phương)
Loại máng thoát nước này có hình dáng tương tự những máng thoát nước của nghệ thuật thời Tiền-Angkor, khoảng thế kỷ 8-9, rất phổ biến trong nền nghệ thuật Khmer đương thời. Như vậy, những bộ phận chính của bàn thờ yoni-linga của ngôi đền Mỹ Sơn E1 đều còn khá đầy đủ, nếu quan tâm, chúng ta có khả năng khôi phục nó tương đối nguyên vẹn.
Kết hợp với những mảnh rời của bàn thờ đã đề cập trên, chúng tôi suy luận rằng, cái ekhamukhalinga mới phát hiện tại nhóm E của Mỹ Sơn chính là linga được thờ trong ngôi đền Mỹ Sơn E1.
Chúng ta biết rằng ngôi đền Mỹ Sơn E1 là một ngôi đền có không gian mở, có tường gạch chỉ cao khoảng 2.5 mét. Hiện nay trong nội điện, vẫn còn bốn đế cột hình vuông bằng đá ở bốn góc để dựng bốn cây cột gỗ, ngôi đền có mái lợp bằng ngói. Parmentier cho rằng ngôi đền Mỹ Sơn E1 bảo lưu dáng dấp của những ngôi đền sớm nhất của di tích Mỹ Sơn (1909: 401-02).
Theo những nghiên cứu gần đây, ngồi đền Mỹ Sơn E1 có hai giai đoạn kiến trúc: 1/ Thời kỳ nguyên thủy, chính đài thờ Mỹ Sơn E1 là đế-tháp (vedī) một ngôi đền nhỏ vì nó được chạm trổ những thành phần kiến trúc chính yếu của một ngôi đền Hindu, như bậc cấp, thành bậc cấp, vòm cuốn nhỏ (arch/torana), trụ cửa ở mặt chính và ba vòm cuốn nhỏ của ba cửa giả ở ba cạnh xung quanh (Hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm-Đà Nẵng); 2/ Thời kỳ cải tạo, về sau ngôi đền này được cải tạo và nới rộng bằng tường gạch thấp bao quanh như hiện hữu, có bốn cột gỗ hình vuông để chống đở mái ngói, hai trụ cửa tròn bằng sa thạch được thêm vào để đở một cái trán cửa (lintel) có chạm cảnh Visnu-Anatasayan (Cảnh Visnu nằm trên rắn Anata sinh ra Brahma. Hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm-Đà Nẵng). Sau khi ngôi đền được cải tạo, đế-tháp Mỹ Sơn E1 của ngôi đền nhỏ của thời kỳ nguyên thủy được tái sử dụng để trở thành đài thờ của bộ yoni-linga được thờ trong ngôi đền Mỹ Sơn E1 (Trần Kỳ Phương 2008: 55-72).
Trong một minh văn của vua Vikrantavarman được khắc trên hai mặt của một trụ cửa phát hiện tại nhóm A của Mỹ Sơn, có niên đại 732, đề cập đến việc đức vua cho tạo một đế-tháp (vedī) bằng đá thay cho cái đế-tháp bằng gạch của vị tiên vương là Sambhuvarman (Gozio 2004: 26-28). Vào thời kỳ sớm của kiến trúc đền-tháp ở Mỹ Sơn, trong các thế kỷ 8-9, các nhóm tháp chưa được phân chia thành từng khu riêng biệt có tường bao, cho nên sự chuyển dịch tượng thờ hoặc bi ký từ nhóm này sang nhóm khác có khả năng đã xảy ra; vì vậy, chúng tôi đoán rằng cái đế-tháp bằng đá được đề cập đến trong minh văn trên của vua Vikrantavarman có thể chính là đài thờ Mỹ Sơn E1, vì vào thời điểm đó, nó là cái đế-tháp (vedī) duy nhất được chế tác bằng đá, và minh văn của Vikrantavarman cũng là minh văn duy nhất ở Mỹ Sơn đề cập đến việc tạo lập cái đế-tháp bằng đá (vedī) tại thánh địa này. Trong bối cảnh này, có thể xét rằng niên đại của cái ekhamukhalinga mới phát hiện thuộc ngôi đền Mỹ Sơn E1 có nhiều khả năng liên quan đến niên đại vua Vikratavarman cho dựng cái đế-tháp, nghĩa là khoảng năm 732 Công nguyên.
Trong nghệ thuật Ấn Độ, những mukhalinga có chạm một mặt Siva được gọi là ekhamukhalinga, đã xuất hiện vào thế kỷ thứ 2 Công nguyên. Trong một nghiên cứu về nghệ thuật Chàm, John Guy có lưu ý đến nghi thức hành lễ linga (linga-pūjā) lộ thiên được chạm trên đài thờ Mỹ Sơn E1 cùng với hình tượng ekhamukhalinga. Bức chạm này diễn tả một vị tu sĩ Bà-la-môn tay trái cầm một cái bình nhỏ bằng kim loại tưới nước lễ lên phần trên một cái linga có chạm đầu người, đặt trên một bệ yoni; nghi thức này được tiến hành trên một bàn thờ đặt dưới một tán cây lớn (Hình 5). Bức chạm linga-pūjā trên đài thờ Mỹ Sơn E1 đã góp phần củng cố giả thiết của chúng tôi rằng cái ekhamukhalinga mới phát hiện là ngẫu tượng được thờ trong ngôi đền Mỹ Sơn E1. Guy cũng đã chỉ ra rằng những nghi thức hành lễ cúng linga lộ thiên như vậy đã bộc lộ những ảnh hưởng trực tiếp từ thời kỳ nghệ thuật Mathura của Ấn Độ đến nghệ thuật Champa trong một thời điểm rất sớm, có thể vào những thế kỷ đầu Công nguyên (Guy 2009: 130-31).
Việc phát hiện cái ekhamukhalinga tại nhóm E của Mỹ Sơn năm 2012 đã góp phần làm sáng tỏ thêm nội dung của các cảnh chạm quanh đài thờ Mỹ Sơn E1 cũng như tăng thêm sự hiểu biết về các nghi thức thờ tự của ngôi đền này trong giai đoạn sớm nhất của kiến trúc đền-tháp Champa tại Mỹ Sơn. Vào ngày 13-01-2015, cái ekhamukhalinga duy nhất của Mỹ Sơn đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Nguyễn Công Khiết, Trần Kỳ Phương, Lê Văn Minh