A+ A A-

Tượng rồng Champa

         Tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng hiện lưu giữ 5 bức tượng rồng Makara cho thấy đặc trưng phong cách nghệ thuật Chăm.

          Tượng rồng Makara, BTC 222 . Nguồn: Lý Hòa Bình, 2023.

         Ba hiện vật tượng rồng tìm thấy tại Trà Kiệu (Duy Xuyên) được Henri Parmentier đưa vào ca-ta-lô đầu tiên của Bảo tàng Chăm Đà Nẵng (1919), ký hiệu 41.1, 41.2, 41.3. Hai hiện vật đầu là một cặp tượng đã bị sứt mẻ nhiều, nhưng phần còn lại cũng gây được ấn tượng cho nhà khảo cổ người Pháp. Ông định danh hiện vật là “dragon” (rồng).

          Đầu tượng đã bị sứt mất phần mõm, còn lại đôi mắt tròn, lồi ra dưới hai vành mi dày. Cổ có đeo vòng lục lạc lớn, là dấu hiệu đặc trưng của hình tượng mang ý nghĩa phụng sự thần linh.

          Thân tượng có vảy và dưới bụng là những vạch ngang, thể hiện hình dạng của loài rắn. Hai tượng rồng quay đầu về nhau, tạo thành cặp đối xứng, gợi cho biết vị trí đặt tượng ban đầu là hai bên lối vào của một kiến trúc tín ngưỡng.

          Hiện vật thứ ba cũng được Parmentier định danh là “dragon”. Phần thân tượng đã mất, nhưng phần đầu còn nguyên vẹn cho thấy một mõm dài kiểu đầu cá sấu, là một đặc trưng của hình tượng rồng Makara trong nghệ thuật Ấn Độ. Tượng có nét khác biệt hình tượng Makara với phần sừng trên đầu và bàn chân, cổ chân tròn mập như dạng chân sư tử.

          Trong đợt khai quật ở Bình Định năm 1935, các nhà khảo cổ đã thu thập mang về Bảo tàng Chăm Đà Nẵng ba hiện vật tương đối nguyên vẹn, được định danh là rồng hoặc rồng Makara. Đó là một cặp tượng kích thước lớn, thể hiện vật linh ở dạng nằm, hai chân trước gập lên, hướng bàn chân về phía trước, đầu ngẩng cao, mặt nghiêng về một bên.

          Một tượng có mặt quay về bên phải, một tượng quay về bên trái, dấu hiệu của cặp tượng đặt ở vị trí lối vào công trình kiến trúc. Đầu tượng có dạng mõm cá sấu với đôi mắt được cách điệu tròn và lồi, thường thấy ở hình tượng Makara.  Thân tượng được thể hiện mập tròn và không uốn lượn dài như thân rắn; dọc trên sống lưng nó có đường vảy nhọn; cổ có đeo vòng lục lạc.

          Một tượng rồng Makara khác sưu tầm trong đợt này có hình khối đặc thù, được chạm khắc nhiều chi tiết tinh tế. Đây là một tượng rồng vừa có các dấu hiệu của Makara vừa có hình ảnh của rắn thần Naga.

          Phần đầu được đặc tả bằng kích thước lớn so với tỷ lệ toàn thân. Mõm mở rộng, nhe hàm răng dữ tợn; mắt tròn, lồi ra dưới nhiều lớp mí mắt được chạm nổi với những nét hoa văn cầu kỳ.

          Hai chân trước xếp gọn dưới ngực, trong khi hai chân sau lại dựng thẳng đứng lên phía trên và kết thúc phần thân là chiếc đuôi dạng đuôi rắn, thả thòng xuống dọc theo chân. Trong mõm rồng có ngậm một vật tròn, thể hiện viên ngọc, là một hình ảnh có cả trong thần thoại Ấn Độ về Makara và trong thần thoại Trung Hoa về rồng.

          Năm hiện vật điêu khắc hình tượng rồng đang bảo quản tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng cho thấy sự phong phú về chủ đề và phong cách của nghệ thuật điêu khắc Champa.

          Đặc biệt, khi so sánh với hình tượng rồng trong nghệ thuật điêu khắc của các nước lân cận, có thể nhận ra những nét tương đồng và khác biệt về phong cách, cho thấy sự ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn hóa trong khu vực.

 VÕ VĂN THẮNG

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19794838
Hôm nay
Hôm qua
9119
6731