Hơn 10 năm trước, trong một cuộc gặp gỡ người khuyết
tật trên địa bàn toàn tỉnh, tôi nghe anh Trần Phước Ninh ngọng nghịu ngâm thơ
chẳng tròn vành rõ chữ “Mười năm bến lở sông bồi/ Ru người tình cũ nghẹn lời ca
dao”. Viết về anh ngày ấy, đơn giản chỉ là người vịn câu thơ mà đứng dậy. Mười
năm sau, mọi thứ đã khác…
Từ “quán cóc liêu xiêu một câu thơ”
Nhắc
lại chuyện cũ, anh Ninh cười tròn môi: “Quán bây giờ vẫn là “quán cóc liêu
xiêu” nhưng đủ sức chứa hàng vạn chữ nghĩa, hàng triệu trang sách và không giới
hạn trái tim đâu”. Anh nói bằng những câu chữ rành rõ, không khó khăn như 10
năm trước tôi gặp, cũng ở đây - “Thi hữu quán” - thôn Xuyên Đông 2, thị trấn
Nam Phước, Duy Xuyên. Ngày ấy 30 tuổi, gia tài của anh vỏn vẹn mấy tập học trò
nắn nót chép đầy thơ, một vài bài trong số đó đã được phổ nhạc. Cộng thêm 13
năm thanh xuân, từ một cậu học trò Trường THPT Sào Nam lành lặn trở thành người
khuyết tật, lê la từ Bắc chí Nam bán vé số kiếm sống qua ngày. Đêm đêm kiếm
mảnh giấy nhàu nắn nót làm thơ, ngày mai trên dặm dài bán vé số lại ghé một tòa
soạn nào đó gửi tác phẩm. Thân hình lẽ ra của một thanh niên vạm vỡ lại teo tóp
trong đôi chân không cân xứng, đôi tay lèo khoèo đụng đâu cũng vướng, mắt cứ
đảo liên tục và khuôn miệng méo đi khiến Ninh phát âm từ nào cũng không tròn
vành rõ chữ. “Tôi nhận ra rằng, cuộc đời có thể biến thân xác con người thành
khiếm khuyết, nhưng tâm hồn thì chỉ con người mới vẽ nên con người. Tôi làm thơ
không như nhà thơ mà từ những gì tôi nhìn thấy, tôi nhớ nhung, tôi khao khát” -
Ninh nói vậy và đã làm như vậy. Từ những niềm an ủi khi thơ được phổ nhạc, trở
thành một trong những bài hát hay về quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng như “Duy
Xuyên đất mẹ ân tình”, “Đà Nẵng vào xuân”, mỗi khi sóng radio phát những bản
nhạc này, chính Ninh cũng tìm thấy sự mới mẻ. Anh nói, giống như sự đâm chồi,
nếu nhìn thấy niềm tin và sự mới mẻ từ chính mình, tất nhiên sẽ vươn lên và
“sống”. Người đàn ông hơn 40 tuổi đầu này đã sống trong niềm tin về chính mình.
Con đường học chữ dang dở ngày trước quay trở lại với Ninh trên những trang
sách. Mỗi ngày Trần Phước Ninh vận động các em có hoàn cảnh khó khăn, tặng tập
vở và tổ chức lớp học tình thương. Không đứng lớp, Ninh nhờ cô giáo cũ dạy giúp
các em học sinh nghèo mỗi tối ngay tại quán cóc nhà mình.
Nhiều
người cũng như tôi cứ tưởng, Trần Phước Ninh sẽ tiếp tục tìm kiếm hạnh phúc cho
dù mãi sống một đời không lành lặn. Ấy nhưng, còn hơn thế nữa.
Đến
“quán sách”
Ngoại
trừ việc tự bản thân nỗ lực cải thiện khuyết tật đến 80%: không khó khăn trong
việc đi lại, giọng nói đã bình thường, Ninh còn làm những việc ít ai ngờ tới.
Mỗi năm, anh lại tự thân hành phương Nam một chuyến để vận động tài trợ cho học
sinh nghèo quê mình vào cuối và đầu mỗi năm học. Còn rải rác trong năm, anh
đăng ký tặng tập vở, quà cho học sinh ở các trường học. Thi hữu quán của anh –
không chỉ là điểm hẹn của những người yêu thơ, mà còn là điểm hẹn từ thiện.
Thỉnh
thoảng, một vài nhà hảo tâm ở khắp nơi có nhờ tôi đem đến quà hỗ trợ cho Trần
Phước Ninh. Khi từ một máy tính xách tay, khi từ cả nghìn tập vở, có khi là
tiền hỗ trợ…. Tất cả những tấm lòng ấy, Ninh lại gom góp và chia sẻ với những
hoàn cảnh nghèo khó quanh mình. Giờ tôi mới hiểu ý anh khi nói “quán cóc liêu
xiêu” có sức chứa hàng vạn trái tim ở đầu câu chuyện là vậy. Quán cóc này, anh
dựng lên một “quán sách”. Hoàn toàn miễn phí!
“Suốt
bao nhiêu năm nay, mình đón nhận rất nhiều tấm chân tình của nhiều người có khi
chẳng quen. Biết là họ kỳ vọng ở mình nhiều lắm, nên mình cũng muốn được chia
sẻ” - anh Ninh nói. Thư viện mini của Trần Phước Ninh mở cửa thường xuyên cho
bạn đọc miễn phí. Ban đầu cho đọc tại nhà, sau đó, anh làm thẻ thư viện cho bạn
đọc mang về, vài hôm sau lại đem trả. “Nếu mà bọn trẻ không trả, cũng khó khăn
trong việc đi đòi lắm, ấy nhưng mà đứa nào cũng đúng hẹn, mượn xong rồi trả
nhường cho người khác” - quản thư Trần Phước Ninh miêu tả. Từ quản thư, chọn
lọc sách, phân loại đến làm thẻ, đánh dấu, chuyển đổi sách đều một tay anh Ninh
làm. Hôm tôi ghé, có cô bé Dung mới học lớp mẫu giáo, chưa biết chữ cũng đến
làm thẻ, đăng ký đọc sách. Dung nói: “Con xem tranh, các anh chị đọc cho con
nghe, hoặc là chú Ninh đọc”.
Vẫn
cái quán cóc liêu xiêu ấy nhưng khi trở thành thư viện, cũng gọn gàng, đầy đủ.
Kệ sách có người đóng mang từ Nông Sơn đem xuống tặng. Với gần 2.000 đầu sách ở
nhiều thể loại, quán sách của Ninh gần như là một thư viện tổng hợp. Ông Lê
Quang Minh - một nhà tài trợ sách ở TP.Hồ Chí Minh nhận xét về thư viện sách
miễn phí của Trần Phước Ninh: “Các cháu miền quê có thể nghèo tiền bạc, nhưng
sẽ không thiếu trí tuệ bởi tấm lòng của Ninh dành cho các em hôm nay. Mình nhỏ
nhoi, trước tấm lòng của nhà thơ khuyết tật này. Em ấy là người tử tế trong
lòng tôi”. Cứ như thế, rất nhiều chia sẻ gửi về cùng những “kiện sách” tài trợ
cho thư viện của Ninh.
Sắp
hè, thư viện miễn phí ở Thi hữu quán ngày một đông. Người đến tặng sách, kẻ đến
đọc sách, mượn về. Ai cũng mong cho thư quán này ngày một phát triển, nhiều
sách hơn, nhiều tấm lòng hơn. Riêng người quản thư 40 tuổi Trần Phước Ninh thì
muốn: “Những đứa trẻ ở quê nghèo này được đến với thế giới rộng lớn từ trang
sách, gieo cho các em thói quen đọc sách ngay từ lúc nhỏ”.
TÂM
AN