A+ A A-

Ngắm lại Mỹ Sơn

alt
Nhóm tháp G là một trong 8 nhóm tháp tạo nên diện mạo của khu di tích Mỹ Sơn. Tháp có 5 công trình trên ngọn đồi thấp được vua Champa Jaya Harivarman cho xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XII để thờ thần Siva.
Do thời gian và chiến tranh tàn phá, nhiều ngôi tháp ở Mỹ Sơn bị hư hại, nhiều công trình trong nhóm tháp G bị sụp đổ, chỉ còn ngôi tháp G1 là tương đối nguyên vẹn ở chân tháp. Do đó, ít người quan tâm đến nó. Mỗi lần đến Mỹ Sơn hầu như ai cũng chiêm ngưỡng, khám phá khu vực tháp B, nhất là những khi tổ chức các lễ hội quảng bá di sản.

Nhìn lại những bức ảnh chụp trước năm 1997, nhóm tháp G như đống đổ nát. Mặt tiền của tháp G1 không còn rõ đường nét kiến trúc, gạch đá ngổn ngang, các mảng tường tháp bị sạt xuống, đài thờ có nhiều núm vú và Yoni mỗi bộ phận nằm mỗi nơi, các bức tượng sư tử, mặt nạ bằng đất nung mờ lấp trong đống gạch... Nhưng bằng “con mắt tinh đời”, các chuyên gia khảo cổ của trường Đại học Bách khoa Milan đã chọn nhóm tháp này để trùng tu. Họ đã dành thời gian gần 15 năm để trùng tu tháp G1, trả lại nét dáng, diện mạo của nó.alt

Trong dịp Fesstival Di sản Quảng Nam năm 2013,  tháp G1 đã mở cửa đón khách tham quan. Với niềm đam mê di sản kiến trúc Chăm, các chuyên gia người Ý thuộc Quỹ Lerici đã làm việc không mệt mỏi cho sự nghiệp cứu nguy, phục hồi nhóm tháp G từ tình trạng đổ nát. Đến thăm Mỹ Sơn và tận mắt chứng kiến kết quả trùng tu, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO vui mừng phát biểu: “Chúng ta đã bảo tồn và trùng tu các tháp gần như đã bị sập đổ của nhóm tháp G theo tiêu chuẩn bảo tồn di sản cao nhất - và hôm nay, quý vị sẽ được chứng kiến những kết quả đáng kinh ngạc đó”.

Nhìn những bức ảnh chụp hiện trạng tháp G khi xưa ta mới cảm phục sự tận tâm, nhiệt tình, đam mê của các chuyên gia người ý. Họ đưa đến đây các nhà trùng tu lão luyện, nhặt nhạnh từng viên gạch, kết nối từng mạch vữa, đo vẽ từng chi tiết để có phương án cứu nguy ngôi tháp. Qua nhiều năm họ đã tạo ra một lớp thợ toàn người địa phương biết cách làm việc như thế nào để trùng tu di tích. Ngắm ngôi tháp G1 được trùng tu hôm nay ta lại thấy tài năng của kiến trúc, tạc tượng, phù điêu của người Chăm xưa. Những gì tinh hoa, hồn cốt của ngôi tháp được lộ diện. Ở mặt tiền hiện rõ 3 lối lên tháp theo kiểu bậc cấp, 4 bức tượng sư tử bằng sa thạch ở 4 góc chân tháp như đang nhảy múa. Phần diềm chân tháp hiện lên nhiều mặt nạ Kala bằng đất nung. Mặt Kala thể hiện khá sinh động, đa dạng, đẹp mắt nên ngôi tháp ẩn chứa bao điều bí ẩn huyền thoại. Bởi theo Ấn Độ giáo, Kala là hóa thân của thần Siva, tượng trưng cho sự hủy diệt, lẽ vô thường, sự vật luôn luôn biến đổi. Những chiếc mặt nạ Cơ Tu ở trên núi, những chiếc mặt nạ tuồng miêu tả chân dung các nhân vật trên sân khấu của người Việt có sự ảnh hưởng, giao lưu, hay sao chép từ mặt Kala ở đây hay các ngôi đền tháp khác của người Chăm không? Đó là câu hỏi cần được nghiên cứu, khám phá. Bên trái tháp G1 còn có tượng Yoni đặt trên đài thờ với nhiều núm vú bao quanh tượng trưng cho sự phồn thực. Trước đó, khi chưa trùng tu, bức tượng này bị nằm lăn lóc trong đống gạch vụn, nay đã định vị, sắp xếp lại. Đây là tượng sinh thực khí còn nguyên vẹn, có hình khối lớn nhất ở Mỹ Sơn, làm cho tháp G1 thêm phần đặc sắc.

Trong lễ Mở cửa tháp sau khi trùng tu, tôi đã chứng kiến nhiều nghi lễ độc đáo của các thầy cúng, nghệ nhân, vũ nữ Chăm như thổi hồn vào tháp thiêng ngàn đời một ngôn ngữ mới, cầu cho thần linh tiếp thêm nguồn năng lượng cho ngôi tháp vững bền trước thời gian và những tinh hoa di sản Chăm mãi trường tồn và là niềm tự hào của người dân đất Quảng.

TẤN VỊNH

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19797081
Hôm nay
Hôm qua
1202
10160