Trong giai đoạn thập niên 1980, đầy những khó khăn của đất nước sau chiến tranh, để cải tạo đất đai hoang hóa, bạc màu, nhiều nông trường sản xuất nông nghiệp đã ra đời trên khắp cả nước.
Trong nhiều tính ưu việt của loại hình nông trường có việc phát huy được tính tập thể, giải phóng sức lao động, tạo hiệu quả kinh tế. Ở nhiều địa phương đây là những quả đấm chủ lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Nông trường 19 tháng 5 hình thành ở vùng đất Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ngày đó cũng không ngoài những mục đích trên.

Vùng phụ cận Mỹ Sơn là địa bàn sản xuất của Nông trường 19 tháng 5
Năm 1980, từ trại 19 tháng 5, huyện Duy Xuyên đã phát triển thành mô hình Nông trường với tên gọi Nông trường 19 tháng 5. Nông trường đóng trên địa bàn các xã Duy Thu, Duy Phú và Duy Hòa bây giờ. Mô hình sản xuất chính là nông nghiệp, trồng cây lương thực, cây công nghiệp, trồng rừng và chăn nuôi. Nông trường gồm có 4 đội sản xuất từ số 1 đến số 4, trong đó đội số 4 chuyên về chăn nuôi, các đội còn lại chủ yếu sản xuất. Lực lượng công nhân tham gia nông trường là 300 người, chủ yếu là lao động trong huyện Duy Xuyên.
Chính địa bàn phân bố của nông trường tập trung trên một vùng đồi rộng lớn gần 2000 ha với những điều kiện đất đai thổ nhưỡng thích hợp cho một số loại cây trồng cùng diện tích mặt nước hồ Thạch Bàn rộng lớn đã giúp cho công tác tưới tiêu thuận lợi. Phát triển được các loại cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày như sắn, chè, điều, tiêu và tổ chức được chăn nuôi tốt. Trong đó, diện tích cây chè là 300ha, rừng trồng là trên 1500ha, cùng vùng chăn nuôi rộng lớn. Cây công nghiệp ngắn ngày như sắn, khoai được trồng xen canh và một phần diện tích cho việc trồng hồ tiêu.
Giai đoạn đầu hình thành nông trường, Ban Giám đốc đã chú trọng phát triển cây công nghiệp ngắn ngày kết hợp với việc phát triển các đồi chè nhằm lấy ngắn nuôi dài. Chè sau khi trồng khoảng gần 3 năm đã bắt đầu cho thu hoạch.
Theo ông Đăng Văn Tháo, nguyên giám đốc Nông trường 19 tháng 5 ( giai đoạn 1980 – 1986) thì nông trường lúc đó đã góp phần rất lớn phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương. Cây chè trên đất nông trường đã mang lại hiệu quả kinh tế, được sản xuất thành phẩm mang thương hiệu Trà 19 tháng 5. Trà sản xuất từ nông trường được đóng gói và tiêu thụ không những địa bàn tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ mà vươn ra thị trường các tỉnh xung quanh. Cũng theo ông Đặng Văn Tháo thì chất lượng trà của nông trường được ông Hồ Nghinh lúc bầy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đánh giá cao. Ông Đặng Văn Tháo nhớ lại. Trong một lần ghé thăm nơi làm việc của Bí thư ông đã mang tặng ông Hồ Nghinh một ký trà làm quà, không ngờ sau khi dùng thử, ông Hồ Nghinh đã có một bài viết đăng trên báo về chất lượng trà của nông trường và cho rằng trà Nông trường 19 tháng 5 không thua kém gì trà sản xuất ở Nông trường Quyết Thắng (Nam Giang) hay trà Nông trường 3 tháng 2 ở Nghệ Tỉnh bấy giờ. Không ngờ bài viết đã có tác động làm cho nhiều đơn đặt hàng các nơi gửi về, kinh tế nông trường đã góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.
Tồn tại 10 năm từ năm 1980 đến năm 1990, thì nông trường ngừng hoạt động. Tuy nhiên, mô hình kinh tế nông trường trên vùng đất này đã để lại những dấu ấn, tiêu biểu cho một giai đoạn chuyển mình của kinh tế đất nước. Đối với thế hệ cha ông thì kinh tế nông trường gợi nhớ về một thời lao động tập thể với những khó khăn nhưng cũng đầy lạc quan, vui tươi.
Văn Khoa