Sáng 21.4 (mùng 10.3 âm lịch), tại nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu (thôn Trà Châu, xã Duy Sơn, Duy Xuyên), Hội đồng Chư tộc Ngũ xã Trà Kiệu tổ chức lễ hội mừng 550 năm ngày thành lập và dâng hương tưởng niệm, tri ân công đức các bậc tiền nhân có công mở đất, lập làng.
Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu. Ảnh: T.P
Theo những vị cao niên trong làng, cách đây 550 năm, trong hành trình mở cõi, 13 vị tiền hiền ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thuộc 13 dòng tộc Lê Đình, Lưu Văn, Nguyễn Hữu, Nguyễn Thành, Nguyễn Như, Nguyễn Tá, Lê Quang... theo vua Lê Thánh Tông tiến vào Nam dẹp giặc đã dừng chân ở vùng đất Chiêm Thành.
Mọi người cùng ôn lại truyền thống lập làng. Ảnh: T.P
Các bậc tiền bối đã bỏ bao công sức khai phá vùng đất hoang vu, san bằng rừng đồi hiểm trở, cải tạo thành ruộng đất phì nhiêu chia cho dân làng canh tác. Từ hơn 400 mẫu đất được khai hoang, làng mạc được hình thành và xã Trà Kiệu ra đời, cư dân khắp nơi quy tụ về đây làm ăn, sinh sống. Con cháu nhiều đời sau tưởng nhớ công đức cha ông nên hàng năm đều tổ chức lễ hội.
Phần lễ diễn ra theo nghi thức cổ truyền. Ảnh: T.P
Năm Thành Thái thứ 18 (tức năm 1905), để dễ bề cai quản về hành chính, Trà Kiệu được chia thành 5 xã nhỏ là Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Nam, Trà Kiệu Trung, Trà Kiệu Tây, Trà Kiệu Thượng. Danh xưng Ngũ xã Trà Kiệu có từ đó. Đặc biệt, ngôi nhà thờ tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu khoảng 305 năm tuổi được Bộ VH-TT&DL cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.
Dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân. Ảnh: T.P
Trải qua thời gian, dù phân chia địa giới hành chính nhưng hàng năm cư dân làng đều tổ chức lễ hội tưởng nhớ tổ tiên. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Hội đồng Chư tộc Ngũ xã Trà Kiệu chỉ tổ chức phần lễ theo nghi thức cổ truyền dân tộc gồm lễ tế ngoại đàn, lễ túc yết, dâng lễ vật của các làng... Đặc biệt, nghi thức hát lễ kéo dài khoảng 15 - 20 phút, do diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn cùng với nhạc lễ diễn ra trang nghiêm, đầm ấm.
Đại diện Hội đồng Chư tộc Ngũ xã Trà Kiệu tặng quà cho đại diện tộc Lưu Việt Nam. Ảnh: T.P
Đây như một cuộc hành hương về nguồn đầy ý nghĩa, bồi đắp thêm truyền thống văn hóa, tinh thần đoàn kết trong các chư tộc, cộng đồng dân cư, tinh thần đồng lòng giữa bà con lương - giáo, góp phần tạo dựng mối quan hệ đoàn kết, cùng nhau chung sức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.
NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH