Những ngôi nhà được xây dựng theo kiểu cây nhà lá vườn bỏ trống, nhà điều hành thì được cho thuê lại để làm chỗ nghỉ chân, du khách đến rồi đi... Mô hình du lịch homestay từng là một ý tưởng hay trong sự phát triển du lịch tại H. Duy Xuyên sau nhiều năm triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập.
Nhà điều hành của làng du lịch Trà Nhiêu bất đắc dĩ trở thành nơi dừng chân nghỉ trưa
Với tài nguyên du lịch phong phú, trong những năm qua, H. Duy Xuyên chủ trương phát huy lợi thế của di sản văn hóa Mỹ Sơn, lấy Mỹ Sơn làm điểm nhấn để tạo nên sức hút, phát huy lợi thế nhất là về du lịch sinh thái cộng đồng, văn hóa lịch sử. Các điểm du lịch sinh thái như: Khu du lịch sinh thái Duy Sơn, làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu, dịch vụ homestay ở xã Duy Tân được khai thác triệt để lấy tiềm năng du lịch để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Tháng 7-2010, làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu (thôn Trà Đông, Duy Vinh, Duy Xuyên) chính thức khai trương. Đường sá được cải tạo, hàng rào kẽm gai được thay toàn bộ bằng rào chè tàu, người dân hoan hỉ sắm đủ thứ để chuẩn bị làm du lịch. Bà Nguyễn Thị Năm (thôn Trà Nhiêu) nhớ lại: “Chỉ cách nhau một con sông thôi nhưng bên Hội An đời sống khác hẳn vì họ làm du lịch. Khi nghe nói bên mình cũng sắp đổi mới, sắp trở thành làng du lịch cũng mừng lắm. Rồi tui với bà con cũng đi tập huấn tận trong Sở VH-TT&DL. Thế nhưng được một thời gian rầm rộ rồi cũng chẳng có khách mô tới. Khách du lịch chủ yếu chỉ đạp xe ngang qua đây nhìn ngắm rồi đi. Làm nông vẫn hoàn làm nông”. Sau những ngày tháng chuẩn bị, háo hức chờ đợi rồi bà con Trà Nhiêu cũng chỉ biết trông vào các hãng lữ hành. Thế nhưng hoạt động được gần 1 năm, bao nhiêu hãng lữ hành tới thử nghiệm, rồi cũng lắc đầu vì quá ế khách.
Sau một thời gian giao cho làng tự quản, không có hiệu quả, đến tháng 7-2013, hãng lữ hành quốc tế Lê Nguyễn chính thức tiếp quản mọi hoạt động du lịch của làng. Các dịch vụ du lịch được nêu ra khi ấy gồm: cụm lưu trú homestay; tour du lịch khám phá sông nước; khu du lịch làng nghề thủ công mỹ nghệ dệt chiếu, đan lát; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng làng quê... Tuy nhiên, đâu chừng gần 1 năm, Lê Nguyễn tự rút lui vì không thể kéo khách về. Ông Trần Duy Năm (nguyên trưởng ban chủ nhiệm làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu) tâm sự: “Tiềm năng du lịch ở đây rất lớn nhưng còn đơn lẻ quá. Khách kéo đến ăn uống rồi đi. Không mua quà lưu niệm. Không tham gia các hoạt động du lịch của làng. Và cũng vì thế mà những nghề truyền thống ở làng không được dịp phát huy. Thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng đã đành nhưng cái chính là thiếu kinh nghiệm làm du lịch, thiếu sự chuyên nghiệp nên không thể phát triển được”.
Cùng chung “nỗi khổ” như làng Trà Nhiêu, làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn cũng sa lầy sau một thời gian triển khai. Được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ngày 14-3-2013 làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn chính thức mở cửa đón khách. Sau 3 năm đưa vào hoạt động mô hình này cũng dần chết yểu vì lượng khách đến quá ít. Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn cho biết: có tất cả 30 hộ dân được chọn lựa tham gia vào chương trình trên, đã tham gia các khóa học cơ bản những kỹ năng cần thiết đáp ứng cho việc đón khách. Trong đó tập trung vào các kỹ năng ngoại ngữ giao tiếp, kỹ năng kinh doanh dịch vụ, kỹ năng sơ cứu, cứu nạn, và kiến thức về phát triển du lịch bền vững. ILO đã hỗ trợ cho 5 hộ dân (3.000 USD/hộ) để xây dựng cơ sở vật chất như buồng phòng đón khách, nhà tắm, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Thời gian đầu, dù lượng khách đến không nhiều nhưng thông qua việc sử dụng các dịch vụ tại chỗ như ăn uống, thuê xe... bước đầu cũng đã tạo luồng sinh khí mới cho làng; tuy nhiên, sau thời gian ngắn số khách đến làng ngày càng giảm dần.
Trong số 9 nhóm dịch vụ đã được xây dựng như lưu trú, nấu ăn, hướng dẫn, thuê xe đạp, chèo thuyền, leo núi, massage, làm nông, bán hàng lưu niệm thì ngoài dịch vụ nấu ăn do các hộ dân chủ động liên hệ bên ngoài nấu tiệc, đám cưới... những dịch vụ còn lại rất ít hoặc không có hoạt động. Ông Võ Xoa–Trưởng ban quản lý làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn cho biết: “Với giá lưu trú 1 ngày của du khách từ 150-200 ngàn đồng, dịch vụ homestay kỳ vọng sẽ kéo dài thời gian lưu trú của khách đến Mỹ Sơn thay vì chỉ đến nhìn ngắm tháp cổ rồi về lại Hội An. Do hiệu quả khai thác thấp nên doanh số du lịch của làng rất khiêm tốn, bình quân đạt khoảng 50 triệu đồng/năm, điều này ảnh hưởng đến tâm lý của người dân về tính hiệu quả khi tham gia mô hình du lịch này. Chính vì vậy sau một thời gian hào hứng tham gia đa phần người dân đều bỏ dở. Thêm vào đó chúng ta chưa có sự đầu tư, công ty lữ hành thờ ơ dẫn đến mô hình này dần chết yểu”.
Ông Lê Trung Cường-Phó Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên nhìn nhận: “Du lịch Duy Xuyên có nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn bỏ ngỏ bởi người dân chúng ta vẫn chưa quen với cách làm du lịch mới". Trong thời gian đến huyện sẽ tăng cường xác lập các mối quan hệ với các hãng lữ hành để tuyên truyền quảng bá hình ảnh. Phát hành đĩa phim, clip giới thiệu các mô hình sản phẩm mới và lập một trang web riêng để giới thiệu về các dịch vụ du lịch ở đây” ông Cường Khẳng định.
Đồng Dao