Liên hoan nghệ thuật tuồng huyện Duy Xuyên lần thứ VIII đã khép lại nhưng dư âm từ một hội diễn quy tụ nhiều thế hệ diễn viên làm sống lại đất tuồng nơi bờ nam sông Thu Bồn còn vang vọng.
Quy tụ nhiều lớp diễn viên
Liên hoan nghệ thuật tuồng lần thứ VIII- huyện Duy Xuyên đã diễn ra trong niềm phấn khởi, mong đợi của những người yêu tuồng và những người giàu tâm huyết, nặng lòng với đất tuồng. Liên hoan lần này quy tụ 10 đội tuồng, trong đó có 8 đội tuồng đến từ các xã/thị trấn trên địa bàn và 2 đội tuồng đồng ấu thuộc Trường THCS Trần Cao Vân và Trường THCS Phan Châu Trinh. Các đội tuồng “cây nhà lá vườn” với những nỗ lực, niềm say mê lớn đã mang đến cho liên hoan những sắc màu nghệ thuật, những giá trị tinh thần to lớn. Đặc biệt, hai đội tuồng đồng ấu vốn trưởng thành từ dự án “Sân khấu học đường” đã mang tới liên hoan hai trích đoạn của vở “Trần Quốc Toản ra quân” (Trường THCS Phan Châu Trinh) và vở “Trưng Vương đề cờ” (Trường THCS Trần Cao Vân) xuất sắc giành giải nhất và giải nhì tại liên hoan lần này. Hai em Đoàn Kim Ngân và Trần Minh Châu (cựu học sinh Trường THCS Trần Cao Vân) vào vai Trưng Trắc, Trưng Nhị vở “Trưng Vương đề cờ”, đã đóng góp cho khán giả tiết mục diễn xuất có hồn. Đoàn Kim Ngân cho biết: “Em rất hồi hộp, dù đã có kinh nghiệm đứng trên sân khấu học đường nhưng vai Trưng Trắc đòi hỏi sự mạnh mẽ, rắn rỏi của người nữ tướng”. Tin vui là trong đợt thi tuyển vào Đại học Sân khấu điện ảnh tại Hà Nội mới đây, Đoàn Kim Ngân và Trần Minh Châu là hai nữ sinh duy nhất trong số 6 học sinh trưởng thành từ dự án “Sân khấu học đường” xuất sắc lọt vào vòng thứ hai của đợt xét tuyển.
Trích đoạn vở “Hận Nam Quan” do đơn vị Duy Nghĩa biểu diễn. Ảnh: BÍCH LIÊN
Hai đơn vị Duy Vinh, Duy Thành, do chưa tìm ra được lớp diễn viên kế cận nên những lão niên phải “độc diễn” cả một trích đoạn khiến nhiều người nể phục. So với các đội còn lại, đội tuồng Duy Thu có nhiều ưu thế vượt trội, quy tụ khá nhiều diễn viên ở nhiều độ tuổi và diễn khá “chắc tay” với trích đoạn của vở “Lê Lai liều mình cứu chúa”. Trích đoạn này đã giành giải nhất liên hoan và diễn viên thủ vai Lê Lai cũng đã đạt giải A tại liên hoan. Vốn là một “cây văn nghệ” của xã Duy Sơn nhưng lần đầu diễn tuồng, cô Ngô Thị Hồng (50 tuổi) đã chinh phục ban tổ chức, rinh về cho đội giải A. Cô vào vai Tuấn Mẫu trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, một người mẹ mù lòa, vừa xin ăn, vừa đi tìm con, khiến người xem cảm động. “Đây thực sự là vai khó, làm sao để toát lên được hoàn cảnh, cảm xúc của một bà mẹ mù khóc con mới có thể đón nhận sự đồng cảm từ người xem được. Để diễn tốt vai này tôi phải chịu khó tập cả 10 ngày, nhờ có chất giọng sẵn rồi, nên chỉ dày công tập luyện nữa có thể đáp ứng yêu cầu của một liên hoan văn nghệ quần chúng” - cô Hồng nói.
Đánh giá về hội diễn, ông Bùi Minh Diệu - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Duy Xuyên chia sẻ: “Nhìn chung, các vở diễn của các đơn vị được thể hiện khá chắc tay, cả tổ chức, xử lý làn điệu, xử lý mảng miếng, đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo. Chúng tôi rất vui khi thấy có những mầm non nghệ thuật rất có bản lĩnh xuất hiện trên sân khấu, cảm phục với một số nghệ nhân không chuyên dù tuổi ngoài 70 vẫn hăm hở về dự liên hoan và thể hiện vai diễn có chất lượng”.
Giữ lửa tuồng
Dịp diễn ra liên hoan, đất tuồng Duy Xuyên lại vang lên rộn rã âm thanh của tiếng trống chầu. Tuồng (hát bộ) là loại hình nghệ thuật vô cùng khó và kén cả người diễn lẫn người xem. Vậy nên, những xúc cảm gợi lên nơi người xem đến từ những vai diễn, vở diễn mộc mạc, chân chất của những bác nông dân tay lấm chân bùn, của những cụ tuổi “thất thập cổ lai hy” giàu lòng say mê tuồng, của những học sinh mới tập tành đến với liên hoan tuồng này đã đủ đầy. Thật đáng quý khi một địa phương như Duy Xuyên từ nguồn xã hội hóa lại có thể duy trì đều đặn 8 kỳ liên hoan quy tụ đông đảo nhân dân hưởng ứng.
Ông Cao Đình Liên - Phó Trưởng đoàn Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: Tôi rất xúc động vì không dễ gì một địa phương cấp huyện lại đứng ra tổ chức một liên hoan tuồng bài bản như vậy. Có thể thấy, văn nghệ thì không biết đâu là vừa, song tôi rất phấn khởi trước tấm lòng yêu tuồng của các người dân, thể hiện ở việc chuẩn bị chu đáo từ kịch bản, trang phục, đạo cụ. Cần thiết tạo thế hệ kế cận, truyền lửa tuồng. Công tác bảo tồn cần chú trọng đến kịch bản, tôn trọng kịch bảnLiên hoan khép lại, người nặng nợ với tuồng như ông Nguyễn Quỳnh - Chủ tịch Hội Bảo trợ tuồng đã bớt đi một nỗi lo. Những ngày chuẩn bị cho liên hoan, ông đi xin kinh phí hỗ trợ ban tổ chức, rồi xuống tận các địa phương để vận động sự hưởng ứng của chính quyền cùng diễn viên với tuồng. “Ngồi dưới sân khấu xem các cháu diễn bên cạnh người lớn thật dễ thương, có thể tin tưởng vào một thế hệ kế thừa và phát triển lửa tuồng xứ Quảng. Có lẽ vì nghiệp mà tôi cứ lo, làm sao đó để bảo tồn, phát triển, gìn giữ tuồng chứ nếu để mất tuồng thì cũng như mất đi văn hóa. Sang năm, nếu còn khỏe tôi lại tiếp tục vào TP.Hồ Chí Minh, đi các nơi để gõ cửa, sẽ tổ chức tập luyện cho diễn viên một cách bài bản, ít nhất cũng tạo được một đội tuồng mạnh của địa phương” - ông Nguyễn Quỳnh nói. Ông Hà Văn Minh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên nhìn nhận, tạo nên thành công cho liên hoan, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, ngành VH-TT huyện, phải ghi nhận rất lớn sự sát cánh của Hội Bảo trợ tuồng, khi đứng ra vận động kinh phí, kết nối với các nghệ sĩ, diễn viên, ban tổ chức thuộc Đoàn tuồng Sông Thu, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh để mang lại những sắc màu cho liên hoan.
BÍCH LIÊN