Tường bao xung quanh cụm di tích Triền Tranh.
Cuối tuần qua, Viện Khảo cổ học, Sở VH-TT&DL tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ và góp ý phương án di dời, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Triền Tranh. Hội nghị thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về khảo cổ, lãnh đạo Sở VH-TT&DL, UBND huyện Duy Xuyên và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Hiện tại, Viện Khảo cổ học vẫn đang chờ quyết định từ Bộ VH-TT&DL về thời gian khai quật 800m2 còn lại trong tổng thể diện tích 3.800m2 có đường cao tốc đi qua. Viện Khảo cổ học cũng cho biết 3.000m2 di tích đã được khai quật sẽ sớm bàn giao cho VEC sau khi tiến hành xử lý, di dời hiện vật.
Giải mã bí ẩn Triền Tranh
Năm 2010, sau khi dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được phê duyệt, tại bước thiết kế cơ sở đã phát hiện ra tuyến đường này đi vào trung tâm di tích Triền Tranh - đã được công nhận là di tích khảo cổ cấp tỉnh vào năm 2006. Sau khi có đánh giá của các chuyên gia khảo cổ, hướng tuyến đi này được điều chỉnh, phân định mốc di tích cách đường cao tốc hơn 70m. Tuy nhiên, do di tích có quy mô lớn, khi triển khai thi công, đơn vị thi công phát hiện còn nhiều phần của di tích nằm sâu dưới lòng đất. Những dấu tích kiến trúc mới được xuất lộ. Viện Khảo cổ học vào cuộc và được sự đồng thuận của Bộ VH-TT&DL tiến hành khai quật 3.000m2 di tích nằm trong khu vực đường cao tốc đi qua nhằm thu thập thêm tư liệu, nhận thức rõ hơn về di tích Triền Tranh đồng thời di dời di tích, giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng dự án.
Trong quá trình khai quật khảo cổ, khảo sát, các nhà nghiên cứu nhận định Triền Tranh là một công trình kiến trúc tôn giáo bị sụp đổ, bao gồm nhiều kiến trúc tạo nên trung tâm tôn giáo hoàn chỉnh theo trục đông - tây. Theo trục này, các nhà khoa học phát hiện được các dấu tích kiến trúc như Tháp Cổng, nhà Dài (Mandapa), hồ nước thiêng, tháp thờ trung tâm… Chọn địa điểm khai quật nằm phía sau công trình kiến trúc tháp thờ, dựa vào địa hình, Viện Khảo cổ mở 30 hố khai quật. Các dấu tích kiến trúc tường bao, nhà cửa xây dựng chồng xếp lên nhau được xuất lộ trong một mặt bằng khá bằng phẳng, chạy dài theo chiều đông - tây và rộng theo chiều bắc - nam. Tiến sĩ Lê Đình Phụng - Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học), người giữ vai trò Trưởng ban Cố vấn khoa học trong quá trình khai quật di tích Triền Tranh, cho biết nhiều thành phần kiến trúc gồm: các hệ thống tường bao cùng ngói, gạch, thanh đá bậc cửa, đồ đất nung Chăm, gốm sứ Đại Việt thời Trần, gốm sứ nước ngoài (Trung Quốc, Islam) là những hiện vật lần đầu tiên được phát hiện. Đặc biệt, sự xuất lộ của kiến trúc chia ô nhỏ ở phía sau đền thờ chính giúp hình dung về những ngôi nhà lợp ngói đã sụp đổ…
Trong khi đó, PGS-TS. Ngô Văn Doanh, người nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Chămpa, cho rằng sự xuất hiện của cụm di tích Triền Tranh có quy mô lớn, lại nằm cạnh kinh đô Trà Kiệu và thánh địa Mỹ Sơn, ngoài kiến trúc đền tháp chính còn rất nhiều những kiến trúc nhà ba gian lợp ngói… “Điều này cho thấy khả năng Triền Tranh có chức năng là giáo đường, là nơi tập giảng. Hàng năm, từ kinh đô Trà Kiệu, vua tập hợp giới tăng lữ về để tập giảng kinh sách, luyện kinh thờ cúng và nghi lễ, trai giới trước khi đến làm lễ ở Thánh địa Mỹ Sơn và các khu đền tháp khác trong vùng” - TS. Ngô Văn Doanh nói. Cũng theo sự phán đoán của các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu khoa học, sự biến mất của cụm di tích Triền Tranh ở khoảng cuối thế kỷ XII - đầu thế kỷ XIII khả năng liên quan đến cuộc chiến tranh giữa người Chămpa và người Khmer trong lịch sử. Vào giữa thế kỷ XII, những cuộc chiến tranh của người Khmer tấn công vào khu vực này đã phá hủy nhiều khu đền tháp của người Chămpa. Điều này đã được ghi chép trong một số bi ký. Trong 3.000m2 vừa được khai quật, Viện Khảo cổ học cho rằng, các dấu tích kiến trúc được phát lộ thuộc hai giai đoạn sớm muộn khác nhau. Lớp kiến trúc sớm được hình thành từ khoảng thế kỷ thứ IX đến XI. Lớp kiến trúc muộn được hình thành từ thế kỷ XII đến XIII, sau các cuộc chiến lần thứ nhất giữa người Chămpa và người Khmer như đã nói.
Thống nhất phương án di dời
Tại hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ và góp ý phương án di dời, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Triền Tranh, Viện Khảo cổ học, Sở VH-TT&DL, VEC đã nói rõ lý do tại sao phải thực hiện phương án di dời di tích. Theo đó, vị trí phát lộ di tích Triền Tranh nằm ở giữa khu vực cửa hầm chui qua dãy núi Chiêm Sơn nên cao độ của đường bị giới hạn, không thể tránh khỏi việc xâm phạm và phá hủy một phần diện tích 3.800m2 di tích (trong tổng thể 15.000m2 phân bố của cụm di tích Triền Tranh - Chiêm Sơn). Đồng thời vị trí bị xâm phạm nằm ở rìa ngoài phía tây nam của cụm di tích. Tại công văn của Bộ VH-TT&DL công bố vào ngày 4.11.2014, cho phép Sở VH-TT&DL phối hợp cùng Viện Khảo cổ học tổ chức khai quật 3.000m2, gồm 30 hố, để có thêm tư liệu nhận thức rõ hơn về di tích Triền Tranh và tổng thể cụm di tích Chiêm Sơn Tây nói chung; đồng thời di dời hiện vật, giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Phân loại hiện vật thu thập được ở di tích Triền Tranh tại Bảo tàng Văn hóa Chămpa - Sa Huỳnh, Duy Xuyên. Ảnh SONG ANH
PGS-TS. Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, di dời là phương án hài hòa nhất đối với di tích Triền Tranh. “Ở góc độ khoa học, các nhà nghiên cứu bao giờ cũng muốn giữ lại di tích. Với Triền Tranh, chúng tôi rất tiếc vì không phải nơi nào cũng phát lộ di tích như thế. Chuyện di dời hiện vật là bất khả kháng. Công tác bảo tồn di tích cũng cần phải hài hòa, tính đến yêu cầu phục vụ phát triển đất nước” - ông Hải nói.
Vấn đề đặt ra cho các nhà khoa học cũng như Sở VH-TT&DL đó là sau khi di dời hiện vật, việc bảo tồn, bảo quản sẽ được thực hiện như thế nào? Các chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất thực hiện bảo tồn di tích hiện nay là tư liệu hóa bằng phương pháp quét và dựng thành phim 3D. Bên cạnh đó là lập hệ thống bản ảnh, bản vẽ, bản dập hoa văn và những thông tin mô tả hiện vật. Trong tương lai, khi có điều kiện nghiên cứu tổng thể di tích Triền Tranh sẽ khớp nối các dữ liệu và thực hiện phục dựng mô hình di tích. Đối với việc di dời hiện vật, Viện Khảo cổ học cho rằng sẽ thực hiện thành hai dạng: di dời khối kiến trúc tiêu biểu và di dời di vật khảo cổ. Sau khi hoàn thành nghiên cứu hiện trường, các chuyên gia đầu ngành sẽ cắt nguyên khối hai đoạn di tích tường thành di dời về Bảo tàng Quảng Nam và Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa Duy Xuyên. Đối với các hiện vật kiến trúc gạch, ngói, đá, trong tổng diện tích 3.800m2 di tích sẽ được lấy lên khỏi lòng đất, chỉnh lý, phân loại, lập hồ sơ khoa học và bàn giao cho Bảo tàng Quảng Nam.
Như vậy, đến thời điểm này, có thể khẳng định phương án xử lý cuối cùng đối với 3.800m2 di tích Triền Tranh đoạn tuyến đường cao tốc đi qua sẽ phải di dời hiện vật để phục vụ thi công dự án. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, ngoài phương pháp quét và dựng phim 3D, cần dựng một mô hình di tích này bằng chính vật liệu của địa phương. Ngoài ra, việc bảo quản hiện vật khai quật được cũng cần phải có phương pháp khoa học từ Viện Khảo cổ học cũng như các chuyên gia đầu ngành.
SONG ANH