A+ A A-

Cần sớm công nhận di tích tháp Dương Bi

            Các nhà nghiên cứu khảo cổ học vừa đưa ra nhiều nhận định về công trình kiến trúc quy mô lớn mang tên tháp Dương Bi sau khi tiến hành khai quật khẩn cấp. Di tích này được nhìn nhận có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật khá cao, nằm trong khuôn viên chùa Trà Sơn, thôn Chiêm Sơn (xã Duy Sơn, Duy Xuyên)...

         Hiện trường khai quật tháp DÆ°Æ¡ng Bi. Ảnh: X.H

Hiện trường khai quật tháp Dương Bi. Ảnh: X.H         

         Bảo tàng Quảng Nam đã phối hợp cùng Bảo tàng Nhân học, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội tổ chức khai quật khẩn cấp từ ngày 9.5. Sau khi kết thúc đợt khai quật đầu tiên, sáng 22.5, Sở VH-TT&DL, Bảo tàng Quảng Nam tổ chức buổi báo cáo sơ bộ về kết quả khai quật khảo cổ tháp Dương Bi. Qua các kết quả điều tra và khai quật, cũng như các hiện vật, dấu vết thu thập được, các nhà khảo cổ khẳng định di tích Dương Bi là một đền tháp có quy mô mặt bằng tương đối lớn với cấu trúc điển hình của một đền tháp Chămpa...

              Cấu trúc điển hình của đền tháp Chămpa

          Tháp Dương Bi còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như Chim Sơn, Chiêm Sơn, Trà Kiệu, Trà Sơn. Di tích này đã được các nhà nghiên cứu đền tháp Chămpa nhắc đến từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đền tháp này cũng được H.Parmentier khảo sát, đánh dấu điểm di tích trên bản đồ và có những mô tả ngắn gọn trong cuốn Thống kê khảo tả về các di tích Champa ở Trung kỳ. Theo H.Parmentier, ngôi tháp này hồi năm 1909 đã bị hư hại nhiều, được bao quanh bằng một vòng tường bao rộng, xây bằng gạch cổ. TS. Nguyễn Văn Anh - Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho biết, nhóm nghiên cứu đã tổ chức điều tra tổng thể, xây dựng lưới trắc đạt trước khi thực hiện khai quật.

          Dựa trên các dấu vết còn lại, nhóm khảo cổ đã đào 3 hố trong khuôn viên chùa Trà Sơn và tiếp tục phát lộ cũng như thu thập được nhiều hiện vật. TS. Nguyễn Văn Anh chia sẻ, ở phần trung tâm của tháp cho thấy tháp này có mặt bằng hình vuông, kích thước 8,2m, ba mặt bắc, nam và tây có cửa giả nhô ra ngoài. Tháp được xây bằng gạch, phần mặt tường cả trong lẫn ngoài được xây bằng những viên gạch được chọn lựa kỹ, độ nung cao hơn so với gạch xây dựng ở các vị trí khác. Các phần cấu kiện còn lại và những mảng hoa văn được trang trí khá cầu kỳ, chi tiết. “Ở một số cột áp trụ còn lại, phần chân trụ có cấu trúc nhiều cấp được chạm khắc cánh sen nhiều lớp, mặt trụ trang trí bằng các cụm hoa lá nối tiếp theo chiều cao của trụ... Tất cả hoa văn được khắc sâu, sắc nét” - TS. Nguyễn Văn Anh chia sẻ.

          Kết quả khai quật khẩn cấp và điều tra tại tháp Dương Bi đã bước đầu nhận thức rõ cấu trúc, quy mô tính chất và diễn biến niên đại của khu tháp. Theo đó, dự đoán khu đền tháp có cấu trúc điển hình của một khu đền tháp Chămpa với nền móng tháp xuất lộ bao gồm tháp chính (kalan chính), hai bên kalan chính có kalan phụ, bao quanh và giới hạn khu đền tháp là hai lớp tường bao, hướng của khu đền tháp là hướng đông ghé bắc. Ngoài ra cấu trúc và các di vật còn lại cho thấy, đây là khu thờ phụng các vị thần Hindu giáo với bộ ngẫu tượng Linga-Yoni được đặt ở trung tâm chính điện. Các nhà khảo cổ còn cho rằng, niên đại xuất hiện của tháp Dương Bi tương đương với Đồng Dương ở thế kỷ thứ IX.

          Minh chứng cho quá trình giao thoa

          GS-TS. Lâm Thị Mỹ Dung - Giám đốc Bảo tàng Nhân học, chia sẻ thêm, di tích tháp Dương Bi còn là minh chứng sống động phản ánh quá trình lịch sử hình thành, phát triển và đổi thay của các nhóm cộng đồng cư dân đã từng cư trú trên mảnh đất này. “Nó là minh chứng thú vị cho quá trình giao thoa, biến đổi và kế thừa văn hóa Chăm - Việt. Chúng tôi tìm thấy dấu vết kiến trúc “miếu thần nông” của người Việt sử dụng lại các loại gạch Chămpa, cũng như nhiều loại hình di vật khác nhau, từ ngói cong bản rộng, đồ gốm men và đặc biệt có đến 14 ông đầu rau có hình lưỡi liềm được tạo bằng đá muối...” - GS-TS. Lâm Thị Mỹ Dung chia sẻ. Những di vật và dấu vết của một ngôi chùa người Việt và dấu vết chuyển đổi công năng của kalan chính cho thấy, khi người Việt đến định cư trên vùng đất này đã chọn Dương Bi là nơi gửi gắm đức tin. Tương tự, những cấu kiện cột, xà, bệ kê còn lại của ngôi chùa cho thấy, ngôi chùa được xây dựng trang nghiêm nhưng hài hòa với kalan chính ở phía sau.

          Một số lượng đáng kể các loại sứ men trắng vẽ lam của lò Cảnh Đức Trấn, niên đại thế kỷ XVII, đồ sành thế kỷ XVII, XVIII được nhóm khảo cổ thu lượm khá nhiều. Theo dự đoán của các nhà nghiên cứu, có lẽ sau khi thiết lập dinh trấn Quảng Nam không lâu, người Việt đã đến đây cư ngụ và xây dựng chùa Việt trong khu đền tháp Dương Bi này.

          Cần sớm lập hồ sơ công nhận di tích

          Trước kết quả khai quật với giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật khá cao như vậy, các nhà nghiên cứu đề nghị địa phương sớm lập hồ sơ công nhận di tích cho công trình này. Đồng thời, nhóm khảo cổ đề nghị cần có thêm một cuộc khai quật, nghiên cứu và đánh giá giá trị tổng thể di tích Dương Bi. Ông Tôn Thất Hướng - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở VH-TT&DL cho biết, việc kịp thời tiến hành khai quật khẩn cấp tháp đã giúp nhận diện sớm các giá trị di sản còn trong lòng đất, đồng thời yêu cầu đoàn khảo cổ phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh, huyện Duy Xuyên nhanh chóng báo cáo chính thức kết quả khai quật để cơ quan này tiến hành lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích các cấp.

          Ông Nguyễn Phước Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn chia sẻ, nếu tháp Dương Bi được khai quật sớm hơn thì hay hơn, vì di tích này trước đây có quy mô rất lớn, nhưng trải qua nhiều giai đoạn đã bị phá hủy khá nhiều. “Địa phương mong muốn sớm có công nhận di tích để bảo tồn. Duy Sơn còn có di tích là thành Trà Kiệu đã từng được công nhận Di tích cấp quốc gia, nhưng từ sau khi công nhận đến nay 12 năm vẫn chưa có động thái nào để thực hiện bảo tồn hay phát huy. Tôi nghĩ sau khi di tích được phát lộ ra nên có động thái bảo quản, lợi thế của di tích này là nằm trong khu chùa nên lâu nay được bảo quản tốt. Nhưng kinh phí để giữ hiện nay không thể phụ thuộc vào nhà chùa” - ông Minh nói thêm.

Xuân Hiền

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19812470
Hôm nay
Hôm qua
7843
8748