“ Dường như ba mẹ sinh tôi ra là để tôi làm nghề truyền thanh này.
Mặc dù lương rất thấp, song vì yêu nghề, mến việc nên tôi không thể bỏ được. Nếu một ngày không nghe được tiếng loa, không viết tin, bài rồi đọc phát thanh, tôi cảm thấy rất buồn”, đó là lời tâm sự của chị Trương Thị Thanh- người đã có 35 năm gắn bó với trạm truyền thanh xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên.
Vì ba mất sớm nên mới học xong lớp 9, chị Thanh phải nghỉ học để giúp mẹ quán xuyến việc gia đình. Từ đó, chị vừa làm ruộng, vừa tham gia sôi nổi các hoạt động thanh, thiếu niên ở địa phương. Năm 1978, sau khi thành lập hợp tác xã nông nghiệp Duy Trung, chị được rút vào làm thông tin văn hóa, do có giọng đọc hay chị được chọn vào làm phát thanh. Công việc của chị hằng ngày là viết tin, bài, phát thanh theo cách đọc trực tiếp trước máy. Tính đến nay, chị làm việc được 35 năm, mức lương tối thiểu của nhà nước quy định từ vài chục kg lúa/ tháng, thì hiện giờ chị nhận 1.050.000 đồng/ tháng, không có biên chế, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thế nhưng vì yêu nghề nên chị vẫn đeo đuổi lấy nghề truyền thanh này.
Để nâng cao hiệu quả công việc, trình độ tay nghề, chị không ngừng tìm tòi, học hỏi qua sách báo, thường xuyên nghe đài cấp trên, tham gia các lớp tập huấn do đài huyện tổ chức. Trò chuyện với chúng tôi, chị Thanh cho biết, công việc hiện tại thì ban ngày viết tin bài ghi âm vào máy vi tính, chiều 5 giờ 30 là đạp xe đạp vào mở đài cho đến 7 giờ mới xong, những năm trước thì phải ở lại trực một mình cho đến sáng hôm thức dậy mở đài cho đến 6 giờ 30 mới về nhưng gần đây có máy vi tính nên mở xong buổi tối thì về nhà nghỉ ngơi, sáng mai 5 giờ đến mở lại. “ Những đêm trời giông sét, tôi phải chạy xuống cơ quan hợp tác xã để tránh. Lúc đầu, cảm thấy hơi sợ vì là phụ nữ nhưng miết rồi cũng quên dần”, chị Thanh nhớ lại. Trao đổi với chúng tôi, nhà báo Trần Văn Thơ- Trưởng đài Truyền thanh- Truyền hình Duy Xuyên nói: “ Chị Thanh là một người rất năng nổ, nhiệt tình với công việc, mọi việc từ tiếp âm đài cấp trên cho đến làm phát chương trình phát thanh địa phương, chị làm rất khoa học và ít xảy ra sai xót. Chị Thanh có chất giọng rất tốt và truyền cảm, thu hút đông đảo các bạn nghe đài. Đặc biệt, chị là cộng tác viên đắc lực của đài huyện”.
Công việc truyền thanh thu nhập không là mấy, trong khi đó chồng chị làm nghề phụ hồ không ổn định nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Để nâng cao thu nhập, có thêm điều kiện nuôi dạy các con nên người, chị làm thêm 6 sào ruộng, hoa màu và chăn nuôi heo, gà. Bình quân một tháng thu nhập trên 3 triệu đồng. Ngoài ra, ba năm trở lại đây, chị còn làm thêm nghề bán bánh khoai, mỗi ngày như thế kiếm thêm cũng được gần 50 ngàn đồng, cũng đủ để mua mắm muối. Đồng thời, chị còn kiêm thêm nghề bán bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, làm cộng tác viên dân số…
Nhưng điều chúng tôi khâm phục ở chị Thanh hơn nữa chính là việc nuôi dạy hai đứa ăn học thành tài. Năm 2005, đứa con trai lớn thi đậu đại học bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, tốt nghiệp ra trường, tiếp tục học lên và bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, hiện đã có công việc làm ổn định, phụ giúp gia đình. Chị tâm sự: “ Nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, chỉ có con đường học vấn mới giúp con mình thoát khỏi cảnh nghèo khổ nên tôi bàn với chồng dù có cực khổ thế nào đi nữa cũng phải nuôi con ăn học kiếm cái chữ”. Rồi đến 2012, đứa con gái thứ hai của chị thi đậu vào trường Học viên hành chính quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, mang lại niềm tự hào không chỉ cho gia đình mà còn cho cả địa phương. “Giờ đây, hơn nửa đời người lo cho con ăn học, tôi cảm thấy rất vui và mãn nguyện, mặc dù khó khăn vẫn còn đó. Sự ngoan ngoãn, thành đạt của các con là phần thưởng vô giá, xua đi bao nỗi nhọc nhằn của cuộc đời”, chị Thanh nói.
Mặt trời dần khuất sau núi, chị Thanh vội vã dắt chiếc xe đạp cà tàng ra sân rồi vội vã đạp đến Trạm truyền thanh xã Duy Trung để kịp phát bản tin chiều. Cái nghiệp truyền thanh đã níu chặt áo nhà báo làng tuổi ngoài 50 ấy…
Phi Thành.