A+ A A-

Hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông- xu thế tất yếu phát triển của đất nước

        Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, cùng với phong trào hợp tác hóa nông nghiệp là phong trào truyền thanh hóa. Trong giai đoạn này, hệ thống truyền thanh chủ yếu hoạt động theo hình thức hữu tuyến, bằng hệ thống dây dẫn lưỡng kim và máy tăng âm chạy đèn công suất. Đài truyền thanh trở thành công cụ hữu hiệu cho Ban Quản trị HTX tổ chức, điều hành sản xuất nông nghiệp và cổ vũ phong trào thi đua sản xuất tập thể. Bước sang giai đoạn đổi mới đất nước, cơ chế tập trung quan liêu bao cấp bị giải bỏ, thay vào đó là khoán 10, khoán 100, xã viên tự chủ sản xuất trên mảnh ruộng của mình, chấm dứt tệ dong công phóng điểm. Lúc này, Đài Truyền thanh không còn nguồn nuôi dưỡng của HTX nông nghiệp phải chuyển giao cho UBND xã, thị trấn quản lý, đầu tư, điều hành phục vụ nhiệm vụ chính trị chung của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị- xã hội. Với nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, UBND xã không kham nỗi việc sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng và phát triển Đài truyền thanh. Phần lớn hệ thống dây hữu tuyến lưỡng kim qua thời gian dài sử dụng và chịu sự tác động của mưa nắng, bão lụt nên xuống cấp trầm trọng; máy tăng âm không còn đèn công suất để thay thế nên gần như tê liệt, phải sử dụng máy tăng âm bán dẫn để hoạt động. Hệ thống truyền thanh cơ sở rơi vào tình cảnh chiếc áo cũ đã mục nát, vá chỗ này thì chỗ kia lại rách. Một số địa phương loay hoay tìm nguồn dây dẫn để thay thế dây lưỡng kim đã mục nát, sử dụng đủ thứ loại dây: dây dẫn điện, dây điện thoại, nhưng vì không phù hợp với tính năng kỹ thuật nên thường xuyên bị đứt gãy, chập chạm, gây nguy hiểm cho người sử dụng và các đối tượng khác.

          

                       Cán bộ truyền thanh xã Duy Phước đang vận hành truyền thanh IP

       Bước sang đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, nhiều địa phương chuyển phương thức hoạt động của truyền thanh cơ sở qua hình thức vô tuyến, sử dụng máy phát sóng băng tần FM, dải tần từ 88 Mhz đến 108 Mhz để phục vụ cho nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, tổ chức, điều hành của cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn. Ban đầu hệ thống truyền thanh vô tuyến phát huy được hiệu quả hoạt động và khắc phục được khó khăn do hệ thống truyền thanh hữu tuyến đã quá xuống cấp, mục nát. Trong giai đoạn này, hệ thống viễn thông chưa phát triển mạnh, phương tiện liên lạc bằng điện thoại di động cũng rất khan hiếm, nên hệ thống truyền thanh vô tuyến gần như một mình một sân, chưa chịu sự tác động mạnh bởi các hệ thống vô tuyến khác. Khi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, hàng loạt doanh nghiệp viễn thông ra đời, đi cùng với đó là phương tiện liên lạc cá nhân điện thoại di động cũng phát triển nhanh chóng, cùng với các thiết bị khác sử dụng sóng cao tần, nên hệ thống truyền thanh vô tuyến bị tác động mạnh mẽ bởi những thiết bị khác, sóng vô tuyến của Đài truyền thanh bị can nhiễu, chèn sóng, chất lượng hoạt động giảm sút, không đảm bảo được nhiệm vụ chính trị thông tin, tuyên truyền. Nhiều hệ lụy xảy ra, cụm loa vô tuyến bị can nhiễu sóng lạ, thậm chí cụm loa vô tuyến lọt tín hiệu lạ, nội dung âm thanh của đài nước ngoài, gây bức xúc cho người dân và cấp ủy, chính quyền thì lúng túng không tìm được giải pháp để khắc phục. Máy phát sóng FM, cụm loa vô tuyến bị mưa nắng, giông sét làm hỏng hóc liên tục, chi phí sửa chữa rất lớn, nguồn kinh phí sự nghiệp phát thanh được phân bổ cho địa phương không đủ chi phí sửa chữa. Một số địa phương “ giã từ” với truyền thanh vô tuyến, quay trở lại với truyền thanh hữu tuyến. Nhưng lúc này, vấn đề đặt ra như bài toán khó chưa tìm được lời giải đáp nghĩa là kinh phí đâu để mua dây dẫn bọc, 26.000 đồng/ 1 mét, 1 km 26 triệu đồng, vượt quá khả năng tài chính của xã, thị trấn. Mặt khác, hệ thống dây hữu tuyến phải gửi nhờ trụ của điện lực, của viễn thông nên thường xuyên bị xâm thực, xảy sự cố, cây cối ngã đổ gây đứt chập chạm, Đài truyền thanh ngưng trệ hoạt động.

          Mặc dù xu hướng phát triển của xã hội mỗi ngày một thay đổi nhanh chóng, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, các loại hình thông tin ngày càng sinh sôi nảy nở, các loại hình báo chí ra đời, trong đó có báo điện tử, mỗi người dân chỉ cần trong tay có một điện thoại smart phone là có thể “làm báo”, nhưng cũng không thể thay thế vai trò của truyền thanh cơ sở. Bởi vì cấp ủy, chính quyền sử dụng Đài truyền thanh làm công cụ thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân; thông qua Đài truyền thanh truyền tải những thông tin chính thống đến với người dân, phản bác đấu tranh với những thông tin thất thiệt, luận điệu xuyên tác của kẻ xấu đang tràn ngập trên mạng xã hội; đồng thời Đài truyền thanh còn làm nhiệm vụ phản ánh phong trào thi đua hành động cách mạng của quần chúng nhân dân. Vậy thì, đứng trước yêu cầu này, cấp ủy, chính quyền phải tìm cách “ Dĩ bất biến ứng vạn biến”, mục đích nhiệm vụ chính trị của Đài truyền thanh cơ sở không bao giờ thay đổi, chỉ thay đổi phương thức hoạt động phù hợp, thích ứng với xã hội hiện đại. Điều dễ nhìn thấy rõ nhất là vai trò của Đài truyền thanh cơ sở là qua cơn đại dịch Covid-19 năm 2020 và năm 2021, hay mới đây nhất là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; hay cơn bão số 9 năm 2020, Đài Truyền thanh cơ sở đã phát huy hiệu quả thông tin, tuyền truyền của cấp ủy, chính quyền đến với người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, cổ vũ toàn dân hăng hái đi bầu cử và chủ động phòng, chống thiên tai.

         Theo con số thống kê của Sở Thông tin- Truyền thông tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh hiệncó 233 đài truyền thanh cơ sở, trong đó có 14 đài truyền thanh hữu tuyến, 14 đài vừa hữu tuyến vừa vô tuyến, 201 đài truyền thanh vô tuyến FM,9đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.Triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn phát sóng, phát thanh truyền hình đến năm 2020; phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin”; và Thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Quy hoạch sử dụng kênh tần số cho phát thanh FM;các đài truyền thanh không dây không được cấp mới trong băng tần 87Mhz-108Mhz. Do đó từ năm 2019 đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 55 đài truyền thanh không dây đang hoạt động trong băng tần 87 Mhz-108Mhz sẽ không đủ điều kiện để gia hạn giấy phép và cấp mới giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện và sẽ không được tiếp tục hoạt động. Vì vậy cần có kế hoạch chuyển đổi các đài truyền thanh không dây tần số cao sang phương thức truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông phù hợp theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ trong đó ưu tiên chuyển đổi trước cho các đài truyền thanh không dây băng tần 87Mhz-108Mhz theo thời hạn của giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện.

        Hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- truyền thônghay còn gọi là truyền thanh thông minh(IP) ra đời là một phương thức thích hợp nhất, bởi vì có nhiều ưu điểm: không cần có máy phát sóng, không cần dây dẫn, thực hiện phủ sóng truyền thanh dựa trên hạ tầng truyền dẫn mạng viễn thông 3G/4G/Wifi;quản trị, quản lý, vận hành tập trung;quản trị đơn giản, dễ sửdụng, tiết kiệm thời gian và nhân lực; có khả năng lựa chọn, giám sát và vận hành thiết bị cụm thu phát truyền thanh từ xa; quản lý thiết bị đầu cuối qua ứng dụng trên bản đồ, giúp phát hiện cácthiết bị hỏng, không cần nhân lực thường xuyên đến tận nơi để kiểm tra, tự động chuyển từ văn bản sang giọng nói, không cần phải đọc. Giải pháp truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- truyền thônggiúp đài truyền thanh cơ sở tiết kiệm thời gian và nhân lực vận hành, chỉ cần ởtại một địa điểm có mạng internet, trên máy tính hoặc smart phone, cán bộ vận hành có thể kiểm tra được hoạt động của toàn bộ hệ thống; thực hiện lập lịch tiếp âm phát sóng trước cho ngày, tuần, tháng, do đó cán bộ vận hành chủ động về thời gian, tổ chức vận hành tốt hoạt động của đài, mà không tốn quá nhiều thời gian. Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- truyền thông là đáp số của bài toán đi tìm lời giải cho phương thức hoạt động của Đài truyền thanh cơ sở và gở được nút thắt là khó khăn nguồn nhân lực làm truyền thanh cơ sở, do tinh giảm những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.

        Thực tế đã chứng minh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có9 xã đã triển khai giải pháp truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông: Trà Sơn, Trà Giác (Bắc Trà My), Duy Thu, Duy Trung, Duy Hòa, Duy Phước  và Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Cẩm Thanh, Tân An (Hội An) từ nguồn ngân sách Chương trình mục tiêu do tỉnh cấp và nguồn ngân sách huyện, xã.  Đài Truyền thanh xã Duy Hòa (Duy Xuyên) từ sau năm 1975 đến nay hoạt động hữu tuyến, dây dẫn xuống cấp, mục nát, máy công suất bị chập chạm, thường xuyên hỏng hóc, nguồn kinh phí của địa phương không đủ để sửa chữa, Đài phải ngừng hoạt động. Năm 2020, xã Duy Hòa quyết định chuyển đổi phương thức hoạt động của Đài truyền thanh từ hữu tuyến sang ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông. Trang thiết bị Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông của Đài Truyềnđược đầu tư gồm: Bản quyền phần mềm (Cung cấp và cài đặt trên máy tính phục vụ chuyển đổi số); Máy láp top( đã có sẵn); Bộ truyền thanh kỹ thuật số (bao gồm license phần mềm và dịch vụ vận hành kỹ thuật); 17cụm loa phóng thanh- 34 loa cộng cộng; Sim  3G gói cước hoạt động 2 năm. Qua gần 9 tháng đi vào hoạt động, hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông đã thực sự phát huy được hiệu quả.Anh Nguyễn Đình Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hòa khẳng định: “ Hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông của xã thực sự đã phát huy được hiệu quả, giúp địa phương gở khó do thiếu cán bộ làm truyền thanh hiện nay, mặt khác qua thời gian kiểm định cho thấy hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông hoạt động thông suốt, ở đâu có sóng 3G/4G là ở đó có truyền thanh, chất lượng âm thanh tốt, hiệu quả thông tin, tuyên truyền cao”. Anh Nguyễn Tùng làm cán bộ truyền thanh xã Duy Trung hơn 30 năm nay bày tỏ: “ Trong đời anh gắn bó với đài truyền thanh chưa bao giờ anh thấy đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông hữu hiệu rất cao như thế này, anh cũng giảm hẳn nhọc nhằn, vất vả so với truyền thanh vô tuyến như trước đây”.

        Như vậy đầu tư truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông có ưu điểm là không tốn kém chi đầu tư các thiết bị ban đầu tốn kém như truyền thanh FM, hoặc hữu tuyến (như chi phí trang bị máy phát sóng, trụ anten, dây dẫn tín hiệu hữu tuyến); việc phát sóng chỉ bằng các thao tác vận hành đơn giản trên phần mềm được nhà cung cấp cài đặt, phân quyền và cung cấp vĩnh viễn trên máy vi tính. Từ đó, việc đầu tư thiết bị có thể tiết kiệm đáng kể. Nguồn đầu tư về máy phát sóng, trụ anten, đường dây như truyền thanh FM hoặc hữu tuyến được tiết kiệm để tăng cường mở rộng đầu tư ban đầu như trang bị cụm thu, phát thanh công nghệ thông tin- viễn thông, trang bị thiết bị sản xuất chương trình (máy vi tính, mixer, micro).Ưu điểm nổi trội của giải pháp truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông là chủ động điều khiển chọn cụm loa để phát riêng biệt khi cần (trong cùng một thời điểm có thể chọn phát các nội dung khác nhau, cho các đối tượng khác nhau cho từng khu vực ); điều khiển quản lý các cụm loa từ xa; chuyển từ file văn bản sang giọng nói không cần phải đọc. Đây là những tính năng mà đài FM, hữu tuyến không thực hiện được, nếu muốn phát thì phải phát đồng loạt cả hệ thống các cụm loa hiện có...

          Điều đáng mừng, Sở Thông tin- Truyền thông và các sở ngành của tỉnh đã tích cực tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025. Và tại kỳ họp lần thứ 23, HĐND tỉnh khóa IX ngày 19/4/2021 đã ban hành nghị quyết số 29 về hỗ trợ xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông. Theo đó, mục tiêu đến năm 2023đầu tư mới hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin –
viễn thông 76 xã, trong đó có 55xã có đài truyền thanh không dây băng tần 87Mhz-108Mhz hết hạn giấy phép sử dụng tần số giai đoạn 2020-2023 và không đượccấp lại giấy phép, 7 xã chưa có đài truyền thanh và 17 xã có đài truyền thanh hưhỏng, xuống cấp.Xây dựng hệ thống quản lý thông tin nguồn của tỉnh, kết nối và chia sẻ dữliệu với hệ thống thông tin nguồn Trung ương, các hệ thống thông tin khác củatỉnh và đồng bộ trên hệ thống đài truyền thanh của tỉnh, cấp huyện, cấp xãtrên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2023. Nguồn kinh phí đầu tư gần 34,275 tỉ đồng từ nguồn Trung ương, tỉnh và huyện.

           Tất nhiên mặc dù công nghệ mới có nhiều điểm ưu việt hơn công nghệ cũ và vẫn còn một ítnhược điểmnhưng phải khẳng định rằng đây là bước ngoặc có tính lịch sửvề mặt kỹ thuậtđối với hệ thống truyền thanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông ra đờiđi cùng với lộ trình xây dựng chính quyền số, xây dựng chính quyền thông minh, người dân có thể dễ dàng tương tác với chính quyền trong đó hệ thống truyền thanh công nghệthông tin- viễn thông. Mặt khác, chính quyền giải được bài toán khó về nhân lực. Tuy vậy truyền thanh ứng dụng công nghệ- viễn thông đòi hỏi người làm truyền thanh phải thay đổi tư duy, trình độ, kiến thức tác nghiệp đểphát huy hiệu quả tối đa Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông và thích ứng với xu thế phát triển tất yếu của đất nước.

Hoàng Thơ

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19606406
Hôm nay
Hôm qua
2752
8594