Đến bây giờ tôi vẫn
không quên người bạn đặc biệt luôn bên cạnh ba là chiếc radio được phát với tần
sóng rè rè. Hồi còn bé xíu, nhiều lúc tôi tự hỏi có gì hấp dẫn ba từ chiếc hộp
hình chữ nhật màu trắng bạc, có cái ăng ten gắn nơi đỉnh đầu; mà hễ có thời
gian rảnh, ba lại rà đài nghe tất tần tật mọi thông tin cho đến khi nào thiếp
đi.
Giờ phát sóng của mỗi
chương trình, ba đều thuộc. Thậm chí giọng nói của mỗi phát thanh viên, ba cũng
phân biệt được. Có tin, bài nào hay, ba đều kể lại nội dung cho cả nhà nghe,
rồi cùng bình luận. Hoặc khi có tin tức về tội phạm, ba cũng kể để đề phòng. Nhưng
nghe gì thì nghe, hễ đến chương trình dành cho thiếu niên nhi đồng, ba đều
nhường cho con út. Tôi nhờ thế mà thuộc nhiều bài hát cũng như tên tác giả, có
thể phân biệt giọng của mỗi ca sĩ nhí cùng với nhiều thông tin bổ ích, phù hợp
với lứa tuổi.
Và rồi cả nhà bị
chiếc radio “cuốn” vào khi nào chẳng hay. Ấy là do ba “quảng cáo” về các chương
trình hấp dẫn như câu chuyện cảnh giác, đọc truyện đêm khuya, những vở kịch
nói, cải lương, hay hát tuồng... Lúc bấy giờ, ba ít khi nghe đài
một mình mà luôn có vợ con đồng hành. Cứ mỗi tối, sau khi ăn cơm xong, ba mẹ
nghe tin tức. Đến khi có chương trình nào hay, ba kêu chị em tôi cùng nghe.
Thời đó chẳng mấy khi được cầm tờ báo giấy trong tay, nên cả nhà cùng nghe “báo
nói”. Ba tôi bảo radio có sức hấp dẫn lạ kỳ. Không chỉ chuyển tải đến người
nghe bằng chất lượng âm thanh, mà còn ngữ điệu, cảm xúc của người đọc, người
dẫn chuyện rất dễ cuốn hút. Đó chính là lý do mà ông mê nghe radio. Sau này,
tôi mới nhận ra radio ảnh hưởng đến “máu” văn chương trong tôi rất nhiều. Chẳng
hạn, cứ mỗi lần nghe giới thiệu chương trình tác giả tác phẩm, hay nghe các
chương trình kể chuyện, đọc truyện trên radio, lòng tôi luôn dạt dào cảm xúc.
Tôi tập tành viết lách, từ những mẫu chuyện nho nhỏ, rồi đến những tạp bút.
Chiếc radio của ba đã nhen nhóm trong tôi tình yêu văn chương ngay khi còn rất
nhỏ.
Tôi nhớ mãi hình ảnh
ba hay đưa chiếc radio ngang tai để dò kênh. Những ngày mưa bão, sóng radio
yếu, phải sử dụng ăng ten để nghe cho được các chương trình dự báo thời tiết.
Ba tôi không bỏ sót bản tin dự báo nào, là còn để báo cho hàng xóm biết tình
hình mưa lũ mà đề phòng. Ở xóm tôi dạo ấy có một người đàn ông và một người đàn
bà rất mê đánh số đề. Hễ tới giờ xổ sổ kiến thiết, họ bưng đèn ghé nhà tôi dò
số từ chiếc radio. Một thời gian ba tôi nhường 15 phút xổ số cho họ. Sau này ba
khuyên họ bỏ thói quen ghi đề, bởi càng ghi là càng lậm, càng tan cửa nát nhà.
Nói mãi rồi họ cũng thấu. Tới khi bỏ được, họ đến để cảm ơn ba tôi. Nhớ nhất là
tối thứ bảy hàng tuần, vợ chồng bác nhà sát vách sang nghe chương trình văn
nghệ, khi thì cải lương, hát bội hay kịch nói cùng với ba mẹ tôi, rộn ràng cả
một góc nhà.
Mãi sau này, anh tôi
mua về cái cát xét hiệu Sony thật to, nhưng ba bảo để mẹ và chị em tôi sử dụng.
Ba vẫn trung thành với cái radio tuy cũ kỹ nhưng vẫn còn xài tốt. Chiếc radio
luôn ở nơi đầu giường, để chỉ cần là ba với tay rà đài, chọn kênh một cách dễ
dàng. Và cứ khoảng 4 giờ sáng, đã nghe âm thanh nho nhỏ phát ra từ giường ngủ
của ba, chị em tôi chẳng ai bảo ai, bật dậy ngồi học bài. Chẳng tưởng tượng nỗi
một ngày không có cái radio bên cạnh, ba tôi sẽ xoay sở thế nào. Nên khi ba
mất, mẹ vẫn để chiếc radio cũ kỹ ấy trên bàn thờ, nay đã 20 năm rồi.
SONG NGUYÊN