Nhờ chung sức, đồng lòng trong việc xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM) của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân nên mùa xuân này bức tranh làng quê ở huyện Duy Xuyên càng thêm diện mạo khang trang, sạch đẹp.
Diện mạo nông thôn mới xã Duy Trinh (Duy Xuyên) ngày càng khởi sắc. Ảnh: T.S
Kinh tế khởi sắc
Dẫn chúng tôi lội trên những cánh đồng lúa và rau màu xanh mơn mởn, ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, nông dân huyện canh tác 14.767ha cây trồng các loại, trong đó có 7.150ha lúa. Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả nhiều khâu nên năng suất lúa không ngừng tăng lên, năm 2018 bình quân toàn huyện đạt 62 tạ/ha, tăng 10 tạ/ha so với cách đây 8 năm. Cạnh đó, địa phương thực hiện công tác dồn điền đổi thửa được 2.304ha, xây dựng thành công 14 mô hình cánh đồng mẫu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc liên doanh, liên kết sản xuất lúa giống theo hướng hàng hóa tập trung. Theo ông Ánh, thời gian qua, Duy Xuyên xây dựng được nhiều cánh đồng chuyên canh cây rau màu, thực phẩm tại các xã Duy Châu, Duy Trinh, Duy Phước…, bình quân mỗi năm mang lại cho nhà nông nguồn thu nhập 120 - 200 triệu đồng/ha. Cách đây hơn 7 năm, toàn huyện có 355 chiếc tàu thuyền với tổng công suất 6.817CV (trong đó chỉ có 3 chiếc trên 90CV), đến nay địa phương giảm xuống còn 298 chiếc tàu thuyền nhưng tổng công suất đã tăng lên 23.400CV, trong đó có 9 tàu vỏ thép công suất lớn đóng theo cơ chế hỗ trợ từ Nghị định số 67 của Chính phủ. Nhờ vậy, tổng sản lượng khai thác hải sản tăng mạnh từ 6.900 tấn năm 2012 lên hơn 12.730 tấn năm 2018…
Đến nay, Duy Xuyên đã đạt 5/9 tiêu chí xây dựng huyện NTM gồm: điện, sản xuất, môi trường, an ninh trật tự xã hội, công tác chỉ đạo xây dựng NTM. Thời gian tới, địa phương thực hiện 4 tiêu chí còn lại là quy hoạch, giao thông, thủy lợi, y tế - văn hóa - giáo dục để trở thành huyện NTM vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, ngoài việc 11/11 xã phải đạt chuẩn NTM, không phát sinh nợ đọng, Duy Xuyên cần phải đầu tư thêm 600 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo kế hoạch, 2 năm tới địa phương ưu tiên bố trí kinh phí nâng cấp hệ thống giao thông, gia cố - nâng cấp các hồ thủy lợi lớn, kiên cố hóa kênh mương các loại, cải tạo hệ thống điện và thực hiện công tác bảo vệ môi trường...Hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Duy Xuyên, nhất là tại các cụm công nghiệp như Gò Mỹ, Đông Yên, Tây An, Gò Dỗi… cũng diễn ra khá sôi động. Theo ông Nguyễn Quang Mạnh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Duy Xuyên, năm 2018 tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương đạt 3.579 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 14,5% và giải quyết việc làm ổn định cho hơn 9.000 lao động với mức thu nhập trung bình mỗi tháng 4,5 - 5 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, năm qua Duy Xuyên thu hút thêm 13 doanh nghiệp đăng ký đầu tư mới, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Một số dự án đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục để đưa vào sử dụng như Bệnh viện Đa khoa Bình An. Hoạt động thương mại - dịch vụ cũng có nhiều chuyển biến tích cực, các trung tâm thương mại tiếp tục được chỉnh trang và sắp xếp hợp lý, đáp ứng nhu cầu phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Không chỉ vậy, lĩnh vực kinh tế du lịch của Duy Xuyên cũng có bước chuyển đáng kể. Năm 2018, địa phương thu hút gần 397.500 lượt khách đến tham quan (tăng 10% so với năm 2017) và tổng doanh thu đạt 60 tỷ đồng, góp phần đưa giá trị ngành thương mại - dịch vụ - du lịch đạt 4.285 tỷ đồng, tăng 18,1%. Ông Mạnh nói: “Nhờ kinh tế phát triển mạnh nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 21,96% năm 2008 xuống còn 4,01% vào cuối năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người của Duy Xuyên đạt 41 triệu đồng/năm”.
Hạ tầng khang trang
Tết Kỷ Hợi, trở lại thăm xã Duy Sơn, chúng tôi rất vui trước bức tranh NTM. Bởi, kết cấu điện - đường - trường - trạm khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã khác xưa rất nhiều. Cùng rảo bước trên con đường bê tông rợp cờ và hoa ngay khu trung tâm hành chính xã, ông Trần Văn Đồng - Bí thư Đảng ủy xã Duy Sơn chia sẻ: “Đường làng, ngõ xóm bây giờ rộng rãi, phong quang nên nhiều gia đình mở cửa hàng kinh doanh buôn bán khá sôi động. Cạnh đó, cảnh quan môi trường thôn xóm ngày càng xanh - sạch - đẹp với những cung đường rợp bóng cây xanh, hoa cỏ lấp lánh sắc đỏ, vàng trong nắng xuân. Nông thôn ngày càng được hiện đại hóa nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp thanh bình, yên ả”.
Đâu chỉ Duy Sơn, về nhiều địa phương khác của huyện Duy Xuyên những ngày Tết Kỷ Hợi, dọc các tuyến đường bê tông kiên cố những ngôi nhà cao tầng được xây dựng, vườn tược khang trang. Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, hiện nay 100% số xã đã có đường ô tô rộng rãi. “Trong 5 năm gần đây, địa phương xây dựng hoàn thành 4 cây cầu giao thông và 4 tuyến đường ĐH tại các xã Duy Phú, Duy Tân, Duy Phước, Duy Thành. Ngoài ra, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và linh hoạt lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình - dự án khác, huyện Duy Xuyên đã đầu tư nâng cấp một số hồ chứa nước lớn như Vĩnh Trinh, Thạch Bàn, Phú Lộc, Khe Cát… và kiên cố hóa 168km kênh mương, nâng cấp - xây mới 7 trạm bơm điện để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời kéo 115,4km đường dây điện thủy lợi hóa, đảm bảo chủ động tưới hơn 1.000ha đất màu với tổng vốn đầu tư 31,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 8 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 23,6 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nông luân canh, xen canh, gối vụ các loại cây trồng cạn chủ lực để nâng cao hệ số sử dụng đất và tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích” - ông Năm cho biết.
Những năm qua, cơ sở vật chất trường lớp của Duy Xuyên được quan tâm xây dựng, đảm bảo phục vụ tốt việc dạy và học. Nhà văn hóa các xã và các thôn trên địa bàn cũng được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp và thi đấu thể thao của nhân dân. Ngoài ra, huyện còn tiến hành sửa chữa, xây mới một số trạm y tế xã và mua sắm nhiều loại trang thiết bị máy móc hiện đại, tăng cường bác sĩ về cơ sở nhằm cải thiện chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Cùng với đó, hệ thống chợ nông thôn được xây dựng theo hướng hiện đại, bày bán nhiều loại hàng hóa với giá cả hợp lý khiến cho mỗi phiên chợ làng quê trở nên nhộn nhịp hơn. Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường luôn được quan tâm bằng việc thực hiện hiệu quả khâu thu gom, xử lý rác thải, góp phần tạo nên diện mạo làng quê xanh - sạch - đẹp.
VĂN SỰ - PHI THÀNH