A+ A A-

Quản lý và sử dụng vốn xây dựng nông thôn mới: Nhìn từ Duy Xuyên

    Qua 5 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), 4 xã được chọn làm điểm của huyện Duy Xuyên gồm Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Phước đã về đích vào cuối năm 2015. Dù tập trung triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng hiện nợ đọng tại những địa phương này đều ở mức thấp...

   Nợ ít

   Ngày 23.6.2011, xã Duy Sơn phát động xây dựng NTM. Thời điểm đó, địa phương mới đạt 5/19 tiêu chí. Kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Vậy mà chỉ sau 5 năm, diện mạo nông thôn nơi đây có nhiều chuyển biến tích cực. Ấn tượng nhất là hệ thống điện – đường – trường – trạm được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Theo thống kê, giai đoạn 2011 - 2015, Duy Sơn huy động 86,5 tỷ đồng đầu tư NTM, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ và vốn lồng ghép gần 60 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 16 tỷ đồng, còn lại huy động từ các nguồn khác. Tuy nhiên, điều khiến chính quyền địa phương quan tâm lúc này là một số công trình hạ tầng đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng chưa được thanh quyết toán, điển hình là chợ Trà Kiệu. Đây là công trình thuộc dự án khu phố chợ Trà Kiệu với tổng diện tích 2.200m2, kinh phí đầu tư hơn 5 tỷ đồng, gồm các hạng mục như nhà lồng chính, nhà lồng phụ, mái che, khu bán hàng tươi sống, khu vệ sinh công cộng, sân đường nội bộ, hệ thống thoát nước, điện, phòng cháy chữa cháy... phục vụ cho gần 300 hộ kinh doanh, buôn bán. Ông Ngô Phi Thâm – Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, sau gần 3 năm đưa ngôi chợ ấy vào hoạt động, hiện địa phương vẫn còn nợ đơn vị thi công là Công ty TNHH Tân Chiêm Sơn gần 1,2 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, ngoài công trình chợ Trà Kiệu, Duy Sơn hiện còn nợ gần 3,7 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung ở các hạng mục như nhà văn hóa – khu thể thao xã, tuyến đường trung tâm, cầu Bến Hiên, kiên cố hóa kênh mương loại 3… Trong đó, UBND xã phải trả hơn 80% số tiền vừa nêu, còn lại thuộc về ngân sách cấp trên.

   Đến nay, công trình chợ Trà Kiệu vẫn còn nợ đơn vị thi công gần 1,2 tỷ đồng.Ảnh: T.S

Đến nay, công trình chợ Trà Kiệu vẫn còn nợ đơn vị thi công gần 1,2 tỷ đồng.Ảnh: T.S   

    Qua 5 năm triển khai xây dựng NTM, 3 xã điểm khác là Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Phước cũng huy động tổng cộng hơn 220 tỷ đồng đầu tư thi công kết cấu hạ tầng. Đến thời điểm này, các địa phương nêu trên chỉ nợ khoảng 5 tỷ đồng, trong đó Duy Trinh nhiều nhất với 3,2 tỷ đồng. Ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, khi bắt tay vào thực hiện chương trình, địa phương xác định không chạy theo thành tích và không trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời linh hoạt sử dụng các nguồn vốn để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Mặt khác, người dân tự nguyện đóng góp công sức, tiền của và hiến đất, di dời vật kiến trúc để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt văn hóa, trạm y tế... nên các địa phương hạn chế tối đa nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

    Giai đoạn 2011-2015, 4 xã Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Phước triển khai thực hiện 75 công trình có vốn đầu tư từ chương trình xây dựng NTM. Đến thời điểm này còn 19 công trình chưa quyết toán, hiện các địa phương trên đang gấp rút hoàn chỉnh thủ tục và gửi hồ để thẩm tra, quyết toán. Theo quy định của UBND tỉnh, đến ngày 30.7.2016 nếu công trình nào chưa quyết toán mà phần nợ thuộc ngân sách trung ương và tỉnh thì không được giải quyết.

   Năm 2016, Duy Xuyên được trung ương và tỉnh phân bổ gần 6 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng NTM ở 7 xã còn lại gồm Duy Thu, Duy Tân, Duy Phú, Duy Châu, Duy Trung, Duy Thành, Duy Vinh. Theo kế hoạch, huyện sẽ ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn này cho công tác đào tạo nghề, bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, cứng hóa giao thông nội đồng. Cạnh đó, thanh toán một số hạng mục công trình đã và đang triển khai thi công…

   Tìm cách trả nợ

   Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến nợ đọng phần lớn là việc huy động các nguồn lực xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn, cơ chế hỗ trợ của trung ương giảm cũng như số vốn phân bổ hàng năm còn ít. Trong khi đó, khối lượng công việc phải thực hiện lại nhiều, chủ yếu vẫn là đầu tư thi công cơ sở hạ tầng. Ông Ngô Phi Thâm cho biết, để giải quyết số nợ nêu trên, thời gian tới xã Duy Sơn sẽ tích cực huy động các kênh vốn hợp pháp và đề xuất với tỉnh, huyện có cơ chế hỗ trợ phù hợp. Đồng thời tiến hành khai thác quỹ đất nhỏ lẻ trên địa bàn để bổ sung thêm nguồn kinh phí nhằm vừa trả nợ xây dựng cơ bản vừa đầu tư nâng cấp một số hạng mục công trình. Trong khi đó, ông Đoàn Công Vân – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Trinh thì chia sẻ: “Trong số 3,2 tỷ đồng nợ đọng xây dựng NTM thì địa phương phải trả khoảng hơn 30%, còn lại thuộc về ngân sách cấp trên. Nhằm giải quyết dứt điểm các khoản nợ, xã sẽ cân đối nhiều nguồn thu khác nhau, chủ yếu vẫn dựa vào khai thác quỹ đất. Mặt khác, Duy Trinh cũng đề xuất cấp trên sớm bố trí nguồn kinh phí cho địa phương”.

   Ông Văn Bá Năm cho hay, 4 xã đã về đích khẩn trương rà soát, xác định số nợ đọng và phân loại các khoản nợ một cách cụ thể, trong đó đề cập chi tiết phần nào thuộc ngân sách xã, phần nào thuộc về ngân sách huyện, tỉnh. Đồng thời lập kế hoạch, lộ trình xử lý nợ theo từng giai đoạn. Ông Năm nói: “Để sớm trả nợ cho các đơn vị, chúng tôi sẽ tranh thủ tối đa nguồn kinh phí hỗ trợ từ trung ương, tỉnh và vốn sự nghiệp phát triển nông nghiệp của huyện. Ngoài ra, tiến hành khai thác quỹ đất nhằm tạo nguồn trả nợ xây dựng cơ bản. Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2017, cả 4 xã Duy Sơn, Duy Trinh, Duy Hòa, Duy Phước đều xử lý dứt điểm các khoản nợ”.

VĂN SỰ - PHI THÀNH

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

18592770
Hôm nay
Hôm qua
3227
3104