A+ A A-

Duy Xuyên tập trung trả nợ nông thôn mới

    Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 4 xã điểm của huyện Duy Xuyên là Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Phước tập trung khai thác quỹ đất, bố trí hợp lý một số nguồn lực tài chính nhằm sớm giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản.

    Về đích

   Đầu tháng 4, chúng tôi có dịp quay lại những ngôi làng Trà Kiệu Tây, Phú Nham Đông, Kiệu Châu… của xã Duy Sơn (Duy Xuyên). Nhiều con đường trước đây đầy ổ voi, ổ gà và bụi bặm tung mù trời giờ đã được bê tông xi măng phẳng lỳ. Không chỉ vậy, mạng lưới điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa từ xã đến thôn cũng được xây dựng rất khang trang, sạch đẹp. Ông Trần Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, giai đoạn 2011 - 2015 địa phương đầu tư tổng cộng 86,5 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ và vốn lồng ghép gần 60 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 16 tỷ đồng, còn lại huy động các kênh vốn khác. Theo ông Ba, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 16,56% vào năm 2011 đến nay giảm xuống còn 4,8%. Năm 2011 thu nhập bình quân đầu người của Duy Sơn chỉ đạt 13,5 triệu đồng thì cuối năm 2016 tăng lên gần 27 triệu đồng.

   Duy Sơn hiện còn nợ đơn vị thi công hơn 220 triệu đồng xây dựng tuyến đường chính qua trung tâm xã. Ảnh: HOÀI NHI

Duy Sơn hiện còn nợ đơn vị thi công hơn 220 triệu đồng xây dựng tuyến đường chính qua trung tâm xã. Ảnh: HOÀI NHI     

   Tuy nhiên, tại xã Duy Sơn có một số công trình hạ tầng thiết yếu dù đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng khá lâu nhưng đến thời điểm này địa phương vẫn chưa thể thanh toán cho các đơn vị thi công với tổng số tiền lên đến 2,9 tỷ đồng. Điển hình là công trình nhà văn hóa xã có vốn đầu tư được phê duyệt gần 4,7 tỷ đồng, triển khai xây dựng trong 2 năm 2014 - 2015. Vậy nhưng, đến nay Duy Sơn còn nợ 563 triệu đồng. Hay như công trình khu phố chợ Trà Kiệu có kinh phí đầu tư hơn 5 tỷ đồng, được xây dựng trên tổng diện tích 2.200m2 đất, phục vụ cho ít nhất 300 hộ kinh doanh, buôn bán trong mấy năm nay nhưng đến cuối tháng 3.2017, vẫn còn nợ nhà thầu 796 triệu đồng. Tương tự, nhiều công trình khác như tuyến đường chính qua trung tâm xã, cầu Bến Hiên, hệ thống kênh mương ở khu vực Đồng Đài – Bàu In, trung tâm thể thao xã… cũng còn nợ cả tỷ đồng. Còn tại xã Duy Hòa, để hoàn thành bộ 19 tiêu chí quốc gia về mô hình NTM, giai đoạn 2011 - 2015 địa phương này huy động 99,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó nhân dân đóng góp 31 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi về đích, xã còn nợ các đơn vị thi công hơn 1 tỷ đồng.

   Không riêng gì Duy Sơn và Duy Hòa, đến nay 2 xã điểm khác của huyện Duy Xuyên là Duy Trinh, Duy Phước cũng còn nợ khoảng 2,5 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa…

   Tập trung trả nợ

   Ông Trần Ba cho biết thêm, thời gian qua chính quyền địa phương đã tiến hành quy hoạch 3 khu vực khai thác quỹ đất nhằm tăng thu ngân sách để trả nợ xây dựng cơ bản gồm bàu Phái Đông - thôn Trà Châu, bàu Ông Đốc - thôn Kiệu Châu, gò Cồn Thành - thôn Chánh Lộc. Riêng tại khu phố chợ Trà Kiệu, xã đã phân lô bán nền nhằm sớm giải quyết dứt điểm số nợ 796 triệu đồng tồn đọng gần 4 năm qua cho đơn vị thi công. Ngoài ra, Duy Sơn cũng đã “thắt lưng buộc bụng” nhiều khoản chi để có thêm nguồn kinh phí trả nợ. Trong khi đó, ông Nguyễn Như Lộc - cán bộ Văn phòng UBND xã kiêm phụ trách lĩnh vực xây dựng NTM của xã Duy Hòa cho hay, ngay sau khi tổ chức lễ công bố đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015, địa phương xác định lấy nguồn thu tăng thêm để trả nợ xây dựng cơ bản. Theo ông Lộc, trong khoản nợ hơn 1 tỷ đồng trước đây thì đến nay Duy Hòa đã trả được xấp xỉ 300 triệu đồng, còn lại 773 triệu đồng xã đã lên kế hoạch sử dụng, bố trí các nguồn kinh phí để xử lý dứt điểm trong quý II.2017.

    Ông Hồ Văn Phước – thành viên Tổ điều phối chương trình NTM huyện Duy Xuyên cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở 4 xã điểm của huyện phần lớn là việc huy động các nguồn lực gặp nhiều khó khăn, kinh phí phân bổ hàng năm từ cấp trên quá ít. Trong khi đó, khối lượng công việc phải thực hiện lại rất nhiều, chủ yếu là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thủy lợi, trường học, chợ, cơ sở vật chất văn hóa… Ông Phước chia sẻ: “Mặc dù số nợ đọng ở Duy Xuyên không nhiều như những địa phương khác nhưng để sớm giải quyết cho các đơn vị thi công, 4 xã Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Phước thường xuyên rà soát, phân loại nợ và lập phương án, lộ trình trả nợ cũng như cam kết mốc thời gian hoàn thành dứt điểm. Thời gian qua 4 xã vừa nêu đặc biệt chú trọng việc khai thác quỹ đất để bổ sung kinh phí nhằm vừa trả nợ xây dựng cơ bản vừa đầu tư nâng cấp một số hạng mục công trình. Đồng thời lãnh đạo huyện cũng chỉ đạo các địa phương trên địa bàn chỉ thực hiện khởi công mới các công trình thực sự bức thiết. Tuy nhiên, phải cân đối được nguồn lực tài chính, hạng mục nào ít kinh phí thì làm trước, còn nhiều thì làm sau”.

HOÀI NHI

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19806046
Hôm nay
Hôm qua
1419
8748