Nguồn nguyên liệu ngày càng thu hẹp, hiệu quả kinh tế thấp... khiến làng nghề chiếu cói Bàn Thạch (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) đứng trước nguy cơ mai một. Địa phương đang đề ra nhiều giải pháp nhằm duy trì, phát triển nghề truyền thống chiếu cói, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP.
Thời gian gần đây, xã Duy Vinh quan tâm hỗ trợ người dân tham gia trưng bày sản phẩm chiếu cói tại nhiều hội chợ. Ảnh: H.N
Giữa tháng 1 dương lịch, về lại xã Duy Vinh, chúng tôi nhận thấy không ít diện tích đất trồng cói trước đây giờ đã bỏ hoang hoặc thay thế bằng màu xanh ngút ngàn của những ruộng lúa và hoa màu. Nếu năm 2012 trở về trước toàn xã có ít nhất 105ha đất chuyên canh cây cói để cung ứng nguồn nguyên liệu tại chỗ cho nghề dệt chiếu truyền thống thì hiện nay đã giảm xuống dưới 20ha.
Ông Nguyễn Sáu – Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho hay, tính đến thời điểm này địa phương chỉ còn khoảng 45 hộ dân tham gia sản xuất chiếu cói, giảm 60% so với cách đây 2 năm. Tuy nhiên, hầu hết người dân làm nghề đều lớn tuổi, chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ và gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Qua thống kê cho thấy, năm 2019 các hộ dân trên địa bàn xã Duy Vinh sản xuất và bán ra thị trường 150.000 đôi chiếu, giảm 50% so với năm 2018. “Điều đáng nói là nghề dệt chiếu cói này rất vất vả nhưng nguồn thu nhập của người dân quá thấp, bình quân mỗi ngày một lao động chỉ thu nhập được 50 nghìn đồng. Đây được xem là trở lực lớn khiến nhiều hộ dân không còn mặn mà với nghề truyền thống này” – ông Sáu chia sẻ thêm.
Để gìn giữ nghề truyền thống và tạo động lực xây dựng chiếu cói Duy Vinh trở thành sản phẩm OCOP, theo ông Sáu thời gian tới địa phương sẽ nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh việc tích cực hỗ trợ người dân khôi phục những diện tích đất trồng cói đã bỏ hoang lâu nay nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ sản xuất thì chính quyền xã Duy Vinh cũng sẽ chú trọng khâu tập huấn để giúp các hộ dân nâng cao tay nghề, đa dạng kích cỡ - mẫu mã sản phẩm. Đồng thời ưu tiên các nguồn vốn vay ưu đãi để người dân có điều kiện đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc, dây chuyền nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao sản lượng sản phẩm. Cùng với đó, tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể và tăng cường khâu xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. “Xã Duy Vinh đang thu hút nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi để địa phương tạo cú hích đối với làng nghề sản xuất chiếu cói truyền thống. Do vậy, sắp tới UBND xã Duy Vinh cùng các ngành liên quan của huyện sẽ tập trung định hướng và hỗ trợ tối đa để các cơ sở dệt chiếu cói sản xuất thêm sản phẩm túi xách, mũ, thảm cói, chiếu gấp… phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, xã cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị lữ hành hình thành những tour du lịch trải nghiệm tại làng nghề dệt chiếu để quảng bá sản phẩm...” - ông Nguyễn Sáu nói thêm.
HOÀI NHI