Mặc dù không được chọn làm mô hình điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng qua gần 6 năm thực hiện chương trình này, xã Duy Thành của huyện Duy Xuyên đã gặt hái nhiều thành tựu ấn tượng…
Tạo cú hích cho nông nghiệp
Ông Lê Trung Thưởng – cán bộ khuyến nông xã Duy Thành cho biết, mỗi vụ nông dân trên địa bàn canh tác 328ha lúa, trong đó có 70% diện tích hoàn thành dồn điền đổi thửa. Hiện nay, địa phương đã xây dựng được 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn với quy mô hơn 50ha. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm giảm chi phí đầu tư, giải phóng sức lao động, tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Ông Thưởng chia sẻ: “Nhiều năm nay Duy Thành luôn dẫn đầu huyện về năng suất lúa. Riêng hè thu 2016 này năng suất bình quân toàn xã đạt 62 tạ/ha, cao hơn 5 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm ngoái.
Có được thành công đó trước hết là nhờ đất đai nơi đây khá màu mỡ, hệ thống thủy lợi được xây dựng bài bản, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân bố trí khung thời vụ, cơ cấu giống phù hợp. Bên cạnh đó, quy trình thâm canh cây lúa được thực hiện một cách khoa học, nhất là áp dụng hiệu quả gói kỹ thuật IPM kết hợp với sử dụng công cụ sạ hàng”. Cần nói thêm, mấy năm gần đây vụ hè thu nào nông dân Duy Thành cũng sản xuất 180 - 200ha nếp N97 để cung ứng ra thị trường. Thực tế cho thấy, hướng này giúp nhà nông tăng 20 - 30% giá trị kinh tế so với làm các loại lúa thương phẩm. Theo tìm hiểu, thực hiện Cơ chế 33 của tỉnh, những năm qua các đơn vị liên quan đã hỗ trợ một phần kinh phí cho nông dân Duy Thành đầu tư mua sắm hơn 20 máy gặt đập liên hợp 30 máy cày loại lớn. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch ở địa phương đạt 100%.
Nhờ đầu tư đồng bộ nhiều khâu, năng suất lúa của địa phương luôn đạt khá cao.
Một thành công lớn nữa trong bức tranh kinh tế nông nghiệp của Duy Thành là tập trung phát triển mạnh chăn nuôi hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường. Theo thống kê, tính đến giữa tháng 9.2016 tổng đàn gia súc, gia cầm của xã ước khoảng hơn 25.000 con. Nhờ UBND xã thường xuyên phân công cán bộ đứng điểm ở từng thôn để theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác tiêm phòng vắc xin và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trị bệnh cho đàn vật nuôi nên 4 năm nay trên địa bàn không có ổ dịch nào bùng phát. Qua khảo sát mới đây cho thấy, hiện nay Duy Thành đã có gần 70 mô hình trang trại, gia trại nuôi heo siêu nạc, bò lai sind với quy mô vừa và lớn. Bình quân hàng năm mỗi mô hình cho mức lãi ròng 50 - 80 triệu đồng.
Lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi bứt phá đã góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo ở Duy Thành. Nếu năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 25% thì nay giảm xuống còn 7,7%. Năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 25,7 triệu đồng, tăng gần 13 triệu đồng so với cách đây 5 năm.
Đầu tư hạ tầng đồng bộ
Các ngành chức năng ở huyện Duy Xuyên cùng chính quyền xã Duy Thành vừa tiến hành nghiệm thu, đưa vào sử dụng tuyến đường ĐH5 đi qua trung tâm hành chính xã. Công trình này có chiều dài 1,2km, rộng 13m với tổng kinh phí đầu tư 6 tỷ đồng. Để tạo thuận lợi cho đơn vị thi công, 9 hộ dân sống dọc 2 bên đường đã tự nguyện hiến hơn 3.000m2 đất ở và dỡ bỏ 6 tường rào cổng ngõ mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Ông Lê Trung Xuân – Chủ tịch UBND xã cho biết, những năm qua với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, địa phương đã hoàn thành bê tông hóa gần 30km đường giao thông nông thôn với tổng vốn đầu tư hơn 19,5 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 45%, phần còn lại do nhân dân đóng góp. Ông Xuân nói: “Nhờ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động nên mỗi người dân Duy Thành luôn ý thức trách nhiệm của mình và mong muốn được đóng góp công sức, tiền của để xây dựng hạ tầng giao thông nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của xã. Đây cũng chính là động lực quan trọng giúp Duy Thành thực hiện hoàn thành các tiêu chí khác để về đích sớm”.
Cũng theo lời ông Xuân, đến thời điểm này công trình xây dựng nhà văn hóa xã đã cơ bản hoàn thành với các hạng mục như khu hội trường đa năng rộng hơn 2.000m2, sức chứa 200 chỗ ngồi và một số phòng chức năng. Tổng kinh phí đầu tư công trình trên khoảng 2 tỷ đồng, từ nguồn vốn của chương trình xây dựng NTM. Thời gian qua, việc sửa chữa, nâng cấp nhà sinh hoạt văn hóa ở 4 thôn của xã cũng đã hoàn tất, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ và thi đấu thể dục - thể thao. Được biết, hiện nay Duy Thành đang đẩy nhanh tiến độ san lấp mặt bằng xây dựng ngôi chợ tại thôn Thi Thại trên diện tích hơn 4.000m2 gồm nhà lồng, ki ốt, khu bán hàng tươi sống, nhà vệ sinh, cống thoát nước, điện chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, sân đường nội bộ. Đặc biệt, đến nay hệ thống trường học, trạm y tế, điện, bưu điện… trên địa bàn xã đã cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu thực tế.
Ông Lê Trung Xuân cho biết, hiện nay địa phương đã hoàn thành 11 tiêu chí, 8 tiêu chí còn lại đã đạt hơn 55%. Gần 6 năm qua, tổng nguồn vốn Duy Thành huy động đầu tư cho chương trình NTM khoảng 25 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 4 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ 17 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép, vốn tín dụng... Theo kế hoạch, năm 2016 Duy Thành phấn đấu hoàn thành thêm 4 tiêu chí là giao thông, thủy lợi, thu nhập, hộ nghèo và nỗ lực hoàn tất 4 tiêu chí còn lại vào cuối năm 2017 để về đích trước 3 năm so với lộ trình đặt ra.
HOÀI NHI