Sau khi về đích nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2015, xã Duy Hòa (Duy Xuyên) nỗ lực tạo đột phá trong phát triển kinh tế, linh hoạt huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Lĩnh vực công nghiệp phát triển mạnh đã tạo công ăn việc làm ổn định cho rất nhiều lao động của xã Duy Hòa. Ảnh: T.P
Kinh tế chuyển biến tích cực
Bà Lê Thị Hiếu ở thôn Vĩnh Trinh (xã Duy Hòa) cho biết, gia đình có hơn 10 sào đất lúa. Mấy năm gần đây, thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp Duy Hòa 2, bà Hiếu liên kết với các doanh nghiệp sản xuất mỗi vụ 7 sào lúa giống theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm. “Mô hình liên kết này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi vụ, 1 sào lúa giống cho thu nhập 2,4 triệu đồng, tăng 800 nghìn đồng so với canh tác lúa thương phẩm” – bà Hiếu chia sẻ.
Năm năm qua, xã Duy Hòa tiếp tục huy động gần 110 tỷ đồng triển khai thực hiện 111 dự án, công trình thuộc chương trình NTM. Trong đó, chủ yếu là bê tông hóa giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, xây dựng trường lớp, nhà sinh hoạt văn hóa các thôn...
Theo tìm hiểu, Duy Hòa hiện có 461ha đất lúa. Những năm qua, địa phương dồn điền đổi thửa được gần 40% diện tích và ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng để hình thành nhiều mô hình cánh đồng mẫu. Bình quân mỗi vụ, nông dân trên địa bàn xã liên kết với một số doanh nghiệp sản xuất khoảng 100ha lúa giống hàng hóa. Thực tế cho thấy, 1ha lúa giống cho giá trị xấp xỉ 50 triệu đồng mỗi vụ, tăng 25 - 30% so với làm lúa thường.
Thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của xã Duy Hòa có bước chuyển biến rõ nét. Toàn xã có khoảng 20 cơ sở sản xuất với quy mô lớn cùng nhiều cơ sở có quy mô vừa và nhỏ. Theo thống kê, 5 năm qua tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của địa phương đạt hơn 2.402 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 58% trong cơ cấu nền kinh tế), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 17,7%.
Hoạt động thương mại - dịch vụ cũng phát triển mạnh với hơn 300 cơ sở, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp dọc các trục đường chính, tạo thành mạng lưới thương mại - dịch vụ rộng khắp. Giai đoạn 2015 – 2020, tổng giá trị sản xuất của ngành này đạt 1.383 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 32%), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 18,2%.
Ông Lê Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Duy Hòa cho hay, nhờ kinh tế phát triển nên đời sống người dân cải thiện đáng kể. Hiện nay, nếu không tính các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, toàn xã không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của Duy Hòa năm 2019 đạt hơn 46 triệu đồng, tăng 22 triệu đồng so với năm 2015.
“Xác định phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch là khâu đột phá nên thời gian đến Duy Hòa sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với xu thế phát triển chung và lợi thế của địa phương. Chú trọng kêu gọi đầu tư để hình thành khu thương mại - dịch vụ trung tâm xã gắn với phát triển hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông kết nối Đại Lộc và Nông Sơn. Đồng thời phát triển hoạt động thương mại – dịch vụ dọc các tuyến quốc lộ 14H, ĐH10 Kiểm Lâm – Thu Bồn, nội thị Kiểm Lâm...” – ông Hùng nói.
Đổi thay diện mạo nông thôn
Năm 2017, người dân xã Duy Hòa nói riêng và huyện Duy Xuyên, Đại Lộc vui mừng khi cầu Giao Thủy được đưa vào sử dụng, mở ra cơ hội cho sự chuyển mình của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tưởng ở thôn La Tháp Tây (xã Duy Hòa) bộc bạch: “Từ khi đưa vào sử dụng cầu Giao Thủy, tôi thấy đời sống người dân thay đổi hẳn. Minh chứng rõ nét là một số khu dân cư đông đúc được hình thành, kinh doanh buôn bán thuận lợi. Đặc biệt, người dân đi lại khám chữa bệnh ở Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam dễ dàng hơn”.
Theo ông Lê Văn Hùng, cùng với cầu Giao Thủy thì cầu Mỹ Lược kết nối Duy Tân - Duy Hòa cũng được quan tâm đầu tư xây dựng và đã đưa vào sử dụng hồi gần cuối tháng 7.2020. Đồng thời hàng loạt tuyến đường giao thông được nâng cấp, xây dựng mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Hùng cho biết thêm, đến nay tất cả trường học ở Duy Hòa đều đạt chuẩn quốc gia. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng lên; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, nâng cấp. Công tác xã hội hóa giáo dục được chú trọng. Đáng chú ý là Trường Mẫu giáo tư thục Trăng Non đầu tư hơn 20 tỷ đồng với cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần giải quyết nhu cầu ra lớp ngày càng đông của trẻ em ở trong và ngoài xã. Cạnh đó, các thiết chế văn hóa từ xã đến thôn được đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Phong trào thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ được triển khai khá sôi nổi trong các khu dân cư. Qua kết quả bình xét, hàng năm có hơn 95% hộ dân đạt chuẩn gia đình văn hóa và hơn 70% thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa. Công tác bảo vệ môi trường chuyển biến rõ rệt, duy trì các tổ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn 7 thôn với hơn 95% số hộ tham gia…
NHÃ PHƯƠNG – PHI THÀNH