Ngày 7/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là One commune one product, gọi tắt là Chương trình OCOP) giai đoạn 2018-2020. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 45.000 tỷ đồng.
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình OCOP đến năm 2020 gồm 03 mục tiêu chính:
Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn;
Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới;
Thứ ba: Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Đối tượng thực hiện mà Chương trình OCOP hướng đến, gồm: Các sản phẩm hàng hoá và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức; xây dựng hệ thống quản lý thực hiện Chương trình OCOP đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia thực hiện Chương trình OCOP được áp dụng thực hiện các chính sách hiện hành của Nhà nước về phát triển ngành nghề, phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và triển khai chính sách khoa học, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoàn thiện công nghệ, ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập và bảo hộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP; huy động nguồn lực lớn nhất từ cộng đồng, đồng thời huy động nguồn lực tín dụng từ các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP, Nhà nước bố trí nguồn vốn ngân sách phù hợp, kịp thời để hỗ trợ cộng đồng đầu tư sản xuất, tổ chức dịch vụ thực hiện Chương trình OCOP; hợp tác với các quốc gia triển khai OVOP/OTOP/OCOP trên thế giới nhằm chia sẻ kinh nghiệm và đưa sản phẩm OCOP xuất khẩu và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.