Anh Nguyễn Thành Đại, chủ cơ sở điêu khắc gỗ Di Đà sản phẩm địa chỉ 484 đường Hùng Vương, khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước(Duy Xuyên) bày tỏ ý tưởng của mình về những dự định phát triển sản phẩm du lịch. Thật kỳ lạ khi giữa những ngày ngành du lịch phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19 thì anh Đại lại ấp ủ những kế hoạch mới để tạo ra một sản phẩm độc đáo làm quà lưu niệm khi du khách đến tham quan Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn. Anh Đại cho biết, Covid-19 là một cơ hội tốt cho những người làm du lịch có điều kiện nhìn lại mình, để đầu tư hơn nữa chất lượng sản phẩm. Chính điều này đã thôi thúc anh làm điều gì đó có ý nghĩa ngay tại quê hương, và anh chọn hình tượng Vũ nữ Apsara làm nguồn cảm hứng.
Cho tôi xem những bức tượng vũ nữ Apsara trên gỗ vừa hoàn thiện, anh Đại tâm sự: “Hình tượng vũ nữ Apsara thì không xa lạ gì với người dân Quảng Nam và những ai yêu thích văn hóa Chămpa. Thế nhưng nó mới chỉ được nhắc đến trong các bài hát, bài thơ là nhiều. Đối với một sản phẩm mang tính thương mại thì tượng vũ nữ mới chỉ có phiên bản trên đồ gốm và đá. Đá thì quá nặng, đồ gốm thì không có độ bền cao nên không thể di chuyển xa vì vậy những sản phẩm này chưa thể phổ biến đến du khách nước ngoài. Nhận thấy điều đó tôi liền nghĩ tại sao không dùng gỗ để tạo tác hình tượng người vũ nữ?”.
Gỗ có độ tinh xảo cao, hành mộc lại mang phong thủy tốt theo văn hóa của người Việt, nghĩ là làm, anh Đại bắt tay vào thực hiện.
Theo tìm hiểu của anh Đại, tại Việt Nam, hình tượng vũ nữ Apsara được tìm thấy nhiều nơi trong nền văn hóa Champa cổ. Tượng Apsara được điêu khắc tỉ mỉ trên các tháp Chăm còn sót lại ở Trà Kiệu( Duy Xuyên, Quảng Nam), Bình Định. Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và rải rác ở một vài nơi khác. Hầu hết các pho tượng được phát hiện tại các di chỉ có niên đại từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XVII. Trong đó, tượng vũ nữ Apsara ở bệ thờ Trà Kiệu (Duy Sơn, Duy Xuyên) được xem là một tác phẩm tiêu biểu, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc.
Với dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển, nụ cười thần bí, đôi chân thanh thoát chuẩn bị di chuyển theo nhịp điệu gợi cho ta các vũ điệu Tamia Tatih; Tamia Biyen, Tamia Tra trong truyền thuyết mà các hậu duệ của họ là thiếu nữ Chăm nối tiếp vũ điệu cổ xưa đang lưu truyền trong cộng đồng người Chăm cho đến ngày nay. Vì thế anh Đại chọn hình tượng vũ nữ Trà Kiệu làm bản mẫu để tạo tác. Anh Đại nhận xét: “Nhìn từ bên ngoài, các bức tượng gần như trần trụi, lõa thể nhưng kỳ thực người nghệ sĩ đã khéo léo tạo dựng cho họ những bộ trang phục hết sức kín đáo vừa để phô bày vẻ đẹp, vừa giữ nét thanh cao, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Trong quá trình điêu khắc chúng tôi cũng cố gắng giữ được tinh thần ấy trên từng sản phẩm”.
Nhưng để biến tượng vũ nữ Apsara trên gỗ thành một sản phẩm tiêu biểu trong phát triển du lịch của địa phương thì không chỉ cần sản phẩm tốt mà còn cần chiến lược phát triển hiệu quả. Và anh Đại đã tận dụng khoảng thời gian dịch Covid-19 ngành du lịch phải đóng cửa để hoàn thiện các kế hoạch của mình.
Năm 2020, tượng gỗ vũ nữ Apsara của Cơ sở Di Đà của anh Nguyễn Thành Đại được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam công nhận phân hạng 3 sao.
Không dừng lại ở đây, anh Nguyễn Thành Đại tiếp tục ôm ấp niềm say mê nâng tầm sản phẩm tượng gỗ vũ nữ Apsara. Anh suy nghĩ cải tiến, chế tác phiên bản tượng gỗ vũ nữ Apsara theo một lối kiến trúc và phong cách mới.
Chuyện kể tượng gỗ vũ nữ Apsara phiên bản mới của anh được kể bằng 4 câu thơ:
“Ngọc ngà vũ nữ Apsara
Trong êm ngoài rắn như là dáng em
Quay cuồng trong cõi người xem
Ngàn năm một giấc mơ mềm trên tay”
Từ những tượng đá hàng ngàn năm tuổi, tồn tại qua biết bao biến thiên của thời gian, vũ nữ Apsara đã trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng cho nền văn minh Chăm pa của các nước Đông Nam Á. Mang vẻ đẹp siêu nhiên, lộng lẫy, hình tượng vũ nữ Apsara đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận trong nghệ thuật. Và lần đầu tiên, một phiên bản hoàn toàn mới của vũ nữ Apsara được tái hiện dưới chất liệu gỗ bản địa ra đời tại cơ sở tượng gỗ Di Đà của anh Nguyễn Thành Đại. Với mong muốn tinh giản, tối ưu vẻ đẹp điêu khắc dưới hình thức một sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tượng gỗ Apsara vừa giữ được linh hồn, vẻ đẹp uyển chuyển của bản gốc kết hợp với chất liệu gỗ tượng trưng cho hành mộc, khi bài trí trong nhà, tượng gỗ sẽ phát huy công dụng trung hòa các hành kim và thổ, tạo nên sự hài hòa về ngũ hành, mang đến cuộc sống yên ổn và phát triển cho gia đình. Giữa tháng 9/2021, tượng gỗ vũ nữ Apsara của cơ sở Di Đà được Hội đồng đánh giá, phân hạng chương trình mỗi xã một sản phẩm( OCOP) huyện Duy Xuyên chấm đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam đánh giá, xếp hạng 4 sao năm 2021.
Nhìn phiên bản tượng vũ nữ Apsara ta cứ ngỡ vũ nữ hóa thân từ tượng gỗ bước ra múa vũ điệu Apsara ngàn năm đang hiện hữu. Phiên bản tượng Apsara trên gỗ hứa hẹn là quà tặng đầy ý nghĩa với những ai đã dừng chân tại vùng đất Di sản Văn hóa Mỹ Sơn – trái tim của Vương Quốc Chămpa một thời. Để rồi món quà đầy ý nghĩa ấy sẽ theo chân du khách gần xa lan tỏa nét đẹp văn hóa Chăm pa tới mọi miền trong và ngoài nước
Hoàng Thơ