A+ A A-

Làm, để dân tin

    Bà Liễu ngừng tay, nói với chúng tôi, rằng mai này có con đường rộng cho con cháu đi, nhà cửa cũng sạch đẹp hơn thì tiếc gì mấy gốc cây. Bà Liễu còn tình nguyện phá dỡ một góc tường nhà ở để nhường đất cho chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Đường làng Phú Nhuận hôm nay.Ảnh: CÔNG  NGUYÊN 

ường làng Phú Nhuận hôm nay.Ảnh: CÔNG NGUYÊN 

  Từ ý nguyện của dân

  Làng vẫn xanh. Chỉ khác, đường bê tông nay đã vào đến từng ngõ nhỏ. Chúng tôi đi qua cổng làng Phú Nhuận 3 (xã Duy Tân, Duy Xuyên), lúa đương thì, ngút ngát hai bên đường. Những ngày lễ hội, làng đẹp hơn với những lá cờ Tổ quốc dọc dài bên đường, với băng rôn chào mừng lễ hội và đoàn người ngược về phía sông. Ở lại sau dòng người ấy, vợ chồng bà Bùi Thị Liễu (63 tuổi) chừng như tất tả hơn, với công việc phát chặt những gốc cây ngay phía trước nhà. Gốc xoài, gốc cây keo hơn một người ôm được chặt hạ, bà cùng chồng dọn dẹp cành nhánh để nhường đường cho người dân đi. “Hôm trước họp thôn, rồi họp tổ, nghe chủ trương sẽ mở rộng đường bê tông qua trước nhà, bà con đều thống nhất sẽ nhường đất để Nhà nước thi công. Làm đường cho dân chứ cho ai. Nghe phổ biến xong, tôi về chặt cây, để mai mốt đỡ cập rập lại làm chậm việc thi công của Nhà nước” - bà Liễu nói. Góc tường nhà ở, nơi cán bộ đo đạc thông báo nằm trong phần diện tích thi công cũng đã được gia đình bà Liễu đập bỏ, còn ngổn ngang gạch. Bà nói với chúng tôi, rằng mai này cả căn nhà tạm để bán tạp hóa trước nhà, nếu dính vào phần làm đường, bà cũng sẵn sàng dỡ ra để nhường đất. Tôi nhìn vào mắt người phụ nữ rắn rỏi trước mặt mình, không một chút ngập ngừng trong lúc kể.

   Ông Trương Thanh Tùng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Duy Tân, Duy Xuyên cho biết: Chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đều nhằm mang lại lợi ích cho dân. Chúng tôi chọn những việc lợi nhất, gần gũi nhất thực hiện trước, rồi từ đó tạo lòng tin cho bà con, kêu gọi bà con góp sức. Việc gì cũng nhờ vào dân, nên phong trào bền vững”.  Gặp Bí thư Chi bộ thôn Phú Nhuận 3 - bà Nguyễn Thị Cường, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi có đến 70 trường hợp như gia đình bà Liễu, tình nguyện hiến đất đai, cây cối cho tuyến đường liên xã sẽ được thi công trong nay mai. Sự ngạc nhiên của chúng tôi, dần chuyển sang câu chuyện vận động của các đảng viên ở ngôi làng nhỏ này, những hạt nhân cốt cán tuyên truyền chủ trương xây dựng nông thôn mới. Bà Cường chia sẻ, ở quê, đời sống còn khó khăn, không dễ gì thuyết phục người dân phá bỏ cây cối hàng chục năm trời họ trồng, hay hiến hàng chục mét đất. “Đảng viên, trước hết phải làm gương chuyện đó. Đảng viên tự làm, rồi vận động người thân, chòm xóm. Điều cốt yếu, là để bà con hiểu những công trình này làm cho chính họ, chính làng Phú Nhuận này và con cháu mai sau. Mong mỏi một con đường rộng rãi, sạch đẹp của dân đã có từ lâu, nay chủ trương đúng theo ý nguyện của dân, bà con hưởng ứng ngay” - bà Cường chia sẻ. Con trai bà Cường cũng là một trong những người tiên phong, khi tự tay đập bỏ hàng rào nhà mình, nhường đất…

   Bà Cường nói, trong vận động người dân, hễ đảng viên gương mẫu chấp hành, những chủ trương được đưa ra lấy ý kiến công khai, dân chủ, khi bà con đã thống nhất thì coi như hoàn thành một nửa. Mấy năm trước, làng Phú Nhuận kêu gọi đóng góp tiền để làm công trình thắp sáng đường quê, vừa tiện lợi cho các cháu nhỏ đi lại học nhóm ban đêm, vừa bảo đảm an ninh, an toàn giao thông. Họp bàn, nhìn đâu cũng thấy cái lợi, vậy là mỗi gia đình đóng góp 300 nghìn đồng mua dây, bóng điện. Rồi hàng tháng lại góp nhau mỗi hộ 12.000 đồng để chi trả tiền điện, bảo trì hệ thống chiếu sáng. “Thu khoản nào, chi ra sao, chúng tôi công khai hết. Giờ ánh điện ban đêm trở thành một thứ không thể thiếu ở làng này rồi. Cũng chẳng ai phàn nàn gì chuyện đóng góp, vì lợi ích ngay trước cửa nhà mình, tự bà con thấy” - bà Cường bộc bạch. Là Bí thư Chi bộ, mà cái cách bà kể, câu chuyện vận động của người phụ nữ này cứ giản dị, đời thường như chính nếp nghĩ, cách làm của bà con xóm nhỏ Phú Nhuận 3 này…

   Về thôn Phú Nhuận 3 (SN1984, xã Duy Tân, Duy Xuyên), nói đến thanh niên Nguyễn Công Chức hầu như ai cũng biết. Bởi anh Chức là thanh niên duy nhất của Quảng Nam vào cuối năm ngoái vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chọn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của 2016. Với ý thức vươn lên của người trẻ, được sự khuyến khích, động viên của Chi bộ, Ban nhân dân thôn, anh Chức đã tích cực nghiên cứu cách thức phối giống gà ta lai, làm lò ấp trứng, đạt lợi nhuận cả trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Chức tâm sự: “Tôi mong muốn ngày càng có nhiều chủ nhân Giải thưởng Lương Định Của hơn nữa trong lực lượng thanh niên nông thôn, để khích lệ các phong trào hoạt động đoàn, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương”.  

   Lấy dân làm gốc

   Nằm bên bờ sông Thu, sản xuất gắn chặt với ruộng đồng, những gian khó vẫn còn bộn bề với Duy Tân. Nông thôn mới như cánh cửa mở ra cho vùng quê này một diện mạo khác, một sức sống khác, ngay trên chính những mảnh ruộng, những nếp nhà xưa cũ. Nhưng bài toán nguồn lực vẫn luôn là cái khó hiện hữu. Nhờ vào dân, lấy chính sức dân để phục vụ cho dân là lời giải cho bài toán ấy. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Duy Tân - Trương Thanh Tùng cho biết, ở nơi này công trình nào của nông thôn mới cũng đều có dấu ấn của sự đồng tình, ủng hộ từ phía người dân. “Nhờ những hạt nhân vững chắc là đảng viên ở cơ sở, các chủ trương, chính sách được đưa về thôn, rồi dựa vào thực tế mà triển khai phù hợp. Trong các hoạt động, nhất là xây dựng nông thôn mới, nhờ ở cơ sở tập hợp được sự ủng hộ của bà con, từ đó giữ sự bền vững của phong trào” - ông Tùng chia sẻ.

   Nhân dân xã Duy Tân, Duy Xuyên, tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn vào các ngày 8 - 9.3.2017 (nhằm ngày 11 và 12.2 năm Đinh Dậu). Ảnh: VĂN SỰ

Nhân dân xã Duy Tân, Duy Xuyên, tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn vào các ngày 8 - 9.3.2017 (nhằm ngày 11 và 12.2 năm Đinh Dậu). Ảnh: VĂN SỰ 

     Ở Duy Tân, từng chi bộ thôn thật sự là hạt nhân phục vụ người dân cơ sở. Các phong trào được tiếp sức từ một điểm, sau đó sẽ lan tỏa sang địa bàn lân cận nhờ chính hiệu quả mà phong trào mang lại. Đảng viên ở cơ sở vừa là người đi đầu, vừa tích cực vận động bà con hưởng ứng. Nhờ đó, dù đời sống còn khó khăn, nhưng những người dân ở Duy Tân vẫn sẵn sàng đóng góp cho các công trình thắp sáng đường quê, xây dựng và duy trì quỹ khuyến học, thực hiện thành công dồn điền đổi thửa - những thử thách mà không ít địa phương vẫn đang còn trăn trở chưa thực hiện được. Từ những việc làm giản đơn mà hiệu quả đó, làng quê Duy Tân dần dần chuyển mình. Những cọc tre treo bóng đèn điện ban đầu, nay đã được người dân tự quyên góp đúc trụ đèn bê tông kiên cố. Những dãy cột đèn điện ở làng quê tuy không hiện đại như thành phố, nhưng cũng rất chắc chắn, vững chãi. Bà con còn linh động thiết kế một lỗ gắn cờ ngay trên thân cột điện, để những ngày lễ tết treo cờ Tổ quốc trang trọng dọc theo tuyến đường. Theo ông Tùng, bà con còn khó, nên những chủ trương càng phải sát với thực tế và vì dân, mới mong được dân tin, dân ủng hộ. “Chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đều nhằm mang lại lợi ích cho dân. Chúng tôi chọn những việc lợi nhất, gần gũi nhất thực hiện trước, rồi từ đó tạo lòng tin cho bà con, kêu gọi bà con góp sức. Việc gì cũng nhờ vào dân, nên phong trào bền vững” - ông Tùng tâm sự.

THÀNH CÔNG - NGUYỄN ĐOAN

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19814923
Hôm nay
Hôm qua
10296
8748