A+ A A-

Đời thường lấp lánh của một cựu binh

       “Lần theo” bản tóm tắt thành tích, tôi tìm đến nhà riêng của ông Nguyễn Ngọc Sáu, sinh năm 1960, ở thôn Xuyên Tây 1, thị trấn Nam Phước và công ty của ông ở Cụm công nghiệp Tây An (huyện Duy Xuyên). Ông ngồi đó, hoàn toàn khác với tưởng tượng của tôi. Cứ như đó không phải là hình ảnh một người lính từng cầm súng ở chiến trường Tây Nam cuối những năm 70 của thế kỷ trước, và bây giờ là vị giám đốc doanh nghiệp đang ăn nên làm ra.

          Ông chân chất, gần gũi, và luôn giữ nụ cười lành hiền trên môi. Và ông cũng yếu đuối hơn tôi tưởng. Khi trò chuyện về quá khứ, về sự hy sinh của đồng đội, về chuyện quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang... ông nhìn xa xăm và khóc.

          1. Sau 3 năm tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, tháng 4.1981 Nguyễn Ngọc Sáu phục viên, trở về quê hương do sức khỏe yếu, xếp hạng thương binh 3/4 và nằm viện phẫu thuật nhiều lần. Nhiều mảnh đạn nằm trong cơ thể ông đã được lấy ra nhưng giờ vẫn còn một mảnh nằm trong sọ. Trái gió trở trời là đầu ông lại đau. Run rủi, tôi gặp ông và đồng đội của ông đúng hôm chuyển trời. Tôi bảo ông nằm nghỉ một chút cho khỏe nhưng ông cười hiền: “Chiến đấu ở chiến trường khốc liệt mà được lành lặn trở về là may mắn và diễm phúc, nên vết thương trên thân thể không là gì so với những hy sinh mất mát của đồng đội”. Ông ứa nước mắt. Câu chuyện lại ngắt quãng.

       .Ông kể, có những ngày đánh đến 4 trận, đồng đội của ông hy sinh khá nhiều. Bị thương cũng lắm. Niềm đau của bất cứ người lính nào khi chứng kiến đồng đội hy sinh hoặc mất một phần thân thể ngay trước mắt mình; mà đau hơn nữa là không thể lo cho thi thể hay vết thương của đồng đội vì không được phép dừng lại mà phải tiếp tục tiến lên phía trước. Trở về từ cuộc chiến, ông cùng những đồng đội còn sống (Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 Quảng Nam, Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) lặng lẽ tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ hy sinh ở biên giới Tây Nam, từng là đồng đội của ông, về lại đất mẹ Quảng Nam. Là thương binh, ông không đủ sức khỏe trực tiếp tìm kiếm hài cốt được an táng ở nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh phía Nam, nên ông nhận nhiệm vụ hậu cần, từ việc liên hệ với các địa phương về hồ sơ thủ tục đến chuẩn bị nghi thức đón hài cốt đồng đội về lại quê hương. Một cựu chiến binh của Ban liên lạc Trung đoàn 96 thổ lộ: “Có anh Sáu ở “hậu phương” lo công tác chuẩn bị đưa hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang các địa phương trong tỉnh thì chúng tôi hoàn toàn yên tâm, vì anh là người chu đáo trong mọi chuyện. Ấy là vì cái tình của anh với đồng đội của mình quá lớn”.

          Ông Nguyễn Ngọc Sáu trò chuyện với công nhân.Ảnh: CHÂU NỮ

Ông Nguyễn Ngọc Sáu trò chuyện với công nhân.Ảnh: CHÂU NỮ       

      Cảm động là những từ ông diễn tả cảm xúc khi chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng những người mẹ tiễn con đi cách đây gần 40 năm và nay đón hài cốt con về. Những người mẹ tiễn con đi trong âu lo vì chiến trường quá khốc liệt; phải đến gần 40 năm sau khi con hy sinh, các mẹ mới được đón hài cốt con về. Nước mắt lăn trên những gương mặt già nua. Nước mắt cũng lăn trên gương mặt cương nghị và rắn rỏi của những người lính Cụ Hồ. “Có mẹ ngoài 80 tuổi, chỉ biết ôm mãi chiếc quách có hài cốt của con mà vuốt ve và khóc. Chỉ có thể nói là bùi ngùi cảm động ngút ngàn” - ông xúc động.

           2. “Nghĩa tình đồng đội”, với ông và đồng đội còn sống, đâu chỉ dừng ở việc ôn lại truyền thống và di dời hài cốt liệt sĩ về lại quê hương; mà còn ở việc xây nhà tình nghĩa, chăm lo đời sống cho đồng đội và thân nhân của họ.

          Đã quen chịu đựng gian khổ nên hầu như ông không chùn bước trước những thất bại, vấp ngã trên đường đời, dù với ông, làm kinh tế trong thời bình cũng khó khăn gian khổ như ra trận. Khi rời chiến trường K trở về với cuộc sống đời thường ở địa phương, ông tiếp tục theo học Trường Trung cấp Thương mại Trung ương 2 tại Đà Nẵng. Rồi lập gia đình. Là thương binh, khó khăn vây bủa cuộc sống gia đình ông. Cũng chính lúc ấy, bản lĩnh, quyết tâm của người lính trong ông thể hiện rõ hơn lúc nào hết. Với suy nghĩ “thương binh tàn nhưng không phế”, khó khăn không khiến ông chùn bước mà vươn lên mạnh mẽ hơn. Tâm trí ông lúc nào cũng đau đáu với suy nghĩ làm thế nào để vượt khó, làm giàu chính đáng. Ông tâm sự: “Nhiều đêm dài thao thức không sao ngủ được, tôi băn khoăn trằn trọc tự nhủ bản thân mình phải làm thế nào để vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, đến nỗi chỉ sau một thời gian ngắn mà tóc tôi chuyển bạc”.

          Lấy công việc và lao động để vượt qua bệnh tật - điều đó thôi thúc ông làm ăn. Có kiến thức về kinh tế, nhưng thời gian đầu vẫn gặp thất bại. Không nản, ông quyết tâm làm lại, và làm lại nhiều lần cho đến khi thành công. Ban đầu ông lập cơ sở sản xuất gia công hàng mộc trang trí nội thất. Kinh tế gia đình ông dần dần ổn định, rồi khá giả. Nhưng “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu), ông muốn lập cơ sở sản xuất quy mô lớn hơn, thu hút nhiều nhân lực hơn, để giải quyết việc làm cho gia đình cựu chiến binh ở địa phương. “Cơ sở mộc của tôi nếu chỉ để cải thiện kinh tế cho mỗi gia đình của mình thì đơn giản và khỏe quá. Tôi muốn giúp đỡ, tạo việc làm cho vợ con đồng đội nên luôn suy nghĩ, tìm cách mở cơ sở khác, lớn hơn” - ông bộc bạch. Để rồi năm 2007, Công Ty TNHH Gạch tuynel Gia Phú tại Cụm công nghiệp Tây An (xã Duy Trung, Duy Xuyên) do ông làm giám đốc ra đời. Ông chủ công ty sản xuất gạch đã phải tham quan, tìm hiểu, học hỏi quy trình sản xuất gạch khắp nơi trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu đưa khoa học công nghệ vào dây chuyền sản xuất; rồi tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Giờ thì sản phẩm của cơ sở làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Còn lúc này ông đang nghiên cứu để sản xuất gạch không nung theo xu hướng hiện đại.

          Công ty TNHH Gạch tuynel Gia Phú do ông Nguyễn Ngọc Sáu làm giám đốc có vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng, công suất 40 nghìn viên gạch/ngày, giải quyết việc làm cho 60 công nhân tại địa phương; trong đó có 37 lao động là vợ con của hội viên cựu chiến binh. Với doanh thu mỗi năm hơn 6 tỷ đồng, công ty đã nộp ngân sách nhà nước hơn 600 triệu đồng/năm. Mức lương tối thiểu của công nhân 4 triệu đồng/tháng.

Sức khỏe có hạn, nhưng ông luôn lăn lộn với công nhân, luôn có mặt ở xưởng sản xuất kể cả ngày nghỉ. Ông bảo, công việc và lao động cũng là cách để giúp ông vượt qua bệnh tật. Và đó cũng là cách để ông chia sẻ công việc, cuộc sống với công nhân của mình mà phần lớn trong số đó là vợ, con của cựu chiến binh, cựu quân nhân. Công ty của ông như một mái nhà chung của cựu chiến binh. Công nhân dành cho ông giám đốc của mình nhiều tình cảm trìu mến như ông đã dành cho họ. Chị Nguyễn Thị Tố Tâm (SN 1966) - vợ cựu chiến binh, gắn với với công ty từ ngày đầu thành lập; anh Hồ Hai, cựu chiến binh quê Duy Trinh cũng làm ở đây được 6 năm và nhiều công nhân bày tỏ lòng biết ơn đối với ông. “Giám đốc luôn tạo điều kiện đề giảm bớt sức lao động cho người làm. Ở quê, làm công nhân theo giờ hành chính, thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, nhờ vậy cuộc sống kinh tế ổn định và có tiền nuôi con ăn học” - lời chị Tâm.

          3. Ở công ty, ông là một giám đốc doanh nghiệp sản xuất bận rộn. Về địa phương, ông trở thành người của cộng đồng, đảm nhận Trưởng ban Công tác mặt trận, Chi hội phó Chi hội Hội cựu chiến binh thôn. Hết giúp đỡ hoàn cảnh này, ông lại đi thăm hỏi trường hợp khác. Nhiều căn nhà tạm của đồng đội đã được xây mới là nhờ ông góp gạch do công ty sản xuất. Những dịp lễ, tết bận rộn và nhiều lo nghĩ nhưng ông vẫn không quên những suất quà tặng người nghèo. Bà con láng giềng gặp khó khăn, hoạn nạn, ông sẵn sàng chìa tay, cho mượn vốn làm ăn.

Nhìn cơ ngơi tiền tỷ của ông khang trang, sạch đẹp, con cái ngoan ngoãn, thành đạt đủ biết bàn tay chu toàn việc nhà cửa, nuôi dạy con của vợ ông khéo đến mức nào! Bà cũng âm thầm ủng hộ những việc “bao đồng” của ông. Còn ông thì luôn tự hào về “hậu phương” vững chắc đã giúp mình toàn tâm toàn ý lo công việc kinh doanh và xã hội.

          Ông nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương; được dự nhiều hội nghị tuyên dương toàn quốc, nhưng điều quý giá là những nhận xét của bà con lối xóm dành cho ông: “nhiệt tình, có tâm và gương mẫu”. Còn tôi, tôi thấy lấp lánh trong ông là tình người, tình đời, niềm say mê và quyết tâm với công việc của một anh “Bộ đội Cụ Hồ”, một thương binh “tàn nhưng không phế”...

CHÂU NỮ

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19814920
Hôm nay
Hôm qua
10293
8748