“Cuộc sống sẽ rất ý nghĩa khi chúng ta biết san sẻ tình yêu thương với người khác, bởi khi yêu thương cho đi là yêu thương luôn còn mãi”. Đó là những gì mà Anh Lương Phi, 31 tuổi luôn tâm niệm và hướng đến trong suốt hành trình làm thiện nguyện của mình khiến mọi người phải cảm phục!
Anh Phi trao số tiền 150 triệu đồng cho ông Đinh Văn Lê, thông Phú Nham Đông, xã Duy Sơn
Anh Lương Phi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại Khối phố Xuyên Đông, Thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên. Vốn là một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường nhưng không may khi năm lên 3 tuổi, vào một buổi trưa hè, anh cùng mẹ và chị gái đang nằm trên một chiếc giường tre phía trước nhà để nghỉ trưa thì bất ngờ tai họa ập tới. Một người đàn ông trong xómlên cơn tâm thầncầm rựa lao vào nhà truy sát gia đình anh. Mẹ anh đang mang thai bị chém mạnh vào đầu trọng thương. Chị gái của anh bị chém vào chân, còn anh bị chém đứt lìa chân trái. Lúc này ba anh vắng nhànên cả 3 mẹ con được người dângần đóđưa đi cấp cứu. Kết quả, dù giữ được tính mạng nhưng mẹ anh không còn sức khỏe để lao động, chị gái may mắn được nối lại chiếc chânbị đứt, chỉ có anh từ đó phải vĩnh viễn mất đi cái chân trái của mình. Anhphải cam chịu số phận bất hạnh, trở thành người khuyết tật, cuộc sống tươi đẹp với bao hoài bão, mơ ước cho tương laitrở nên mịt mờ với anh ấy!
Trao số tiền gần 70 triệu đồng giúp đỡ cho anh Đinh Hữu Tân bị bệnh hiểm nghèo tại thôn Phong Phú, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn.
Kể từ tai nạn đó, gánh nặng gia đình đổ hết lên đôi vai của ba anh. Cái nghèo cứ thế đeo bám lấy gia đình anh, cuộc sống của cả gia đình mấy chục năm sau đó là chuỗi những tháng ngày cơ cực, vất vả. Những lúc ngồi trên chiếc xe lăn nhìn những đứa bạn cùng trang lứa vui đùa, chạy nhảy nhiều lúc anh rớt nước mắt, tuyệt vọng cho số phận của mình - anh ngậm ngùi kể lại. Nhưng rồi bằng bản năng sinh tồn mạnh mẽ, anh không bị khuất phục bởi bệnh tật mà luôn nở nụ cười lạc quan, hy vọng, vươn lên vượt qua số phận. Lên 7 tuổi, anh cũng theo đuổi ước mơ đến trường, cùng các bạn đi học dù chỉ có 1 chân. Đến năm 18 tuổi, dù học rất giỏi nhưng vì thương ba một mình vất vả lo cho cả gia đình nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh quyết định không thi vào trường Đại học mà theo học ngành công nghệ thông tin tại một trường trung cấp tại Đà Nẵng. Sau khi ra trường, anh may mắn được một vài mạnh thường quân giúp đỡ, truyền đạt thêm kinh nghiệm và mở một phòng thu âm tại Đà Nẵng để giúp anh kiếm tiền trang trải cuộc sống, giúp đỡ gia đình. Rồi cho đến năm 2018, khi thu nhập từ công việc thu âm cũng bấp bênh nên anh quyết định không làm công việc thu âm nữa, về nhà chuyển sang làm Youtube để thỏa mãn đam mê và truyền cảm hứng cho những người có cảnh ngộ như mình. Anh Phi chia sẻ: “Những ngày đầu bắt tay vào làm Youtube, anh gặp không ít khó khăn khi để làm một clip đối với một người bình thường vốn dĩ đã khó, huống gì anh chỉ có một chân, liệu có làm được không? Nếu trong quá trình làm clip có người quay giúp còn được, còn những lúc một mình, vừa diễn xong cảnh này thì phải nhảy lò cò đến chỉnh máy, sửa tư thế để quay tiếp thật sự rất khó khăn. Với chủ đề ban đầu làm video là ẩm thực, các trò chơi của các em nhỏ trong xóm. Cả một năm bỏ nhiều công sức với hằng chục clip nhưng không kiếm được đồng nào, cộng thêm những lời ra tiếng vào của những người xung quanh khi cho rằng anh suốt ngày ở không, không kiếm việc làm để lo cho gia đình… càng làm anh áp lực hơn, có lúc anh nghĩ mình lại chọn sai con đường và có ý định bỏ cuộc”.
Nhưng với nội lực mạnh mẽ, ý chí, khát vọng vươn lên, anh đã nghĩ: “Tật nguyền đôi chân chứ không tật nguyền khối óc”, vì vậy nhiều đêm thức trắng để nghiên cứu, quyết tâm tìm cách làm cho kênh Youtube của mình hấp dẫn hơn, thu hút nhiều lượt người xem. Anh bắt đầu quay thêm nhiều clip về nghị lực sống, biểu diễn kỹ năng đặc biệt của bản thân và tìm đến những mảnh đời bất hạnh, hoàn cảnh khó khăn để tìm hiểu, chia sẻ hoàn cảnh từ đó kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Bởi anh luôn nghĩ rằng: Cuộc sống dù có phồn vinh, tốt đẹp đến bao nhiêu thì xung quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh. Họ vẫn đang từng ngày, từng giờ để sống cho hết một kiếp người. Còn được sống đã là một hạnh phúc! Và hơn ai hết, anh đồng cảm, thấu hiểu hết những bất hạnh ấy và mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ góp phần làm dịu phần nào nỗi đau, tăng thêm hạnh phúc để họ có thêm cơ hội được sống hoặc kéo dài sự sống. Đó là điều mà mỗi ngày, mỗi giờ còn tồn tại trên cõi đời này anh không ngừng nghĩ đến và cố gắng thực hiện!
Và ông trời không phụ người có ý chí, dần dần, những clip của anh với tựa đề “Phi một chân” ngày càng được nhiều người quan tâm, lượt xem càng ngày tăng lên không ngừng, cơ hội kiếm tiền để trang trải cuộc sống và giúp đỡ những người già yếu, bị bệnh nặng ngày càng thuận lợi. Từ thu nhập kiếm được qua việc làm clip mà Youtube trả cho mình, hằng tháng anh đều trích một phần để nuôi dưỡng và chăm sóc nhiều cụ già neo đơn, bệnh tật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Anh còn tranh thủ thời gian rảnh đến dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn và chăm sóc các cụ; có lúc anh chống nạn đi đến các chợ trên địa bàn huyện Duy Xuyên để xin tiền về giúp đỡ cho các cụ. Ngoài ra, nghe tin ở đâu có hoàn cảnh khó khăn, có bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo là anh không ngại gian khổ vượt đèo, băng suối đến để tìm hiểu, xác minh, ghi lại hoàn cảnh cụ thể. Khởi đầu là những bức ảnh, những câu chuyện được anh chia sẻ trên trang cá nhân, sau đó là làm video đơn giản, thực tế nêu rõ hoàn cảnh, tình trạng khó khăn thực sự của những mảnh đời bất hạnh vì phải mang bệnh nan y hay những đứa trẻ mồ côi cha, mẹ và những hoàn cảnh gặp khó khăn trong cuộc sống để đăng tải trên kênh Youtube của mình để mong cộng đồng mạng chung tay, góp chút tấm lòng nhân ái để giúp đỡ họ. Qua đó, khi những dòng comment trên facebook với nội dung ủng hộ cho anh/chị/cô/chú/bác… là lòng anh vui hơn và càng thấy việc làm của mình càng thêm ý nghĩa.
Với suy nghĩ làm thiện nguyện đó là việc làm tự nguyện, dựa trên niềm tin của cộng đồng nên việc đầu tiên và cần thiết nhất là phải minh bạch. Nếu làm từ thiện mà không minh bạch, thậm chí là lợi dụng để làm nổi tiếng thanh danh và trục lợi từ hoạt động này thì sẽ dẫn tới đổ vỡ niềm tin từ cộng đồng. Chính vì vậy mà tất cả số tiền của mỗi cá nhân ủng hộ cho mỗi trường hợp đều được anh ghi chép cẩn thận, rõ ràng, cụ thể vào sổ theo dõi và công khai trên face sau khi kết thúc việc trao quà ủng hộ cho mỗi đối tượng, từ đó mà các nhà hảo tâm, mạnh thường quân ủng hộ rất tin tưởng vào anh. Đôi khi anh vẫn nghe những lời nói nghi ngờ khi cho rằng ai sẽ kiểm soát, quản lý được số tiền được vận động khi mọi sự ủng hộ đều gửi trực tiếp vào tài khoản của anh và một mình anh thực hiện việc trao, gửi đến các trường hợp đó? Nhưng anh cho rằng mình làm thiện nguyện từ cái tâm trong sáng của mình với mong muốn nối những tấm lòng đến những số phận theo sự mách bảo của trái tim, không vì những lời nói đó mà từ bỏ ý nguyện giúp người, giúp đời được!
. Trao 60 xuất quà trị giá gần 50 triệu đồng cho bà con đồng bào dân tộc Mã Liềng, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Tính đến nay, anh đã làm được hơn 300 clip giúp người nghèo, trong đó có clip lượt xem với hơn 1 triệu người. Từ những clip đã được lan tỏa, nhiều mạnh thường quân trong nước và nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ cho hơn 200 hoàn cảnh; mỗi hoàn cảnh được giúp đỡ từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng đối với các bệnh nhân mắc các bệnh nan y, hiểm nghèo. Ngoài ra, với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống gần 3 năm qua, anh đã vận động, giúp đỡ cho hơn 500 trường hợp, mỗi trường hợp từ 2-3 triệu đồng để góp phần ổn định cuộc sống.
Điển hình như trường hợp của anh Trịnh Minh Đức ở Khối phố Phước Xuyên, Thị trấn Nam Phước bị bệnh ung thư xương hàm giai đoạn cuối, phải bán căn nhà để lo chi phí chạy chữa cho anh trong 10 năm qua, thông qua các clip đăng trên Youtube, anh Phi đã kêu gọi các mạnh thường quân trong và ngoài nước ủng hộ, giúp đỡ cho anh Đức với số tiền gần 40 triệu đồng để lo thuốc thang kéo dài thêm sự sống. Hay như trường hợp của ông Đinh Văn Lê ở thôn Phú Nham Đông, xã Duy Sơn cảnh gà trống nuôi 2 con ăn học nhưng lại bị bệnh gout không đi được, không có nhà ở phải cắm tạm một nhà tạm bợ trên mảnh đất của người bà con. Thấy hoàn cảnh thương tâm, anh đã tích cực kêu gọi, vận động được số tiền hơn 150 triệu đồng để giúp đỡ xây dựng căn nhà để ba cha con có chỗ trú mưa nắng. Cứ thế mà gần 3 năm qua, dấu chân của anh Phi đã in dấu trên khắp các vùng quê nghèo, vùng sâu vùng xa của các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Quảng Ngãi, ĐăkLăk, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên... của Miền Trung thân yêu. Rất nhiều cảnh đời éo le, bất hạnh, thật sự khó khăn ở nhiều địa phương được anh kết nối, giúp đỡ với số tiền vận động đến nay gần 3 tỷ đồng.
Từ những việc làm thiết thực mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của một chàng trai đầy nghị lực và có trái tim giàu lòng nhân ái, anh Phi đã được Huyện đoàn Duy Xuyên lựa chọn, đề nghị Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020; tác phẩm phóng sự ảnh “Thánh một chân- Lương Phi” nói về anh đã đạt giải Nhất giải thưởng Báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Quảng Nam lần thứ XIV (2019-2020). Và hơn hết, anh Lương Phi là một trong những minh chứng thiết phục nhất để khẳng định dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thân thể không lành lặn, nhưng chỉ cần có quyết tâm, nghị lực và có ước mơ hoài bão đủ lớn, chúng ta sẽ vượt qua được mọi trở ngại, khó khăn để đi đến thành công theo cách của riêng mình, đáng để mọi người học tập và noi theo./.
Thái Hằng