Nữ hộ lý Võ Thị Hải,
56 tuổi, Trung tâm y tế Duy Xuyên luôn nhận được sự yêu mến, cảm phục của mọi
người, bởi tinh thần tận tụy trong công việc, thái độ ân cần vui vẻ đối với
bệnh nhân.
Hầu như sản phụ nào
đến sinh tại Trung tâm tâm y tế Duy Xuyên đều rất hài lòng và quý mến chị Hải.
Là phụ nữ nên chị Hải rất đồng cảm với chị em trong những lúc vượt cạn. Bởi vậy,
chị luôn xem trọng sức khởe, cơn đau chuyển dạ của sản phụ như chính bản thân
mình vậy nên cố gắng không để xảy ra một sai sót nhỏ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ
sản phụ. Nhìn thấy cảnh sáng sớm chưa ăn lót dạ mà chị Hải đẩy xe đưa sản phụ
đi siêu âm hoặc lên phòng mổ... áo ướt sũng mồ hôi ai thấy cũng thương. Sản phụ
Võ Thị Thu Hoài, trú ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) đến sinh tại Trung tâm y tế
Duy Xuyên rất quý mến và cảm kích với tấm lòng của chị Hải kể: “ Nhiều lúc
người nhà chưa có mặt, chị Hải giúp chị Hoài bồng bé đi xin sữa hoặc để chị
Hoài ăn cơm”. Bác sỹ, Võ Đức Ánh, Trưởng khoa chăm sóc sức khoẻ sinh sản Trung
tâm y tế Duy Xuyên nhân xét: “Hộ lý Võ Thị Hải rất nhiệt tình, hiếm thấy người
nào như chị. Công việc của hộ lý vất vả nhưng chị làm rất chu toàn. Chị thức
dậy sớm và làm hết việc trong ngày mới nghỉ. Lắm lúc chị bị bệnh lên cơn sốt
vậy mà có sản phụ vào viện là cố gắng ngồi dậy để đẩy xe đưa bệnh nhân đi làm
xét nghiệm. Những ngày có nhiều sản phụ vào viện, ra viện, có buổi sáng chị
chuyển bằng xe đẩy không dưới mười người để làm các thủ tục yêu cầu trước khi
sinh và sau khi ra viện. Nữ hộ sinh trực đêm, đỡ đẻ mệt quá thay áo Blu chưa
kịp giặt, chị Hải không nề hà và giặt hộ cho các chị. Mọi người trong khoa rất
yêu quý chị và xem chị như người chị cả trong gia đình”.
Chị Hải chăm sóc sản phụ
Sinh ra ở vùng quê Duy
Nghĩa, tình cảnh gia đình của chị Võ Thị Hải thật lận đận. Có chồng ở tuổi 22,
chị sinh được hai đứa con (một gái, một trai). Những tưởng hạnh phúc mỉm cười
với chị, nào ngờ gặp phải người chồng bạc tình dứt áo đi theo người phụ nữ khác,
đánh đập chị tàn nhẫn, đắng lòng chị phải ly hôn. Và chị ở vậy nuôi con cho đến
bây giờ. Thời kỳ làm công điểm mà nuôi 2 con nhỏ vô cùng vất vả. Năm 1983, chị
Võ Thị Hải xin làm hộ lý ở trạm xá Duy Nghĩa, sau đó chuyển công tác về phòng khám
khu đông rồi làm hộ lý ở khoa chăm sóc sức khoẻ sinh sản Trung tâm y tế Duy
Xuyên. Khoa chăm sóc sức khoẻ sinh sản có tổng cộng 24 phòng bệnh và phòng làm
việc. Trước đây khoa có 2 hộ lý nhưng vẫn làm không xuể công việc quét dọn, vệ
sinh phòng bệnh và chuyển sản phụ làm
các xét nghiệm trước khi sinh và sau khi ra viện. Chị Võ Thị Hải được điều về
làm hộ lý vào cuối năm 2006, một mình chị, sức khoẻ lại không được ổn định, chị
bị bệnh dạ dày và bướu cổ nhưng với lòng nhiệt tình, trách nhiệm, chị luôn hoàn
thành xuất sắc công việc của người hộ lý được bệnh nhân quý mến, lãnh đạo, đồng
nghiệp tin yêu, cảm phục.
Công việc hộ lý cứ
nghĩ là bình thường, nhưng để làm tốt không phải ai cũng làm được. Chị Võ Thị
Hải tâm niệm là làm “hết việc chứ không phải hết ngày”. Những đêm có đến 4, 5
cas sinh, chị thức trắng đêm để làm công
việc của hộ lý. Nhiều sản phụ khi sinh kèm theo mửa, có khi còn tiểu tiện, máu,
chất dịch đổ ra sàn nhà tanh tưởi. Nhìn cảnh tượng này, không ít người nhà của
sản phụ thấy cũng ngại, tránh xa, nhưng chị
Hải không ngại khó, ngại khổ, chăm sóc sản phụ chu đáo. Chỉ có những người như
chị Hải, xem bệnh viện như nhà của mình và xem bệnh nhân như người thân của
mình mới làm tốt công việc như vậy. Thời
gian làm việc của hộ lý trong giờ hành chính, nhưng chị Hải suy nghĩ : “Nếu
nghỉ làm đêm và ngày thứ bảy, chủ nhật thì phòng sinh bị hôi hám, không đảm bảo
vệ sinh cho sản phụ, thôi thì mình ráng thức khuya, hoặc ở lại thứ bảy, chủ
nhật làm công việc để khoa được sạch sẽ”.
Thường ngày chị Võ Thị
Hải dậy từ 4 giờ sáng để vệ sinh nền nhà, lau chùi cửa kính, quét dọn sạch sẽ
phòng sinh, phòng bệnh nhân, phòng làm việc của y, Bác sỹ trước khi bàn giao ca
trực mới. Xong chị quay sang giặc giũ giường, chiếu, dọn cỏ quanh khu vực khoa
sạch sẽ. Chị Hải kể, năm 2007, nếu chậm chừng 10 phút nữa là chị mất mạng vì
bệnh ruột thừa. Trước đó, chị thấy đau ở phần bụng, có lúc đau thắt một hồi rồi
hết, chị nghĩ cố chịu đựng, rồi nghĩ bụng sẽ khỏi. Nào ngờ cơn đau ngày càng
tiến triển dữ dội, chị ngã qụy xuống nền trong lúc đang lau sàn nhà. Mọi người
dìu chị lên phòng khám thì phát hiện chị đau ruột thừa nhưng để quá lâu đã đến
giai đoạn vỡ mủ. Bình thường sau khi mổ ruột thừa chỉ sau 1 tuần là bệnh nhân
hồi phục sức khoẻ nhưng với chị phải điều trị hơn nửa tháng sức khoẻ mới bình
phục.
Chị Hải chăm sóc cho trẻ sơ sinh
Tấm gương tận tuỵ hết
lòng vì công việc của chị Võ Thị Hải, hộ lý Trung tâm y tế Duy Xuyên đáng được
trân trọng. Việc làm của chị tuy không lớn nhưng chị đã học theo tấm gương của Bác
về tinh thần tận tuỵ hết lòng vì công việc./.