Ở cái xóm Vạn Buồng, thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, ngày nào bà con cũng thấy ông Nguyễn Tráng dậy rất sớm lo chăm sóc người con bị bại liệt nằm một chỗ, để còn thời gian ra đồng và lo công việc chung của xóm làng.
Những công việc, ông Tráng lo cho bà con ở cái xóm Vạn Buồng rất nhiều và rất cụ thể, thiết thực. Chẳng hạn chuyện ông Tráng giúp gia đình bà Nguyễn Thị Lập ở trong xóm xóa nhà tranh tre dột nát là chuyện mà bà con xóm Vạn Buồng ai cũng biết. Hộ bà Lập được xã đưa vào danh sách hỗ trợ xoá nhà tạm, nhưng bà không nhận, vì không có tiền để làm nhà. Thấu hiểu hoàn cảnh nghèo khó của bà Lập,ông Tráng đứng ra vận động bà con giúp công lao động và hỗ trợ tiền mua thêm vật liệu để bà Lập có điều kiện làm nhà. Nhờ sự giúp đỡ chí tình của bà con và ông Tráng mà bà Lập đã xây được ngôi nhà mới khang trang, không còn cảnh mưa dột, gió lùa như trước.
Xóm Vạn Buồng, thôn Phú Bông, xã Duy Trinh có 82 hộ gia đình, với trên 200 nhân khẩu. Xóm bị dòng sông Bến Giá- một nhánh của sông Thu Bồn chia cắt với trung tâm xã, nên xóm Vạn Buồng còn được gọi là “xóm mồ côi”. Từ bao đời nay, vào mùa nắng bà con đi lại qua sông Bến Giá bằng chiếc cầu tạm bằng tre, mùa mưa nước sông dâng cao phải đi lại bằng ghe rất nguy hiểm. Trẻ em vì thế mà phải nghỉ học.
Trăn trở trước nỗi khó khăn, khổ nhọc của bà con, năm 2002 ông Nguyễn Tráng với tư cách là tổ trưởng Tổ đoàn kết mạnh dạn đề nghị huyện cho phép vận dụng cơ chế 19 của tỉnh về hỗ trợ kinh phí bê tông hóa giao thông nông thôn và vận động bà con quê hương sinh sống các nơi giúp tiền mua thùng phuy nhựa làm chiếc cầu phao dài 80 mét bắt qua sông Bến Giá, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, làm ăn.
Nhưng đến năm 2006 trận lũ lớn đã cuốn trôi mất chiếc cầu. Không thể khoanh tay đứng nhìn cảnh bà con qua sông lụy đò, năm ngoái và năm kia, ông Tráng lại lặn lội vào thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi bà con đồng hương ủng hộ tiền để làm cầu bê tông vượt sông Bến Giá. Đáp lại tấm lòng hết mình vì bà con xóm Vạn Buồng của ông Tráng, ông Trần Ba-một doanh nhân làm ăn thành đạt và nhiều bà con đồng hương ở thành phố Hồ Chí Minh gởi về quê được gần 1,2 tỷ đồng. Có tiền, đầu năm nay, ông Tráng thuê khảo sát, lập thiết kế trình nhà nước phê duyệt và hợp đồng với công ty xây dựng Trường Hồng Hải thi công cây cầu bê tông, với quy mô 11 nhịp, dài 84 mét, rộng 3,5 mét. Đơn vị nhận thầu đang khẩn trương thi công để kịp hoàn thành trước mùa mưa lụt năm nay. Còn 2 đường dẫn vào cầu, mỗi bên dài 200 mét không có tiền để đổ bê tông, ông Tráng lại bươn bả xin kinh phí của huyện. Các đồng chí lãnh đạo huyện hứa hỗ trợ 200 triệu đồng và ông vận động bà con xóm Vạn Buồng đóng góp để đổ bê tông hai đường dẫn vào cầu. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà con đều tự nguyện đóng góp mỗi hộ 2,5 triệu đồng.
Không chỉ những người cao tuổi, mà tất cả mọi người ở xóm Vạn Buồng, thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, mỗi khi nói về ông Nguyễn Tráng đều tỏ lòng kính trọng và khâm phục. Ông còn là người đầu tiên khởi xướng, vận động bà con cải tạo vùng đất gò khô cằn nằm cuối xóm, mỗi năm sản xuất một vụ bắp, một lúa nước trời kém hiệu quả thành cánh đồng bằng phẳng rộng 12 ha, lắp đặt trạm bơm chủ động nước tưới, sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc/ năm. Cánh đồng này được ghi trong sổ bộ địa chính của xã Duy Trinh với tên gọi là “ Xứ đồng ông Tráng”.
Không chỉ có vậy, ông Nguyễn Tráng còn là người đi đầu trồng bói, trồng dâu, trồng tre ven sông chống xói lở đất do lũ lụt, bảo vệ đất sản xuất và khu dân cư. Ông Tráng vận động nhân dân hưởng ứng chủ trương bê tông hoá giao thông nông thôn của nhà nước, đóng góp công lao động, tiền của lót bê tông toàn bộ 3,5 km đường giao thông trong xóm, kéo gần 4 km đường dây điện ra tận ruộng, sử dụng bơm nước tưới cho cây màu, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất gấp nhiều lần.
Tại hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do huyện tổ chức, ông Nguyễn Tráng được mời lên báo cáo điển hình. Mọi người chăm chú nghe ông già 81 tuổi khiêm tốn kể về những việc mình đã làm. Việc ông làm tưởng chừng chuyện bình thường nhưng đem lại lợi ích thiết thực cho bà con xóm Vạn Buồng, xã Duy Trinh.