Hội chợ sản phẩm
làng nghề từ sự kiện “Giới thiệu sản phẩm dự án và kết nối các thành phần kinh
tế địa phương” tại Duy Xuyên vừa kết thúc, mở ra một thông điệp rất hay về
việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Từ những sản phẩm của các làng nghề, câu
chuyện về gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa trở nên sống động.
Mỗi sản phẩm thủ công đều mang đặc trưng của
vùng đất hình thành nên nó. Từ những ngôi làng ven sông với vốn văn hóa lâu
đời, các làng nghề ở Duy Xuyên lưu giữ đủ đầy cái vốn liếng quý giá ấy. Những
chiếc chiếu cói bên sông Bàn Thạch, hay cái bánh in, bánh dẻo với vị ngọt từ
làng An Lạc, cái mùi nước mắm thơm nồng của ngư dân Duy Hải… tất cả làm nên hồn
quê xứ của người Duy Xuyên. Lần thứ 2 tổ chức hội chợ làng nghề như vậy, nhưng
người Duy Xuyên vẫn rất hào hứng – như cái lần đầu tiên vào năm 2012. Có 14 gian
hàng trên tổng số 25, với tất cả sản phẩm được làm ra từ địa phương, chỉ với
mong muốn người địa phương sẽ dùng hàng tại quê hương mình làm ra. Những người
có tuổi, đã đôi ba lần đi đây đó, tham dự vài phiên hội chợ ở các nơi, vẫn rất
tự tin rằng không đâu sản phẩm nguyên chất như hội chợ quê mình. Bởi những sản
phẩm tại đây đều do những bàn tay cần mẫn của nông dân làm ra. “Ông cha mình ở
cái đất này đã làm nên nhiều nghề, với rất nhiều sản phẩm từ đôi bàn tay thô
mộc. Giữ lại nghề và tiếp tục làm nó phát triển bằng những sản phẩm cải tiến,
phù hợp với cuộc sống hiện tại, để cái nghề gia truyền sống được chính là phần
nào đấy đền đáp công ơn người đi trước” - anh Nguyễn Văn Thành, người dân làng
nghề dệt chiếu cói An Phước (Duy Phước, Duy Xuyên) chia sẻ.
Thực tế cho thấy, mỗi sản phẩm thủ công đều
chất chứa những chiều sâu văn hóa đặc trưng của vùng đất hình thành nên nó. Với
người dân Duy Xuyên, bãi biền Thu Bồn cùng những nguyên liệu tại địa phương sản
xuất được, những sản phẩm làng nghề ở đây phần lớn gắn liền với giá trị tiêu
dùng hơn là giá trị về mặt nghệ thuật. Và nó là thứ văn hóa hồn hậu lâu đời của
vùng quê Việt. Trong một hội thảo cách đây không lâu do tổ chức Lao động quốc
tế (ILO) phối hợp với Sở VH-TT&DL, những truyền thống hiếm có chỉ được tìm
thấy ở Quảng Nam, hiếm có bởi chiều sâu của sự tinh xảo và chiều rộng của kỹ
năng được thể hiện bởi các nghệ nhân làng nghề tại địa phương. Truyền thống làm
nghề mộc và đồ gốm có thể tồn tại đến ngày nay chỉ nhờ truyền miệng trong gia
đình. Các sản phẩm này thường dùng nguyên liệu tự nhiên trong vùng. Con người
chân thực với văn hóa cộng đồng không thay đổi qua nhiều thế kỷ, đem lại cảm
giác ấm áp và cởi mở với khách thập phương.
Hội chợ sản phẩm làng nghề tại Duy Xuyên lần
này cũng như nhiều hội chợ làng nghề khác diễn ra ở các địa phương, với mong
muốn lớn nhất từ phía những người tổ chức là kích thích thương mại ngay tại nơi
tạo ra sản phẩm, theo mục tiêu “Người Việt dùng hàng Việt”. Ông Trần Văn Tú
(trú thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) nói rất thật trong buổi hội chợ rằng “mình
là người dân ở đây mà đến hôm nay mới biết quê hương mình cũng có nhiều sản
phẩm dùng được đến như vậy, thật hay!”. Sự vào cuộc, kết hợp của thương mại và
văn hóa sẽ làm nên chỗ đứng cho các sản phẩm làng nghề, đồng thời tôn vinh các
giá trị văn hóa lâu đời. Làng nghề truyền thống ở Quảng Nam là một biểu tượng
đáng tự hào về di sản văn hóa của các nghệ nhân, các ngôi làng cũng như cả vùng
đất này. Tính cách riêng, truyền thống cũng như kỹ thuật của các nghệ nhân địa
phương đã được gìn giữ tương đối nguyên vẹn từ thế kỷ XVI. Các sản phẩm thủ
công mỹ nghệ từ làng nghề truyền thống của Quảng Nam có những “tài sản thương
hiệu” vô cùng quý giá như: bề dày văn hóa lịch sử với hai di sản thế giới Hội
An, Mỹ Sơn, các di tích Chăm… Các làng nghề có kỹ năng truyền thống, đa dạng
văn hóa như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, dệt thổ cẩm…
Từ những “tài sản thương hiệu” tạo nên sự độc
đáo của sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Quảng Nam, ở khía cạnh những người nghiên
cứu văn hóa, các nhà văn hóa cho rằng, đối tượng gìn giữ văn hóa tốt nhất chính
là chủ thể sáng tạo ra nó. Còn phía người quản lý, ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám
đốc Sở VH-TT&DL cho rằng những sản phẩm thủ công sản xuất tại Quảng Nam rất
cần phải xây dựng thương hiệu khi họ phải cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất
hàng loạt khác. “ILO và UNESCO đã cùng tiến hành nghiên cứu vấn đề này
nhằm hỗ trợ tỉnh phát triển một cơ chế quản lý thương hiệu thích hợp. Có thương
hiệu sản phẩm, nhưng không xây dựng được cơ chế quản lý thương hiệu thì việc
quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng như không. Đây là một phần việc cực kỳ
quan trọng trong hành trình gìn giữ văn hóa truyền thống từ các làng nghề thủ
công. Đồng thời có thương hiệu cho sản phẩm làng nghề thì thu nhập của các nghệ
nhân làng nghề cũng sẽ tăng lên đáng kể khiến họ nhiệt tâm với nghề hơn” - ông
Cường thông tin.
Vấn đề cần thiết hiện nay cho các sản phẩm
thủ công và giá trị văn hóa ẩn trong lòng những tác phẩm này, chính là họ cần
phải có một kênh quảng bá cho chính những sản phẩm của mình. Đó có thể là một
hội chợ đúng nghĩa sản phẩm làng nghề, hay những tour du lịch làng nghề nghiêm
túc để người dân làng nghề có thể vừa bảo tồn, vừa phát huy làm giàu thêm các
tài nguyên văn hóa, xã hội và môi trường.
Song Anh( Báo Quảng Nam)