A+ A A-

Nối nhịp Thu Bồn

Ngày 25.3, cầu Giao Thủy sẽ chính thức được UBND tỉnh khởi công xây dựng. Từ đây đôi bờ sông Thu Bồn sẽ được nối nhịp, những chuyến đò ngang chòng chành trên sóng nước mênh mông sẽ chỉ còn là quá khứ…
 Ước mơ thành hiện thực
 
 Hình ảnh bến đò Giao Thủy trên con sông Thu Bồn nối đôi bờ xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc) và xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) đã đi vào tâm thức của nhiều thế hệ người dân nơi đây. Bởi hàng ngày, trên những chuyến đò ngang chòng chành sóng nước, hàng trăm lượt người và phương tiện vẫn qua lại để mưu sinh. Đi trên những chuyến đò ngang ấy vào những ngày mưa lũ, nhiều người không khỏi lo lắng vì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi đó, bến Giao Thủy được xem là nơi hợp lưu giữa hai dòng sông Vu Gia và Thu Bồn, lòng sông rộng và nước chảy xiết, vì thế mà nguy hiểm luôn rình rập các chuyến đò ngang.
Xây dựng cây cầu nối nhịp đôi bờ là mơ ước của nhân dân ở 4 huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc. Theo người dân địa phương, trước kia đã có cây cầu được làm bằng gỗ, do chính quyền Sài Gòn xây dựng trước năm 1975 để phát triển kinh tế, khai thác mỏ than Nông Sơn và Khu kỹ nghệ An Hòa, đồng thời phục vụ mục tiêu chiến tranh. Do khói lửa đạn bom, mưa lũ, cây cầu đã bị phá hủy, sập đổ, hiện nay chỉ còn lại một số cọc gỗ dầu. Giao thông đôi bờ bị chia cắt hoàn toàn, nhân dân trong vùng muốn đi lại phải lênh đênh bằng đò ngang, rất khó khăn và nguy hiểm trong mùa mưa lũ. Ông Nguyễn Thái (sinh năm 1949, thôn Quảng Huế, xã Đại An, Đại Lộc) tâm sự: “Lâu nay, bên này sông, có việc gì bên kia là phải đi đò ngang. Hàng ngày, có nhiều học sinh, người lớn đi làm đều phải qua đò ngang. Dĩ nhiên là người dân hầu hết đều biết bơi, nên mới dám đi đò ngang. Cử tri nhiều lần cũng kiến nghị, nhưng biết lúc còn khó khăn thì không thể nào xây cây cầu lớn như thế được. Bây giờ có được cây cầu Giao Thủy thật đúng là ước mơ thành hiện thực, nhân dân vui mừng không thể diễn tả hết”.
 
                                      alt
Cùng chung tâm trạng như ông Thái, ông Trương Hùng Phong (sinh năm 1979, thôn Hòa Thạch, xã Đại Hòa, Đại Lộc) nói: “Từ khi sinh ra đến nay, tôi chỉ thấy và biết bến đò Giao Thủy, còn mấy cái cọc bằng gỗ còn lại của cây cầu xưa thì vẫn thấy đó, nhưng có biết hình dáng cây cầu nó ra sao. Nhiều năm qua, đôi khi không dám nghĩ sẽ có một cây cầu nối liền đôi bờ sông bởi dân mình còn nghèo, đoạn sông này lại quá dài, nếu xây cầu có thể sẽ tốn kém. Nhưng nay thấy công trường đã bắt đầu nhộn nhịp, lòng người dân cũng chộn rộn theo. Chỉ còn mấy ngày nữa thì lễ khởi công cây cầu sẽ diễn ra, tôi chắc một điều rằng người dân lâu nay đi trên những chuyến đò ngang đều có mặt để chứng kiến giờ phút mà họ mong đợi bấy lâu nay. Đây quả là niềm vui lớn cho người dân đôi bờ Thu Bồn”.

Nối liền đôi bờ

Ngày 25.3, cầu Giao Thủy sẽ chính thức được UBND tỉnh khởi công xây dựng sau 40 năm giải phóng quê hương. Ông Nguyễn Như Công - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư dự án), cho biết, cầu Giao Thủy bắc ngang sông Thu Bồn nằm trên tuyến đường huyết mạch nối tuyến tỉnh lộ ĐT609B với tuyến ĐT610, khi xây dựng hoàn thành sẽ khớp nối lưu thông 4 huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc của tỉnh với TP.Đà Nẵng. Có cây cầu sẽ tạo điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đất phía tây Quảng Nam để phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Cầu Giao Thủy cũng đáp ứng nhu cầu giao thông bức thiết, nối đôi bờ sông Thu Bồn, phục vụ nhân dân đi lại và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai, bão lũ xảy ra, kết hợp với nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng.

Cầu Giao Thủy đã được UBND tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện từ năm 2011, được Chính phủ đồng ý đưa vào danh mục các dự án được hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương trong năm 2012. Nhưng do thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24.2.2011 của Chính phủ về thắt chặt đầu tư công nên công trình chưa được bố trí nguồn vốn đầu tư. Đến tháng 9.2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thống nhất cho phép đầu tư và bố trí vốn đầu tư xây dựng cầu Giao Thủy trong một buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh. Cầu Giao Thủy được thống nhất tổng mức đầu tư 823,27 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương (80% giá trị xây lắp và không quá 500 tỷ đồng), ngân sách địa phương theo kế hoạch bố trí vốn hàng năm và các nguồn huy động hợp pháp khác. Dự án này sẽ được triển khai từ năm 2015 - 2020, gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ xây dựng cầu Giao Thủy và đường hai đầu cầu phía huyện Đại Lộc và Duy Xuyên, giai đoạn 2 đầu tư xây dựng đoạn tuyến còn lại phía huyện Đại Lộc. Cầu Giao Thủy có điểm đầu tuyến tại ngã tư Ái Nghĩa (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc), điểm cuối tuyến giáp nối đường ĐT610 (huyện Duy Xuyên) với tổng chiều dài hơn 1.002m.

LÊ DIỄM

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19822057
Hôm nay
Hôm qua
4619
12811