A+ A A-

Kinh tế hợp tác: Đa dạng loại hình dịch vụ

    Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Duy Xuyên không ngừng mở rộng các loại hình dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Qua đó, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững và thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới...

   Hướng chủ lực

   Những ngày qua bà con xã viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Duy Hòa 2 (gọi tắt là HTX Duy Hòa 2) tập trung bón phân, phun thuốc phòng trừ các loại sâu bệnh nguy hiểm trên cây lúa đông xuân chính vụ. Ông Nguyễn Hoàng - người dân ở thôn Vĩnh Trinh cho biết: “Gia đình tôi có tổng cộng 7 sào lúa, trong đó hơn 70% diện tích nằm trên cánh đồng Đồng Nam này. Vụ đông xuân năm nay, ngoài việc canh tác một số loại giống lúa thuần nhằm đảm bảo lương thực thì tôi còn liên kết với doanh nghiệp sản xuất hơn 4 sào lúa giống chất lượng cao như Thiên ưu 8, Q.Nam 9, theo phương thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mặc dù thời gian qua thời tiết có phần bất lợi nhưng nhờ thực hiện bài bản quy trình kỹ thuật do cơ quan chuyên môn hướng dẫn nên hứa hẹn năng suất lúa không thua kém vụ trước và đáp ứng được yêu cầu về chất lượng hạt giống của doanh nghiệp. Nhìn chung, qua 6 năm tham gia sản xuất lúa giống, tôi thấy hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao, tăng khoảng 20 - 30% so với canh tác lúa thương phẩm”.

   

 

   Không riêng gì ông Hoàng, hơn 10 năm nay hàng trăm hộ xã viên của HTX Duy Hòa 2 cũng có nguồn thu nhập đáng kể từ việc tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Phước Thạnh – thành viên Ban Giám đốc HTX Duy Hòa 2 cho biết, những năm qua đơn vị thường xuyên phối hợp với ngành chức năng ở huyện tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất thử nghiệm những loại giống lúa mới có triển vọng, đầu tư mua sắm nhiều công cụ sạ hàng để phục vụ việc xuống giống trên các cánh đồng mẫu. Đặc biệt, đơn vị luôn duy trì mối liên doanh liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty Giống cây trồng Bắc Ninh, Công ty Giống cây trồng Quảng Ninh... Ông Thạnh nói: “Hiện nay HTX Duy Hòa 2 có 240ha đất lúa, trong đó hơn 45% diện tích sản xuất lúa giống hàng hóa. Bình quân mỗi vụ chúng tôi cung ứng cho các doanh nghiệp hơn 300 tấn lúa giống các loại. Thực tế cho thấy, cứ 1ha đất sản xuất lúa giống, bà con xã viên nơi đây thu lãi khoảng 40 triệu đồng, tăng gấp đôi so với làm thóc thịt”.

Nhiều HTX và tổ hợp tác ở Duy Xuyên góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông nhàn. Ảnh: HOÀI NHI   

Nhiều HTX và tổ hợp tác ở Duy Xuyên góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông nhàn. Ảnh: HOÀI NHI   

   Trong khi đó, ông Lê Trung Nam - Giám đốc HTX Nông nghiệp Duy Phước cho biết, hiện mỗi vụ bà con xã viên canh tác 520ha lúa, tất cả đều chủ động nguồn nước tưới. Trong đó, có khoảng 10% diện tích bố trí sản xuất lúa giống hàng hóa trên các cánh đồng đã thực hiện xong khâu dồn điền đổi thửa và hình thành mô hình cánh đồng mẫu. “Trước hiệu quả kinh tế tương đối cao từ việc liên kết sản xuất lúa giống, chúng tôi đang lập tờ trình đề nghị ngành cấp trên cho thuê lại khu đất rộng 2.500m2 nằm ở phía dưới UBND xã Duy Phước để xây dựng sân phơi, lò sấy, nhà kho nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết để mở rộng diện tích sản xuất giống lúa. Sau đó, HTX sẽ đứng ra thu mua lúa giống tươi chứ không phải lúa giống khô như các năm trước, rồi tiến hành phơi sấy tại chỗ, đóng bao bì và giao nhập cho các công ty giống. Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng và tổ chức thực hiện thí điểm dịch vụ bảo vệ thực vật trên cây lúa từ khi gieo sạ đến lúc thu hoạch, từng bước đáp ứng yêu cầu về năng suất, chất lượng do phía đối tác yêu cầu. Trước hết, sẽ chọn 2 thôn Câu Lâu Đông và Hòa Bình làm điểm, sau đó nhân rộng ra toàn xã” - ông Nam nói.

   Liên kết, thêm nhiều dịch vụ

   Xác định thủy lợi là khâu hết sức quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp, thời gian qua các HTX trên địa bàn huyện Duy Xuyên tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hồ đập, kênh mương. Bà Lê Thị Hằng - Phó Giám đốc HTX Duy Hòa 2 cho biết, trước khi bước vào vụ đông xuân 2015 - 2016 này, đơn vị tiến hành thi công hoàn thành 1.500m kênh mương ở thôn Vĩnh Trinh nhằm đảm bảo phục vụ nước tưới cho 35ha lúa. Tổng kinh phí đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 70%, phần còn lại do HTX và nhân dân đóng góp. Bà Hằng chia sẻ: “Trong 5 năm qua, HTX đã kiên cố hóa được 6km kênh mương tưới tiêu và tu sửa trạm bơm điện để đảm bảo cung ứng nước tưới cho toàn bộ diện tích đất sản xuất lúa của bà con nông dân. Cùng với đó, đơn vị đẩy mạnh dịch vụ cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể là trước mỗi vụ, chúng tôi đứng ra ký kết hợp đồng với Công ty Phân bón Sao Việt đóng tại tỉnh Quảng Bình mua 30 tấn phân về bán nợ cho nhà nông. Đến khi thu hoạch, chúng tôi khấu trừ từ việc bán lúa giống của xã viên và hoàn trả tiền cho doanh nghiệp”.

   Ông Phạm Đình Xuân – Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, toàn huyện hiện có 12 HTX nông nghiệp. Nếu trước đây hầu hết đơn vị chỉ quanh quẩn thực hiện dịch vụ khuyến nông thì giờ đây đã chủ động mở thêm các loại hình dịch vụ mới như thu gom rác thải, cung ứng nước sạch, điện… tạo sự gắn kết bền vững giữa xã viên với HTX, qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Xuân nói: “Có thể khẳng định, các HTX là yếu tố và động lực cơ bản trên hành trình đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện cho người dân và đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đến nay huyện Duy Xuyên có 4 xã về đích nông thôn mới gồm Duy Hòa, Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Phước. Từ nay đến năm 2018, địa phương phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Duy Châu, Duy Trung, Duy Thành, Duy Vinh”Trong khi đó, lãnh đạo HTX Nông nghiệp Duy Thành cho biết, việc thực hiện tổng hợp các khâu dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp chính là sự tồn tại và phát triển của đơn vị. Vì vậy, trong quá trình hoạt động, HTX không ngừng hoàn thiện đồng bộ các khâu làm đất, cung ứng phân bón, thủy lợi, thu hoạch… Theo ông Hồ Điền - Giám đốc HTX Nông nghiệp Duy Thành, thời gian qua đơn vị tích cực triển khai thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, từng bước khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, tạo thuận lợi đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện nay HTX này quản lý 28 chiếc xe máy cày công suất lớn để thực hiện dịch vụ làm đất. Căn cứ vào diện tích của từng đội sản xuất, đơn vị làm hợp đồng giao khoán cho thành viên đảm nhận cày lồng cả năm. HTX thu của hộ xã viên mỗi sào 140 nghìn đồng/vụ và sau khi trừ phí quản lý 6% thì chi trả số tiền còn lại cho chủ xe. Khâu làm đất được HTX quản lý, điều hành đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, lịch gieo sạ và đơn giá thu trên một sào giảm hơn so với bên ngoài 10 - 15%. Đi kèm với đó, HTX quyết định đầu tư mua 1 chiếc máy gặt đập liên hợp và liên kết với người dân sử dụng 12 máy khác phục vụ cho các hộ thành viên và nhân dân. Đồng thời HTX đứng ra quản lý, vận hành phục vụ việc thu hoạch đảm bảo kịp thời, hạn chế thiệt hại do thiên tai và giải phóng sức lao động cho người dân. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Duy Thành đạt 100%. Đặc biệt, năng suất lúa hàng năm đều tăng. Cụ thể, năm 2015 năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha, cao nhất huyện, tăng 12 tạ/ha so với năm 2010 trở về trước. Không chỉ vậy, những năm gần đây HTX còn thực hiện dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt cho gần 900 hộ dân của 3 thôn Thi Thại, An Lạc, Nhơn Bồi với mục đích vừa giải quyết bài toán khát nước sạch cho nhân dân vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho đơn vị.

  Còn ông Phạm Văn Du - Giám đốc HTX Duy Sơn II  cho hay, hiện nay ngoài các dịch vụ hỗ trợ xã viên trong sản xuất nông nghiệp như thủy lợi, bảo vệ thực vật, bố trí cơ cấu mùa vụ, canh tác lúa giống hàng hóa thì HTX còn đầu tư làm dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Cạnh đó, HTX cũng đảm nhận dịch vụ cung cấp điện cho 4.000 hộ dân và nước sinh hoạt cho 800 gia đình trên địa bàn xã. Qua những dịch vụ sản xuất - kinh doanh này, đơn vị tạo thêm công ăn việc làm cho 52 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 2,7 triệu đồng/người/tháng, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang nhóm công nghiệp - dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

HOÀI NHI

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19830313
Hôm nay
Hôm qua
12875
12811