Ngày 30/3/2021, UBND ban hành công điện về việc khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Công điện chỉ rõ: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xảy ra ở 1 hộ tại xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn vào ngày 5/3/2021, nguyên nhân là do mua bò tại các cơ sở mua bán con giống vật nuôi không đảm bảo điều kiện theo quy định. Đến ngày 26/3/2021, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã lây lan trong quần thể trâu, bò tại địa phương và lây lan sang các địa phương khác, làm mắc bệnh 10 con bò của 8 hộ ở 6 thôn, 3 địa phương: Điện Phước, Điện Thọ, Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, số bò mắc bệnh tiêu hủy là 5 con. Đây là bệnh mới, do vi rút gây ra, đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng hút máu; bệnh cũng có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa trâu, bò bệnh và trâu, bò khỏe mạnh, do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch, dùng chung kim tiêm giữa các con vật trong quá trình điều trị bệnh. Động vật mẫn cảm với vi rút viêm da nổi cục là trâu, bò; thời gian ủ bệnh trung bình khoảng từ 4 ngày đến 14 ngày, tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10% đến 20%, tỷ lệ chết khoảng 1-5%. Nguy cơ bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò phát sinh và lây lan ra diện rộng là rất lớn. Để chủ động phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan ra diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, ngành có liên quan khẩn trương phối hợp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò; trong đó, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể: Đối với xã, thị trấn có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh viêm da nổi cục, có trâu, bò có biểu hiện của bệnh viêm da nổi cục; tập trung mọi lực lượng nhanh chóng bao vây khống chế dịch. Tổ chức cách ly toàn bộ trâu, bò chưa có biểu hiện của bệnh viêm da nổi cục và có biện pháp ngăn chặn không cho côn trùng hút máu tiếp xúc; trâu, bò, dê mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải nuôi nhốt cố định, không chăn thả tự do, bổ sung chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho gia súc. Tổ chức tiêu hủy bắt buộc trâu, bò có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh viêm da nổi cục, trâu, bò mắc bệnh trong ổ dịch đầu tiên khi mới xuất hiện tại xã để giảm thiểu nguy cơ lây lan. UBND cấp huyện xử lý trâu, bò mắc bệnh tùy theo diễn biến dịch, mức độ lây lan của dịch nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và ngân sách Nhà nước. Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có trâu, bò bị bệnh. Kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch; quản lý chặt chẽ trâu, bò mắc bệnh đã khỏi bệnh về lâm sàng; thành lập Đội kiểm soát lưu động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ đàn trâu, bò trên địa bàn xã (phường, thị trấn) đã phát hiện có bệnh viêm da nổi cục: lập cam kết các hộ chăn nuôi trâu, bò không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác trâu, bò chết, trâu, bò bệnh ra môi trường; xây dựng kế hoạch, đăng ký vắc xin, bố trí kinh phí để tiêm phòng khẩn cấp chống dịch.
Hoàng Thơ