Nhận thấy thị trường tiêu thụ ốc bươu đen có tiềm năng, chị Mai Thị Thu Sương (xã Duy Phú, Duy Xuyên) đã thực hiện mô hình nuôi ốc bươu đen, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khả quan.
Chị Sương giới thiệu món chả ốc trong ống trúc.
Chị Sương cho biết, sau thời gian rời quê ra sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, bản thân nhận thấy không thích hợp với môi trường ở thành phố nên quyết định trở về.
Đầu năm 2019 chị về quê cải tạo 2.500m2 đất ao hồ của gia đình để nuôi ốc bươu đen. Ban đầu, chị đặt mua vài ký ốc của người dân địa phương bắt được ở khe suối, ruộng đồng về thả nuôi. Song loài ốc này chậm lớn, năng suất lại không cao.
Tháng 4/2019, chị Sương khăn gói vào miền Tây tham quan và học hỏi mô hình nuôi ốc của người dân nơi đây. Sau chuyến đi, chị đầu tư 200 triệu đồng xây dựng ao hồ, làm mái che và đặt mua 20kg trứng ốc mang về tự ấp thủ công và tỷ lệ nở khá thành công.
“Do không có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên khi chuyển sang làm nông dân khiến tôi gặp nhiều khó khăn về khâu kỹ thuật và chăm sóc con giống. Sau thất bại ban đầu và chịu khó tham quan, học hỏi mô hình khác đã giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm, mô hình đem lại hiệu quả ngày càng cao” - chị Sương chia sẻ.
Đến nay, mô hình nuôi ốc bươu đen của chị Sương đã đem lại thu nhập ổn định. Mỗi tháng chị xuất bán ra thị trường hơn 100kg ốc thịt, ốc giống. Chị còn chế biến ra nhiều sản phẩm từ thịt ốc như ốc hun khói, chả ốc trong ống trúc... để cung cấp cho các nhà hàng, tiệc cưới, quán ăn….Thị trường tiêu thụ ốc giống và sản phẩm làm từ ốc chủ yếu ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Đắk Lắk. Ngoài đem lại thu nhập ổn định, cơ sở của chị Sương còn tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn của thị trường, chị Sương đang cải tạo mở rộng ao hồ lên diện tích hơn 4000m² để thả nuôi ốc; đồng thời nghiên cứu, học hỏi chế biến thêm nhiều sản phẩm từ thịt ốc.
Tác giả: Thảo Viên