A+ A A-

Hiện thực hóa giấc mơ "Dòng sông lụa"

            Gần 20ha dâu được trồng trên bãi bồi Đông Khương (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) đã nhú mầm xanh, mở ra những kỳ vọng phục hồi làng nghề dâu tằm truyền thống Quảng Nam. Giấc mơ về “Dòng sông lụa” Thu Bồn - Vu Gia đang dần trở thành hiện thực.

          Việc triển khai dự án “Dòng sông lụa” không chỉ khôi phục nguồn nguyên liệu cho nghề dâu tằm mà còn góp phần phát triển du lịch. Ảnh: V.L

          Việc triển khai dự án “Dòng sông lụa” không chỉ khôi phục nguồn nguyên liệu cho nghề dâu tằm mà còn góp phần phát triển du lịch. Ảnh: V.L

             Màu xanh của tương lai

          Ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam hướng ống kính máy ảnh về phía bãi đất dưới cầu Câu Lâu, nơi những cây dâu con đã mơn mởn lá xanh. Ông muốn ghi lại khoảnh khắc này. Cồn đất Đông Khương sẽ là nơi khởi đầu cho giấc mơ “Dòng sông lụa” ông ấp ủ bao lâu nay.  

          Từ năm 2018, đề án “Dòng sông lụa” với trục chính là 2 bên lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn chảy qua Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, tổng diện tích gần 2.000ha đã được Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam xúc tiến triển khai với tham vọng làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, đưa Quảng Nam trở thành “thủ phủ” tơ lụa trong tương lai.

          Để hiện thực mục tiêu này, thời gian qua, công ty phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các địa phương Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên khảo sát thực tế, tìm vùng nguyên liệu. Bước đầu, phối hợp với Hợp tác xã Điện Quang (Điện Bàn) và Viện Nghiên cứu dâu, tằm, tơ trung ương trồng dâu, nuôi tằm thí điểm tại vùng Gò Nổi, kết quả khá khả quan.

          Thành công ban đầu đã tạo động lực để công ty tiếp tục mở rộng diện tích từ 5ha lên 12ha, đồng thời nhanh chóng thuyết phục UBND thị trấn Nam Phước và huyện Duy Xuyên đồng ý cho thuê hơn 60ha đất bãi bồi Đông Khương (dưới chân cầu Câu Lâu) cải tạo trồng dâu, nuôi tằm. Tháng 11.2020, hàng nghìn cây dâu giống mới, năng suất cao F1-VH15, GQ2 và TBL-03 được giâm trồng hàng loạt trên lớp đất phù sa vẫn còn tươi rói sau những cơn lũ lụt.

          Theo ông Lê Thái Vũ, bãi Đông Khương là điểm khởi đầu cho dự án “Dòng sông lụa” nhằm khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống Quảng Nam, giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

          “Chúng tôi phối hợp với các hộ nông dân địa phương có mong muốn tham gia dự án bằng cách giao cho họ chăm sóc, khai thác diện tích dâu công ty trồng. Công ty sẽ đứng ra thu mua lá dâu với mức giá thấp nhất 5.000 đồng/ký. Đồng thời hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho người dân để tạo nên quy trình phát triển bền vững” - ông Vũ nói.

          Đến nay, gần 20ha dâu đã và đang được trồng xong, dự kiến hết năm 2021 toàn bộ 60ha đất bãi  bồi Đông Khương sẽ được phủ kín cây dâu, thu hút khoảng 120 hộ dân Duy Xuyên tham gia chăm sóc, khai thác và nuôi tằm.

          Hứa hẹn thêm điểm du lịch thú vị

          Đứng trên cầu Câu Lâu nhìn về phía tây, bãi Đông Khương nổi bật giữa bốn bề sông nước. Vào mùa hoa lau trổ, Đông Khương tựa đảo mây trắng xóa ngút ngàn. Một vị trí quá đẹp để phát triển du lịch. Trong buổi làm việc với UBND huyện Duy Xuyên mới đây, ông Lê Thái Vũ cho biết, Đông Khương không chỉ là vùng dâu nguyên liệu cho Quảng Nam mà sẽ được xây dựng thành điểm du lịch sinh thái, làng nghề độc đáo, nơi du khách được trải nghiệm các công đoạn trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, kể cả thưởng thức các chế phẩm, ẩm thực từ dâu tằm.

          Gần 20ha dâu đã và đang được trồng trên bãi Đông Khương (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên). Ảnh: V.LỘC

Gần 20ha dâu đã và đang được trồng trên bãi Đông Khương (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên). Ảnh: V.LỘC 

       “Du lịch chính là bệ đỡ cho sự lan tỏa và phát triển bền vững của dự án, qua đó giúp tăng thêm giá trị cho sản phẩm tơ lụa, dâu tằm. Lúc này người nông dân không chỉ hưởng lợi từ nghề trồng dâu nuôi tằm mà còn tham gia vào các cung đoạn du lịch phục vụ khách tham quan” - ông Vũ nói.

          Sau Tết Nguyên đán sắp tới, khi màu xanh lá dâu đã phủ khắp bãi biền, những ngôi nhà tranh, quán xá cũng sẽ được dựng lên ẩn hiện trong vườn… Những con tàu gỗ giăng cờ các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản… sẽ đưa du khách từ Hội An, Đà Nẵng ngược dòng tìm về trải nghiệm khung cảnh làng quê và đắm chìm trong câu chuyện tình yêu của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan và cô thôn nữ hái dâu Đoàn Thị Ngọc bên dòng Thu Bồn năm nào. Khung cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền sẽ không còn xa trong tương lai.

          Ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên khẳng định, khôi phục làng nghề gắn với phát triển du lịch là hướng đi phù hợp của địa phương nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân. Vì vậy, việc Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam triển khai các hoạt động khai thác du lịch gắn với trồng dâu nuôi tằm tại bãi Đông Khương được huyện ủng hộ. Đó cũng là lý do để chính quyền địa phương quyết định cho Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam thuê đất lâu dài trên bãi bồi này. Đây là mục tiêu kép không chỉ đánh thức bãi bồi Đông Khương, phục hồi vùng nguyên liệu dâu tằm Quảng Nam mà còn mang đến những cơ hội lớn thúc đẩy du lịch Duy Xuyên phát triển.

 VĨNH LỘC

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19739894
Hôm nay
Hôm qua
1243
6579