Thời gian qua, chính quyền xã Duy Thu (Duy Xuyên) tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân địa phương cải tạo những vùng đất gò đồi, đầu tư phát triển mô hình trồng cây hồ tiêu chuyên canh, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP.
Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Ngọc Ân - hộ mở hướng trồng tiêu đầu tiên trên chân đất gò đồi ở xã Duy Thu. Ông Ân cho biết, nhờ áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật và phòng trừ dịch bệnh hiệu quả nên vườn tiêu 800 choái của ông luôn phát triển xanh tốt. Bình quân mỗi năm, ông thu hoạch từ 800kg đến 1 tấn hạt tiêu khô. Thời điểm giá cả thị trường ổn định, ông có mức thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, dưới tán các choái tiêu, ông còn trồng hàng trăm gốc chè xanh, gừng mang lại nguồn thu nhập tương đối khá. “Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp cho cây tiêu phát triển, đặc biệt chất lượng hạt tiêu khá tốt. Tuy nhiên, tôi mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu, quảng bá, góp phần đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm” - ông Ân nói.
Trên địa bàn xã Duy Thu hiện có không dưới 40 hộ trồng tiêu chuyên canh với tổng diện tích hơn 8ha, trong đó tập trung nhiều nhất tại thôn Thạnh Xuyên. Hầu hết mô hình đều cho năng suất khá, góp phần nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân địa phương. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc áp dụng khoa học công nghệ trong chế biến và bảo quản sản phẩm còn rất hạn chế, một bộ phận người dân vẫn sản xuất tự phát và manh mún, đặc biệt là chưa hình thành được chuỗi sản xuất - chế biến - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm…
Bà Lâm Thị Liêm - Phó Bí thư Đảng ủy xã Duy Thu cho biết, sau thành công từ mô hình trồng tiêu chuyên canh đầu tiên của hộ ông Nguyễn Ngọc Ân, những năm qua địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trồng hồ tiêu, xem đây là mô hình tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã. Cùng với đó, xã mời ngành chuyên môn về khảo sát chất đất toàn bộ khu vực đồi núi và phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên mở các lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật thâm canh cây tiêu. Đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, điện thủy lợi hóa phục vụ nước tưới cho các vùng chuyên canh cây tiêu trọng điểm. Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh, Hội Nông dân huyện Duy Xuyên và xã Duy Thu còn tạo điều kiện cho người dân vay ưu đãi 400 triệu đồng để có điều kiện đầu tư phát triển mô hình này.
“Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, chúng tôi lựa chọn hạt tiêu để xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương. Muốn thực hiện thành công việc này, trong thời gian tới Duy Thu sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm hạt tiêu và đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia trưng bày sản phẩm. Mặt khác, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và quản lý chất lượng theo chu trình OCOP. Đặc biệt, tăng cường mối liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân nhằm đảm bảo ổn định đầu ra cho nông sản…” - bà Liêm chia sẻ.
Phi Thành