A+ A A-

Duy Xuyên tập trung khống chế bệnh lở mồm long móng

         Gần đây, bệnh lở mồm long móng phát sinh và gây hại tại một số địa phương của huyện Duy Xuyên khiến nhiều đàn gia súc bị nhiễm bệnh. Ngành chuyên môn cùng chính quyền cơ sở gấp rút triển khai nhiều biện pháp để khống chế, dập tắt lây lan của mầm bệnh.

          Nỗ lực bao vây dịch

          Theo ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên, ngày 14/2, cán bộ thú y xã Duy Phước báo tin có gia súc nghi mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM) xảy ra tại thôn Mỹ Phước. Tiếp đó, ngày 17/2, cán bộ thú y xã Duy Tân cũng thông tin tại thôn Thu Bồn Tây xuất hiện bệnh LMLM.

          

Người dân thôn Mỹ Phước (xã Duy Phước, Duy Xuyên) cách ly những con bò mắc bệnh lở mồm long móng để chăm sóc, điều trị. Ảnh: PV

          Trước nguồn tin trên, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Duy Xuyên nhanh chóng phối hợp Phòng NN&PTNT huyện cử cán bộ kỹ thuật tiến hành kiểm tra, giám sát tại các ổ dịch. Qua kiểm tra triệu chứng lâm sàng cho thấy, các gia súc mắc bệnh đều có biểu hiện sốt cao 41 độ C; lông xù, da nóng, 4 chân đi lại khó khăn, miệng, lưỡi, môi, lợi có nốt loét… Dựa vào những triệu chứng biểu hiện điển hình nêu trên, cơ quan chuyên môn chẩn đoán gia súc bị mắc bệnh LMLM.

          Về số lượng gia súc mắc bệnh LMLM, ông Nguyễn Chí Công – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, tại xã Duy Phước có 15 con bò của 7 hộ dân và tại xã Duy Tân có 4 con bò, 1 con heo nái của 3 hộ dân.

          Qua điều tra dịch tễ, tại xã Duy Phước không rõ nguyên nhân gây bệnh ban đầu. Tuy nhiên, do đây là bãi chăn thả chung với diện tích hơn 200ha của 17 hộ dân với 153 con trâu, bò nên vi rút gây bệnh lây lan rất nhanh. Còn tại xã Duy Tân, do các hộ chăn nuôi có gia súc mắc bệnh không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin LMLM trong vụ 2 năm 2023.

          Trước tình hình trên, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Duy Xuyên phối hợp Phòng NN&PTNT huyện và UBND 2 xã Duy Tân, Duy Phước triển khai khẩn cấp công tác phòng chống dịch bệnh LMLM. Theo đó, yêu cầu những hộ chăn nuôi có gia súc đang mắc bệnh không chăn thả gia súc ra ngoài; tách riêng những con còn lại trong đàn để tránh lây nhiễm chéo và thuận tiện cho việc theo dõi, điều trị. Đồng thời yêu cầu các hộ chăn nuôi cam kết khi gia súc mắc bệnh, chết phải báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cán bộ thú y xã, không được bán chạy làm lây lan dịch bệnh.

          Cạnh đó, chính quyền các xã Duy Phước, Duy Tân thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại và môi trường chăn nuôi bằng hóa chất, vôi bột. Đối với các thôn có dịch, tuần đầu tiên tiến hành phun khử trùng tiêu độc 2 lần bằng hóa chất và rắc vôi bột trước cổng vào nhà, xung quanh chuồng nuôi. Sau đó, tiến hành khử trùng tiêu độc đồng loạt tại các vùng đệm.

          Đặc biệt, khẩn trương triển khai công tác tiêm phòng chống dịch tại các ổ dịch và những vùng nguy cơ cao. Những ngày qua, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Duy Xuyên đã cấp vắc xin cho 2 xã Duy Phước, Duy Tân và cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ tiêm phòng. Đến nay, xã Duy Phước đã nhận 1.000 liều vắc xin LMLM, 1.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; còn xã Duy Tân đã nhận 300 liều vắc xin LMLM. Hiện nay, 2 xã trên gấp rút tổ chức tiêm phòng vắc xin bao vây dịch.

          Tiềm ẩn nguy cơ cao

          Theo ông Nguyễn Chí Công, nhờ nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, hiện nay bệnh LMLM trên đàn gia súc ở 2 xã Duy Phước và Duy Tân đã cơ bản được khống chế.

          

Những ngày qua, nhiều địa phương của huyện Duy Xuyên tích cực vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên diện rộng để ngăn chặn sự lây lan của vi rút gây bệnh. Ảnh: PV

          Qua kiểm tra, đến nay tại 2 xã nêu trên có 14 con bò đã lành bệnh, sinh hoạt bình thường. Hiện còn triệu chứng lâm sàng là 6 con bò và heo đang theo dõi điều trị; trong đó xã Duy Tân 4 con bò, 1 con heo nái và xã Duy Phước 1 con bò.

          Nhận định tình hình trong thời gian đến, lãnh đạo ngành nông nghiệp Duy Xuyên cho rằng, mặc dù dịch bệnh bước đầu đã được khống chế, song vi rút gây bệnh LMLM vẫn luôn tiềm ẩn. Trong khi đó, khâu xử lý vệ sinh môi trường chăn nuôi của các hộ dân không được triệt để, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông nên khả năng lây lan dịch bệnh cao.

          Vấn đề đáng quan tâm là tỷ lệ tiêm phòng vắc xin LMLM cho gia súc trong đợt 2 năm 2023 thấp, không đủ đáp ứng miễn dịch toàn đàn; thời gian tiêm phòng tập trung vào tháng 8/2023, đến nay hầu hết đàn gia súc đã hết thời gian bảo hộ miễn dịch.

          Đáng chú ý, người chăn nuôi tái đàn, mua bán con giống không khai báo, không rõ nguồn gốc và các khu vực xảy ra dịch bệnh LMLM lại rơi vào những điểm chăn thả chung nên nguy cơ bùng phát dịch ra diện rộng trong thời gian tới là rất cao...

Mai Nhi

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19794176
Hôm nay
Hôm qua
8457
6731