Theo lịch thời vụ quy định của UBND huyện, chỉ còn trên 20 ngày nữa( ngày 30.12) nông dân toàn huyện xuống giống gieo sạ lúa đông xuân trà 1. Các địa phương đang khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị, nhằm đạt mục tiêu sản xuất hết diện tích, đúng lịch thời vụ, đảm bảo kỹ thuật.
Xã cực Tây Duy Thu vừa trải qua cơn lụt lớn gây thiệt hại khá nặng nề đối với đồng ruộng. Cánh đồng đất màu khu vực Cửa Trun thuộc thôn Tỉnh Yên có đến 4 ha bị cát bồi lấp hiện đang hoang hóa, nhiều tuyến kênh nội đồng bằng bê tông cũng bị đất cát bồi lấp trở thành nông choẹt sẽ không vận hành dẫn thủy nhập điền được nếu không nạo vét tốt. Trong tổng số 157 ha đất lúa của địa phương, phần lớn diện tích ruộng thoạt nhìn cứ tưởng đã sản xuất xong, bởi lúa chét, cỏ dại mọc xanh rì chưa được bà con nông dân cày vỡ để vùi lấp. Trao đổi với chúng tôi, ông Tăng Trung- Phó ban nông nghiệp xã Duy Thu cho biết: “ xã vừa tổ chức hội nghị tổng kết năm nông nghiệp 2017, triển khai phương hướng, nhiệm vụ sản xuất năm 2018; tập trung chỉ đạo các giải pháp quyết liệt sản xuất vụ đông xuân. Hiện Duy Thu đã cày vỡ được khoảng 30 % diện tích đất lúa toàn vụ, trong những ngày đến sẽ huy động nông dân ra quân nạo vét toàn bộ các tuyến kênh mương bị bồi lấp đảm bảo dẫn thủy nhập điền. Ban khuyến nông xã cung sẽ tập họp danh sách bà con nông dân đăng ký mua giống sản xuất để liên hệ với các công ty cung ứng lúa giống mua giúp bà con gieo sạ đúng cơ cấu theo từng cánh đồng. Đối với diện tích đất mùa bị bồi lấp nhẹ thì vận động nông dân tự cải tạo để sản xuất, nơi nào bị bồi lấp nặng thì hợp đồng xe cơ giới san ủi, cải tạo”
Còn ở Thị trấn Nam Phước, 7 giờ sáng, ông Trần Thanh Luận- ở khối phố Châu Hiệp cho biết là sáng nay ông đã cày được 2 sào đất. Cày lật vùi lúa chét, cỏ dại vào bùn cho chết càng sớm càng tốt, để khi làm đất gieo sạ được thuận lợi hơn, đồng thời hạn chế sâu bệnh lưu trú trên cỏ dại, lúa chét gây hại lúa non vụ tới.
Theo ông Trần Hưng-Trưởng trạm bảo vệ thực vật huyện thì đến nay toàn huyện mới cày lật được trên 2.000 ha đất sản xuất lúa đông xuân trong tổng số trên 3.600 ha toàn vụ. Tiến độ giải phóng đất chậm là do ảnh hưởng đợt lụt đầu tháng 11. Do nước lớn nhiều máy cày bị ngập lũ, chủ phương tiện phải tốn thời gian sửa chữa, bên cạnh đó, các năm gần đây số lượng trâu cày kéo liên tục giảm sút nên tiến độ giải phóng đất bị chậm so với mọi năm. Nếu việc cày lật đất, diệt cỏ dại, lúa chét chậm trễ đồng ruộng đông xuân sắp tới rất dễ xảy ra nguy cơ bùng phát dịch bệnh lùn sọc đen hại lúa. Bởi theo kết quả kiểm tra lấy mẫu lúa chét và cỏ dại tại 5 xã, thị trấn gởi xét nghiệm thì tất cả các mẫu xét nghiệm đều dương tính với vi rút bệnh lùn sọc đen. Vi rút bệnh lùn sọc đen hại lúa ký chủ trên lúa chét và cỏ dại nếu không được diệt trừ triệt để bằng cách vùi lấp trong bùn cho chết và rải vôi vệ sinh đồng ruộng, sẽ gây hại cho lúa vụ đông xuân là điều rất dễ xảy ra.
Trao đổi với chúng tôi, ông Văn Bá Năm-Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Thực hiện tinh thần chỉ đạo của chủ tịch UBND huyện tại hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm nông nghiệp 2018, Ngành nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn đang thực hiện quyết liệt việc chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân. Cán bộ, kỹ sư Trạm khuyến nông, Bảo vệ thực vật, Thú y đến tận khu dân cư tổ chức tập huấn cho nông dân kỹ thuật làm đất, lựa chọn giống cây trồng, chăm sóc, thâm canh lúa; vệ sinh phòng dịch, bảo vệ an toàn con vật nuôi vụ đông xuân. Vận động, thúc đẩy bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ vệ sinh đồng ruộng, cày vỡ, giải phóng đất, tổ chức gieo sạ đúng thời vụ, hết diện tích, đúng kỹ thuật; vệ sinh chuồng trại, chăm sóc gia súc, gia cầm ngăn chặn dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi, nhất là bệnh lở mồm long móng. Tổ chức ra quân nạo vét, tu bổ kênh mương đảm bảo yêu cầu dẫn thủy nhập điền. Phối hợp với Chi nhánh thủy lợi huyện và các đơn vị dịch vụ nước nước tưới cung ứng nước cho đồng ruộng đảm bảo yêu cầu, với quyết tâm giành thắng lợi vụ đông xuân ngay từ đầu./.
Quang Giác