A+ A A-

Động lực mới cho tơ lụa Mã Châu

         Dự án “Chia sẻ sở hữu trí tuệ” do Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Hiệp hội Thúc đẩy sáng chế Hàn Quốc (KIPA) phối hợp với Sở KH&CN và UBND huyện Duy Xuyên triển khai đã tạo động lực mới cho nghề dệt lụa truyền thống Mã Châu.

       Tham quan gian hàng trÆ°ng bày lụa truyền thống Mã Châu. Ảnh: H.Liên  

Tham quan gian hàng trưng bày lụa truyền thống Mã Châu. Ảnh: H.Liên       

          Hỗ trợ máy dệt lụa công nghệ cao

        Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc, Hiệp hội Thúc đẩy sáng chế Hàn Quốc, Sở KH&CN và UBND huyện Duy Xuyên vừa ký kết hợp tác, triển khai dự án “Chia sẻ sở hữu trí tuệ”. Theo đó, phía KIPO và KIPA cam kết hỗ trợ Công ty TNHH Tơ lụa Mã Châu (Duy Xuyên) một máy dệt lụa công nghệ cao, giúp nâng giá trị và thương hiệu của sản phẩm trên thị trường. Máy dệt lụa khổ lớn này là một sáng chế quan trọng của phía Hàn Quốc, dự kiến sẽ được chuyển giao cho Công ty TNHH Tơ lụa Mã Châu trong năm 2018.

          Bà Đoàn Thiều Trang - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tích cực phối hợp với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc hỗ trợ, tạo điều kiện cho lụa Mã Châu phát triển. “Việc hỗ trợ gồm hai khía cạnh: công nghệ và xây dựng thương hiệu trên cơ sở hai dự án khác nhau, hợp thành dự án “Chia sẻ sở hữu trí tuệ”. Hàn Quốc sẽ hỗ trợ công nghệ máy móc thích hợp nhất với cơ sở dệt lụa Mã Châu. Đầu tiên là tạo ra được những khổ vải đạt tiêu chuẩn quốc tế để có thể vươn ra thị trường thế giới. Thứ hai, họ đang quan tâm là làm sao có thể phối màu với những màu sắc khác nhau, tạo sự đa dạng, phong phú, tăng thêm vẻ đẹp cho sản phẩm” - bà Trang chia sẻ.

          Ông Trần Hữu Phương - Giám đốc Công ty TNHH Tơ lụa Mã Châu cho biết, trải qua thời kỳ dài trì trệ, thời điểm này, nhu cầu tiêu dùng và số đơn hàng đã tăng gấp 10 lần so với năng lực sản xuất của cơ sở. “Bây giờ không thể chỉ sản xuất thủ công, mà phải áp dụng máy móc vào để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Được sự quan tâm của Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc và Sở KH&CN, chúng tôi rất phấn khởi, hy vọng sản phẩm lụa Mã Châu sẽ hưng thịnh trên quê hương lụa và có mặt trên thị trường thế giới” - ông Phương chia sẻ.

          Cũng theo ông Phương, thời gian qua, ông đã mày mò cải tiến kỹ thuật, đưa hàng chục máy móc dệt lụa hoa văn thủ công về cơ sở tiếp tục cải tiến để đưa vào sản xuất, song vẫn lo lắng công suất không đảm bảo trước nhu cầu lớn của thị trường. “Nhu cầu cấp thiết của chúng tôi hiện nay là máy dệt lụa hoa văn công nghiệp, bởi máy dệt hoa văn thủ công mà chúng tôi đang sử dụng có khổ lụa rất hẹp, năng suất không cao. Chiếc máy mà phía KIPO và KIPA dự kiến hỗ trợ lần này có thể giúp chúng tôi giải quyết vấn đề khó khăn là tạo khổ vải đạt 150cm, thay vì 90cm trước đó, song đây là chiếc máy dệt lụa trơn. Về lâu dài, rất mong phía Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Mã Châu có thêm chiếc máy dệt lụa hoa văn công nghiệp cũng như máy nhuộm công nghiệp tạo màu sắc đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu thị trường” - ông Phương nói.

          Quảng bá tơ lụa ra thế giới

          Trong khuôn khổ dự án, KIPO và KIPA cam kết sẽ hỗ trợ làng lụa Mã Châu khâu xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, hỗ trợ chiến lược marketing, quảng bá sản phẩm cũng như hỗ trợ trưng bày sản phẩm tại khu phố Hàn Quốc, phục vụ phát triển thương mại, du lịch. Theo ông Park Si Young - Trưởng phòng Hợp tác đa phương (KIPO), giữa KIPO và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam có nhiều hợp tác tốt đẹp trong những năm qua, đặc biệt là hợp tác trên lĩnh vực sáng chế. Lần này, bên cạnh hỗ trợ máy dệt công nghệ cao - một sáng chế hữu ích của phía Hàn Quốc, KIPO và KIPA còn hỗ trợ phát triển thương hiệu, giúp sản phẩm lụa Mã Châu không chỉ phát triển ở thị trường trong nước mà còn ở Hàn Quốc. “Qua khảo sát tại làng lụa Mã Châu, chúng tôi đã tiếp cận nhiều thành viên làng nghề và có được những thông tin mà người dân cung cấp. Chúng tôi nhận thấy, điểm nổi bật của lụa Mã Châu là dệt bằng tay, giàu tính thẩm mỹ, tự nhiên, rất nổi bật, nên chúng tôi tập trung vào những điểm này để giúp lụa Mã Châu được biết đến rộng rãi hơn” - ông Park nói.

          Ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nhìn nhận, Duy Xuyên từng là mảnh đất truyền thống của nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, làng nghề từng phát triển cực thịnh nhưng đã lụi tàn cả chục năm nay. Hiện tỉnh có chủ trương khôi phục, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, trong đó có một số xã của Duy Xuyên. Huyện đã khảo sát lại toàn bộ các diện tích đáp ứng vùng trồng dâu, tổ chức các đoàn tham quan cho nông dân, cán bộ kỹ thuật đi tham quan tại Bảo Lộc, Lâm Đồng để học hỏi kinh nghiệm. Huyện cũng kết nối với doanh nghiệp lụa ở Hội An và một số nơi. Được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Hàn Quốc và Sở KH&CN, huyện sẽ phối hợp trong việc quảng bá thương hiệu ở vùng đất từng nổi danh xứ lụa.Theo bà Won Huijae - Quản lý Phòng Hợp tác phát triển quốc tế (KIPA), qua làm việc, đoàn nhận thấy ngành công nghiệp lụa có dấu hiệu suy thoái, dệt lụa truyền thống đang mai một, rất ít nhân lực làm việc trong ngành. Nhiều người dân ở làng lụa Mã Châu bày tỏ mong muốn hỗ trợ các bước trong sản xuất sản phẩm lụa, từ công nghệ dệt, nhuộm, nâng cao chất lượng sản phẩm và KIPA rất muốn hỗ trợ họ. Trước mắt là hỗ trợ công nghệ, phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm lụa thứ cấp, tìm kiếm thị trường, sau đó hỗ trợ công nghệ in ấn, nhuộm. Tuy nhiên, cũng cần căn cứ vào điều kiện thực tế. Bên cạnh đó là chiến lược marketing sản phẩm, hỗ trợ trưng bày tại Seoul, thủ đô Hàn Quốc, nơi được xem là khu phố trưng bày rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ, thủ công truyền thống từ nhiều nơi trên thế giới.

HOÀNG LIÊN

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19838560
Hôm nay
Hôm qua
177
20945