Những năm qua, các cấp hội nông dân (HND) huyện Duy Xuyên thực hiện hiệu quả mô hình cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm, tạo điều kiện cho nhà nông phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cây trồng.
Trong 5 năm qua, các cấp HND của tỉnh cung ứng 25.830 tấn phân bón các loại theo hình thức trả chậm cho nông dân. Ảnh: N.T
Nhiều ưu điểm
Mỗi vụ, gia đình bà Văn Thị Quý ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) canh tác hơn 5 sào ruộng lúa và hoa màu các loại. Trước đây, khi vào vụ sản xuất, bà Quý phải lo nhiều chi phí như làm đất, mua hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật và nhất là phân bón. Từ khi có chương trình cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm do HND thực hiện, gia đình bà đăng ký tham gia để yên tâm đầu tư sản xuất.
“Chương trình này có nhiều ưu điểm như nguồn gốc phân bón rõ ràng, chất lượng đảm bảo. Đặc biệt, do không phải lo tiền ngay mà vẫn có phân bón để sản xuất kịp thời vụ, giúp việc canh tác đạt hiệu quả cao. Tôi thấy mô hình rất thiết thực đối với nhà nông” - bà Quý chia sẻ.
Theo ông Phạm Đình Long - Chủ tịch HND xã Duy Sơn, giai đoạn đầu triển khai chương trình, đơn vị gặp không ít khó khăn nhưng nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên hội viên nông dân hiểu và tích cực tham gia.
“Mỗi năm, HND xã Duy Sơn cung ứng hơn 115 tấn phân bón theo hình thức trả chậm. Qua đó, giúp nhiều hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt gánh nặng chi phí đầu vào. Hơn nữa, họ lại được sử dụng các sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, kịp thời sản xuất đúng khung thời vụ… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của các loại cây trồng” - ông Long nói.
Nhà nông rất phấn khởi khi HND tỉnh triển khai mô hình cung ứng phân bón trả chậm. Ảnh: N.T
Lan tỏa mô hình
Duy Xuyên là địa phương có đất sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên, chủ yếu trồng lúa và canh tác các loại hoa màu. Vì vậy, nông dân địa phương tiêu thụ rất đa dạng các loại phân bón với số lượng lớn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Trang - Chủ tịch HND huyện Duy Xuyên cho hay, ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, đơn vị phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp & hỗ trợ nông dân tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể hội viên; tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón.
Từ đó, hội viên nông dân trên địa bàn huyện nhận thấy những lợi ích thiết thực của chương trình cung ứng phân bón trả chậm. Nhà nông yên tâm về chất lượng phân bón, không sợ phân bón giả, phân bón kém chất lượng, có đủ thời gian trả nợ, giá cả ổn định...
Nông dân giảm bớt gánh nặng chi phí mỗi khi vào vụ sản xuất. Ảnh: N.T
Bà Trang cho biết thêm, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, HND huyện Duy Xuyên luôn bám sát theo kế hoạch, hướng dẫn của HND tỉnh. Cán bộ hội thường xuyên kiểm tra quá trình bón phân của nông dân và gặp gỡ, lắng nghe ý kiến góp ý của hội viên về giá cả, chất lượng phân bón, kỹ thuật bón phân... Qua đó kịp thời giải thích, hướng dẫn, điều chỉnh, giúp bà con an tâm sản xuất.
Việc thu nợ phân bón trả chậm được các cơ sở hội thông báo trước đến chi, tổ hội trong cuộc họp, sinh hoạt… Nhờ vậy, hội viên nông dân nâng cao nhận thức, chủ động được nguồn thanh toán chi phí phân bón vào cuối mùa vụ.
Trong 5 năm qua, HND huyện Duy Xuyên triển khai chương trình cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm ở 13/14 xã, thị trấn (trừ xã Duy Hải) với hàng chục nghìn hộ nông dân tham gia. Tổng sản lượng cung ứng hơn 6.000 tấn phân bón các loại, trị giá 90 tỷ đồng.
“Chương trình này đem lại hiệu quả hết sức thiết thực, được các cấp ủy đảng, chính quyền đánh giá cao và hội viên nông dân hưởng ứng mạnh mẽ. Điều quan trọng hơn là chất lượng phân bón đảm bảo, các loại cây trồng sinh trưởng tốt, năng suất tăng 10-15%...” - bà Nguyễn Thị Hồng Trang nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Thận - Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết, 5 năm qua, đơn vị phối hợp cung ứng 25.830 tấn phân bón có chất lượng theo hình thức trả chậm, trị giá 325,4 tỷ đồng. Qua đó, giúp hàng trăm nghìn lượt hộ nông dân thiếu vốn chủ động được nguồn phân bón chất lượng, đầu tư sản xuất đạt hiệu quả. Đặc biệt, chương trình này khắc phục được tình trạng nông dân mua phải phân bón giả, kém chất lượng.
Cùng với đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp & hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với các công ty phân bón tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sử dụng phân đúng quy trình nên cây trồng phát triển khỏe và kháng được nhiều loại sâu bệnh. Từ đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đem lại lợi ích cho nông dân hàng chục tỷ đồng.
MAI NHI - PHI THÀNH