Sau những ngày vui xuân đón tết cổ truyền, ngư dân huyện Duy Xuyên lại tất bật chuẩn bị cho chuyến vươn khơi “mở hàng” với hy vọng một năm trời yên biển lặng, thuyền về tôm cá đầy khoang...
Sẵn sàng ra khơi
Chủ tàu nộp nhiên liệu để xuất hành mở hàng. Ảnh: HOÀI NHI
Sau tết, tàu có công suất lớn neo đậu tại cảng cá An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên) chực chờ lướt sóng vươn khơi. Trên các boong tàu, ngư dân khẩn trương kiểm tra lại ngư cụ và dùng thúng chai vận chuyển thức ăn, nước uống dự trữ. Trong khi đó, một số chiếc tàu nhỏ khai thác gần bờ cũng đang hối hả nộp nhiên liệu để “mở biển” đầu năm. Vừa kiểm tra lại vàn lưới, ngư dân Nguyễn Văn Dưỡng ở thôn Thuận Trì (xã Duy Hải) vừa cho biết, chiếc tàu của ông chuyên làm nghề rập ghẹ. Năm trước, ông khởi hành vào ngày mùng 4 tết. Ông Dưỡng hồ hởi nói: “Chuyến biển mở hàng của năm Bính Thân, sau khi trả tiền công với mức khá cao cho những người đi bạn, trừ chi phí mua nhiên liệu và các nhu yếu phẩm, tôi thu được khoảng 50 triệu đồng. Hy vọng chuyến biển đầu tiên của năm Đinh Dậu này chúng tôi sẽ lại thắng lớn”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Quốc Hai - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Duy Hải cho biết, hiện nay địa phương có 130 chiếc tàu thuyền với tổng công suất 7.059CV, tăng 1.100CV so với cách đây 2 năm. Trong năm 2016 ngư dân Duy Hải đánh bắt được 6.035 tấn hải sản các loại, giảm 500 tấn so với năm 2015. Nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, chi phí chuyến biển tăng… là những khó khăn chung đối với ngư dân. Để nâng cao hiệu quả đánh bắt, thời gian qua nhiều ngư dân Duy Hải đã mạnh dạn đầu tư cải hoán tàu thuyền và mua sắm nhiều ngư lưới cụ, máy móc hiện đại. Ông Hai nói: “Thời điểm cận Tết Đinh Dậu, nhiều ngư dân Duy Hải đã hoàn tất việc tu bổ tàu thuyền. Bắt đầu từ ngày mùng 9 tháng Giêng, 47 chiếc tàu chủ lực hành nghề câu mực lá xuất khẩu cùng một số tàu làm những nghề khác lần lượt xuất bến, hướng ra các ngư trường truyền thống. Tôi tin rằng, sau những khó khăn trong thời gian qua, bước sang năm mới này, ngư dân sẽ bội thu tôm cá và giá bán sản phẩm trên thị trường sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, tôi cũng mong các ngành, các cấp sớm nghiên cứu giảm bớt những thủ tục cho vay vốn ưu đãi để bà con ngư dân dễ dàng tiếp cận nhằm có điều kiện phát triển mạnh sản xuất”.
Hiện đại hóa đội tàu
Đứng nhìn con tàu vỏ thép hiện đại mang số hiệu QNa-93455, ngư dân Đỗ Văn Tiến (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) cho hay, trước đây tàu của ông có công suất nhỏ nên chủ yếu đánh bắt quanh quẩn ở gần bờ, vì vậy sản lượng khai thác không cao. Với mong muốn vươn ra ngư trường Hoàng Sa, năm 2016 ông Tiến quyết định đăng ký làm các thủ tục vay vốn đóng tàu vỏ thép theo nghị định của Chính phủ. Chiếc tàu vỏ thép của ông Tiến có chiều dài 28m, rộng 7m, cao 3,1m, được lắp máy chính mới hoàn toàn do nước ngoài sản xuất với công suất hơn 800CV. Mặt khác, tàu được trang bị các thiết bị hiện đại như hải đồ, ra đa, máy nhận dạng, định vị… với tổng kinh phí đầu tư 16,3 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng BIDV cho vay ưu đãi gần 95% giá trị con tàu. Ông Tiến chia sẻ: “Từ khi tàu hạ thủy đến nay, tôi đã đi được 4 chuyến biển, tổng sản lượng khai thác khoảng 30 tấn hải sản các loại và thu về 400 triệu đồng. Hy vọng năm nay mỗi khi ra khơi con tàu vỏ thép này đều trúng đậm cá tôm để tôi và các thuyền viên có nguồn thu nhập cao nhằm tăng thêm động lực tiếp tục bám tàu, bám biển”.
Không riêng gì ông Đỗ Văn Tiến, thời gian qua nhiều ngư dân khác ở huyện Duy Xuyên cũng mạnh dạn vay vốn đóng tàu công suất lớn, hiện đại để vươn ra khơi xa. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Châu Giang - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, địa phương có 3 trong tổng số 14 xã, thị trấn có thế mạnh phát triển kinh tế biển gồm Duy Vinh, Duy Nghĩa, Duy Hải. Tính đến thời điểm này, toàn huyện có gần 300 chiếc tàu thuyền với tổng công suất máy khoảng 14.000CV, tăng 5.000CV so với đầu năm 2016. Đáng chú ý, hiện nay Duy Xuyên có 5 chiếc tàu vỏ thép đã hạ thủy, 4 chiếc khác đang triển khai đóng và dự kiến trong quý I.2017 sẽ đưa vào khai thác. Theo ông Giang, những năm gần đây, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước thông qua việc công khai trình tự thủ tục thẩm định, phương án vay vốn, thông báo kịp thời cho người dân biết các hồ sơ chưa đủ điều kiện vay theo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ. Cùng với đó, địa phương tập trung củng cố, kiện toàn những tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để ngư dân hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời kiến nghị với ngành cấp trên quan tâm hoàn thiện và mở rộng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để tìm kiếm thêm những thị trường mới nhằm góp phần đảm bảo đầu ra ổn định, tạo bước đột phá trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản.
HOÀI NHI