Nghề làm chổi đót ở làng Chiêm Sơn, thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh (Duy Xuyên) là nghề “cha truyền con nối” của vùng đất này.
|
Công việc làm chổi đót tại nhà và các cơ sở làng nghề. Ảnh: T.N |
Theo các cụ cao niên, từ nhu cầu một vật dụng cần thiết trong gia đình và nguồn nguyên liệu tự nhiên từ cây đót mọc ở vùng gò đồi, ban đầu một vài người làm, rồi nhiều người trong làng cùng làm theo, hình thành nên làng nghề chổi đót. Nhà nào cũng tự vào núi bứt đót, quấn chổi, quét dọn nhà cửa và mang đi bán. Tại các xã như Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Phú…, nơi vùng gò đồi thường mọc đầy cây đót, nguồn nguyên liệu chính để làm chổi đót. Vào tháng giêng, tháng hai âm lịch, người dân tranh thủ vào núi bứt đót, phơi ngay tại chỗ. Khoảng ba đến bốn ngày sau khi cây đót khô lại vào núi cuốn thành bó gánh về để làm chổi. Chị Phạm Thị Dung, người có thâm niên hơn hai mươi năm trong nghề làm chổi chia sẻ: “Trước đây ông bà nội tôi, rồi đến cha mẹ tôi cũng làm nghề vấn chổi, con cái lớn lên bắt chước làm theo nghề truyền thống này”.
Chị cho biết, thu nhập làm chổi thường khá hơn so với làm nông, lại tranh thủ được thời gian nhàn rỗi, người tuổi cao vẫn có thể làm được vì làm trong nhà, mát mẻ và công việc nhẹ nhàng. Hai tay thoăn thoăt quấn chổi, chị Dung nhẩm tính: Dù làm ở công đoạn nào để hình thành nên cây chổi thì mỗi ngày cũng được 120 - 150 ngàn đồng, có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Xã Duy Trinh có 4 thôn: Thi Lai, Phú Bông, Đông Yên và Chiêm Sơn nhưng chỉ có thôn Chiêm Sơn làm nghề quấn chổi đót. Nghề này cũng khá đơn giản. Sau khi chẻ tuốt mây, lựa chọn và sắp xếp các nhánh đót bằng nhau thành từng bó, quấn cổ trước, sau đó buộc chặt vào cán chổi rồi đan những đường chân rết thành thân chổi, vậy là xong. Tuy nhiên để có được một cây chổi đót vừa bền, chắc và đẹp, cần phải có đôi bàn tay khéo léo và chắc chắn ở mỗi công đoạn, nhất là tra bó đót vào cán và bện chổi. Theo cách làm truyền thống, cây chổi đót được kết chặt vào cán chổi bằng các sợi mây. Hiện nay, người dân thôn Chiêm Sơn dùng máy móc ở công đoạn cưa cán, cắt đót vừa nhanh, vừa đẹp, sản phẩm tạo ra nhiều loại... Với kinh nghiệm làm nghề, bà Võ Thị Ba - chủ một cơ sở quấn chổi đót, chia sẻ: “Để có một chiếc chổi đẹp, bền, nguyên liệu làm chổi phải là loại đót phơi khô, tránh ẩm mốc, sợi mây buộc phải là loại mây già, khô dẻo, đảm bảo độ bền. Hơn nữa, người làm chổi phải cẩn trọng trau chuốt từng que đót, đan chân rết rải đều chổi, càng đan nhặt và chặt để đảm bảo độ bền…”.
Thoạt đầu, chổi đót làm ra phục vụ sinh hoạt trong đời sống hàng ngày và tiêu thụ trong phạm vi hẹp là các xã lân cận, dần dần hình thành nên làng nghề quấn chổi đót tại thôn Chiêm Sơn với mức tiêu thụ ngày càng nhiều hơn. Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng thôn Chiêm Sơn cho biết: “Hiện nay, thôn Chiêm Sơn có 50% số hộ làm nghề quấn chổi, 10 - 15 cơ sở sản xuất với nhân công thường xuyên 15 - 20 người, những ngày cuối năm chuẩn bị làm hàng phục vụ tết thì số lượng đông hơn. Nghề quấn chổi đót trở thành một trong những nghề tạo kế sinh nhai cho bà con trong thôn nên đời sống có phần khấm khá hơn”. Các cơ sở sản xuất này đã nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, vừa khôi phục được nghề truyền thống vừa tạo sinh kế mới, giữ cho làng nghề dần phát triển ổn định. Bên cạnh việc khai thác tại địa phương dùng để sản xuất, nguyên liệu đót được thu mua nhiều nơi ở các huyện Quế Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, ước tính mỗi năm cả làng tiêu thụ hơn 70 tấn đót.
Anh Nguyễn Nhất Tuấn - chủ cơ sở quấn chổi lớn nhất ở làng Chiêm Sơn, cho biết: “Tôi đã đi tham quan, học hỏi nhiều làng nghề quấn chổi đót, rồi tham gia các hội chợ trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh để có thêm kinh nghiệm trong sản xuất và tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm”. Từ sản phẩm truyền thống đầu tiên là chổi bện mây và sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, cơ sở của anh Tuấn có 40 người làm công, sản phẩm có nhiều mẫu mã như chổi bện mây truyền thống, chổi quấn dây thép, dây cước, cán thân đót, cán nhựa, chổi quét vôi… Hiện nay, cơ sở của anh Tuấn đang tập trung nguyên vật liệu, sản xuất hàng để kịp phục vụ các hội chợ, bán ra tại nhiều điểm khác trong và ngoài tỉnh trong dịp cuối năm, chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018 vì nhu cầu cuối năm thường tăng lên nhiều. Thực tế tại thôn Chiêm Sơn, việc giữ được nghề truyền thống là cả một quá trình nhưng để nghề truyền thống ấy có thể phát triển, cần có cơ chế, chính sách thông thoáng bên cạnh sự năng động, linh hoạt của các hộ làm nghề. Niềm trăn trở ấy của các hộ làm nghề đã hóa thành niềm vui, khi UBND tỉnh đã công bố Quyết định công nhận làng nghề quấn chổi Chiêm Sơn (tháng 7.2016). Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Duy Trinh cho biết: “Từ khi được công nhận làng nghề truyền thống, địa phương xúc tiến thành lập các tổ hợp tác, đăng ký thương hiệu làng nghề và lập các hồ sơ đề nghị ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn và đầu ra cho sản phẩm…”.
Bây giờ, trên tuyến đường ĐT610 từ ngã ba Nam Phước lên Mỹ Sơn, những người dân ở làng Chiêm Sơn vẫn cần mẫn với nghề làm chổi đót truyền thống của cha ông để lại, tạo nên những sản phẩm chổi đót bền đẹp. Một nét khác lạ là làng nghề vấn chổi đót Chiêm Sơn có nhiều người trẻ tuổi theo nghề và tỏ ra nhạy bén với thị trường, nhờ vậy, kinh tế làng nghề phát triển, giúp đời sống người dân thêm khấm khá. Mỗi ngày, thỉnh thoảng có những du khách lên tham quan Khu di tích Mỹ Sơn, lại ghé thăm làng nghề truyền thống này và các di tích tại thôn như lăng Đoàn Quý Phi, Mạc Thị Giai, dinh bà Chiêm Sơn, chùa Vua, di tích khảo cổ học Triền Tranh… Hy vọng, làng nghề quấn chổi Chiêm Sơn cùng với các giá trị văn hóa - lịch sử tại vùng đất này sẽ khai thác những tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, thu hút đông đảo du khách thập phương đến quan chiêm, tìm hiểu về mảnh đất và con người nơi đây.
THẢO NGUYÊN