A+ A A-

Đa dạng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Duy Xuyên đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.
 

Linh hoạt bố trí sản xuất

Ông Huỳnh Văn Ánh – chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, toàn huyện có 10ha đất chuyên trồng tiêu với hơn 120 hộ dân tham gia, tập trung chủ yếu tại các xã Duy Thu, Duy Phú, Duy Tân, Duy Sơn. Theo ông Ánh, bình quân hàng năm 1ha tiêu mang lại cho người dân nguồn thu nhập 550 - 700 triệu đồng. Dự kiến, thời gian tới các địa phương này sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng tiêu lên 36ha.

Trồng dưa leo Nhật Bản, nông dân lãi ròng 110 - 170 triệu đồng/ha/vụ. Ảnh: HOÀI NHI
Trồng dưa leo Nhật Bản, nông dân lãi ròng 110 - 170 triệu đồng/ha/vụ. Ảnh: HOÀI NHI

Từ năm 2011 đến nay huyện Duy Xuyên cũng liên kết với nhiều doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa giống, dưa leo, ớt. Đáng chú ý, bắt đầu từ vụ đông xuân 2014 – 2015, ngành nông nghiệp huyện liên doanh với Công ty TNHH Thương mại & xuất nhập khẩu Việt Thắng sản xuất 13ha giống dưa leo Nhật Bản. Thực tế cho thấy, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi vụ nhà nông thu lãi 110 - 170 triệu đồng/ha. Theo kế hoạch, trong vụ đông xuân 2015-2016 sắp tới, diện tích đất trồng giống dưa leo này sẽ tăng lên 43ha. Đồng thời 2 đơn vị cũng tiến hành trồng thêm 40ha gừng, cà tím, tía tô theo hình thức hợp đồng sản xuất, bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm và sẽ nhân rộng nếu mang lại thành công. Không chỉ vậy, những năm gần đây địa phương còn linh hoạt chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa và bắp kém hiệu quả sang canh tác một số loại rau quả, cây trồng cạn khác.

Nếu như các xã Duy Trinh, Duy Châu áp dụng hình thức xen canh, luân canh cây đậu cô ve và ớt thì đồng đất Duy Phước, Duy Trung lại tập trung phát triển mạnh loại rau mồng tơi, rau muống, rau dền đỏ. Trong khi đó, ở 2 xã vùng đông Duy Hải và Duy Nghĩa thì nhà nông chọn hướng chuyên canh cây môn hương, mè… Được biết, hiện nay toàn huyện có hơn 200ha đất canh tác các loại cây công nghiệp ngắn ngày theo phương thức tập trung, mỗi năm 1ha cho giá trị 120 - 175 triệu đồng.

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Ông Văn Bá Năm – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho rằng, giảm tỷ lệ hộ nghèo và tăng thu nhập cho người dân được xem là 2 tiêu chí cốt lõi trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, từ năm 2010 đến nay địa phương đã triển khai rất nhiều giải pháp giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân một cách căn cơ, bền vững, thông qua hoạt động trợ vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, dạy nghề, hỗ trợ cây, con giống… Đồng thời từ nguồn kinh phí của Nhà nước, 5 năm qua toàn huyện đã kiên cố hóa thêm 108km kênh mương, kéo 100km đường dây điện ra khắp cánh đồng nhằm giúp nhà nông chủ động nguồn nước tưới.
Được biết, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo ở Duy Xuyên còn 5,9%, giảm 17,1% so với cuối năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đến thời điểm này đã đạt 35,5 triệu đồng/năm.

Hồi trước, cuộc sống của gia đình bà Đặng Thị Tám (thôn Đông Yên, xã Duy Trinh) luôn trong cảnh khó khăn, túng quẫn vì chỉ biết trông chờ vào vài sào lúa. Cách đây mấy năm, được Hội Nông dân xã Duy Trinh cho vay 5 triệu đồng cùng với một ít tiền tiết kiệm bấy lâu, bà Tám mua 2 con bò nái lai về thả nuôi. Nhờ chăm sóc, thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh nên đến nay đàn bò của bà Tám đã tăng lên 9 con. Bình quân mỗi năm bà xuất bán 2 - 3 con, thu về khoảng 50 triệu đồng. “Những năm qua, cũng nhờ mô hình chăn nuôi bò thâm canh mà gia đình tôi mới thoát được cái nghèo và nuôi 4 đứa con ăn học đến nơi đến chốn” - bà Tám hồ hởi. Theo ông Đoàn Toàn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Trinh, 5 năm qua mô hình chăn nuôi bò đã giúp rất nhiều hộ dân ở địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Toàn nói: “Để tiếp sức cho bà con nông dân, chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi thú y, hỗ trợ giống cỏ chất lượng, hướng dẫn phương thức trồng, bố trí đất. Vì vậy, đàn bò của xã từ chỗ vài trăm con nay đã tăng lên gần 2.000 con, chủ yếu là bò lai sind. Đặc biệt, năm 2015 Hội Nông dân xã phối hợp với các ban ngành vận động Hội đồng hương Duy Trinh tại TP. Hồ Chí Minh tài trợ 130 triệu đồng để mua 8 con bò nái lai và trao cho 8 hộ dân có điều kiện nuôi nhưng thiếu vốn”.

Tính đến đầu tháng 9.2015, tổng đàn bò của huyện Duy Xuyên hơn 11.000 con, trong đó tỷ lệ bò lai chiếm gần 90%. Đáng mừng là, hình thức chăn nuôi bò đã có sự thay đổi từ quy mô nhỏ lẻ ở từng hộ gia đình lên thành gia trại, trang trại và liên kết thành lập câu lạc bộ hoặc chi hội. Bên cạnh con bò, những năm gần đây nông dân địa phương này cũng chú trọng việc đầu tư nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm khác theo phương thức sản xuất hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Ngọc – chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, đến nay toàn huyện đã hình thành hơn 250 mô hình kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại cho nhà nông mức lãi ròng 50 - 170 triệu đồng/mô hình/năm. Theo ông Ngọc, thời gian tới huyện sẽ tiến hành xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời liên kết với các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
                                                                                                                        Hoài Nhi.
 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19621623
Hôm nay
Hôm qua
125
7461