Từ gánh mỳ của người mẹ - bà Đinh Thị Mua ở Kiểm Lâm (xã Duy Hoà, Duy Xuyên), 6 người con đã ra đi lần lượt mở các quán mỳ ở Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Đến nay, họ đã phát triển thành hệ thống với hơn 20 chi nhánh mang tên Mỳ Quảng bà Mua.
Bà Mua (bên phải) hỗ trợ cho anh Đỉnh trong những ngày đầu mới phát triển chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: PHAN VINH
Từ quán mỳ bên chợ
Những năm gần đây, nhất là sau dịch Covid-19, hoạt động kết nối đồng hương ở các nơi về với quê nhà diễn ra khá sôi nổi. Trong một vài lần dự sự kiện gặp mặt đồng hương ở TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi thường nghe nhắc về hệ thống mỳ Quảng bà Mua, một trong số ít quán mỳ vẫn giữ nguyên vị quê ở đất Sài Thành.
"Ít nhất là vị nó không ngọt và tô mỳ cũng rất ít nước, giống như các bà ở quê hay nêm nước nhưn mằn mặn rồi chan xâm xấp thôi, dễ bưng..." - một người anh khá rành mỳ và cách ăn mỳ Quảng rôm rả giới thiệu.
Tô mỳ đơn sơ, mộc mạc giữ nguyên vị quê lúc xưa. Ảnh: PHAN VINH
Quán mỳ Quảng bà Mua mà chúng tôi đến lần đầu nằm trên đường Bàu Cát (quận Tân Bình), sát chợ bà Hoa nổi tiếng.
Anh Nguyễn Thế Đỉnh (SN 1984, con bà Mua) là chủ 5 quán mỳ trong hệ thống ở TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, lúc đầu khi mở chi nhánh ở Bàu Cát anh không khỏi lo lắng bởi đây là "thủ phủ" món Quảng ở TP.Hồ Chí Minh, nếu không ngon, không đáp ứng yêu cầu của thực khách thì cũng có thể "dẹp tiệm". Thế nhưng, từ đó đến nay, chi nhánh mỳ Quảng bà Mua ở Bàu Cát đã hoạt động ổn định được hơn 3 năm nay.
"Bây giờ nhìn lại chặng đường mấy mươi năm xây dựng hệ thống của các anh em trong nhà, mình cũng không nghĩ rằng, từ gánh mỳ nhỏ bên vệ đường, ngay ngã tư Kiểm Lâm của mẹ Mua ngày nào giờ đã thành hơn 22 chi nhánh. Các anh em đều nhờ gánh mỳ của mẹ mà lớn lên, đi học đủ ngành, làm đủ nghề, rồi ai nấy cũng quay về nương nhờ gánh mỳ của mẹ như một nghề mẹ truyền con nối" - anh Đỉnh tâm sự.
Cũng theo anh Đỉnh, khác với những quán mỳ Quảng ở các thành phố lớn, nấu theo khẩu vị của khách hàng địa phương, mỳ Quảng bà Mua quyết tâm giữ nguyên vị quê bằng cách nấu mộc mạc, thuần tuý của bà Mua ngày nào. Có khác chăng, ngày trước, chỉ bán mỳ gà, mỳ thịt thì nay, điều kiện kinh tế thay đổi, hệ thống có thêm các loại nhưn khác như cá, tôm thịt trứng, hến, sườn, bò... và một số món ăn đặc trưng của xứ Quảng như bánh tráng cuốn cá nục hấp, cuốn thịt heo, hến xào, bún mắm nêm...
Hành trình phát triển hệ thống
Năm 2009, nhận thấy tiềm năng phát triển đô thị của TP.Đà Nẵng, anh Đỉnh đã có ý tưởng mở một quán mỳ Quảng như kiểu quán ăn, nhà hàng. Bởi lúc bấy giờ, quán mỳ dù có ở khắp nơi nhưng hầu hết đều bán ở vỉa hè hoặc trong một hàng quán lụp xụp như của bà Mua ở chợ Kiểm Lâm. Vì vậy, mà khi nói ra ý tưởng mở quán ăn mỳ theo hình thức mới thì nhiều người trong gia đình can ngăn.
Mỳ Quảng bà Mua phục vụ bà con đồng hương trong lễ hội đồng hương tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: PHAN VINH
Bây giờ, gia đình anh dời ra Đà Nẵng sinh sống, bà Mua cũng tiếp tục với gánh mỳ quen thuộc. Thời điểm này, khách du lịch đến Đà Nẵng ngày một đông và anh chớp cơ hội, âm thầm thuê mặt bằng ở địa chỉ 19 Trần Bình Trọng (quận Hải Châu) với giá 9 triệu đồng mỗi tháng, con số khá cao ở thời điểm đó. Sau khi chuẩn bị tất cả về hình thức trang trí, bàn ghế, gần đến ngày khai trương, anh Đỉnh mới thông báo cho gia đình và mời mẹ Mua về tiếp quản căn bếp.
"Gia đình mình hoàn toàn bất ngờ, nhưng lỡ đầu tư rồi nên ai cũng xúm vào giúp sức. May mắn từ quán mỳQuảng bà Mua đầu tiên đó, sau này thì nhà mình phủ sóng toàn bộ Đà Nẵng. Lúc trước dịch Covid-19, hệ thống có đến 26 chi nhánh tại thành phố này và tất cả đều do 6 anh chị em trong nhà trực tiếp quản lý, dựa trên công thức của mẹ Mua" - anh Đỉnh kể.
Ngoài mỳ Quảng, hệ thống còn số nhiều món mang đậm hương vị Quảng khác. Ảnh: PHAN VINH
Năm 2020, anh Đỉnh bắt đầu đưa thương hiệu mỳ Quảng bà Mua vào Nam, chi nhánh đầu tiên đặt tại đường Yên Thế (quận Tân Bình). Có quy trình chuẩn nên cứ sau 3 tháng, anh lại mở thêm 1 chi nhánh ở các quận Tân Bình, Tân Phú và quận 1.
Đến nay, ở TP.Hồ Chí Minh, có 5 chi nhánh mỳ Quảng bà Mua. Đặc biệt, tất cả nguyên liệu để nấu mỳ của hệ thống đều được đưa từ quê nhà Quảng Nam vào, thậm chí anh Đỉnh còn đưa hẳn một lò tráng mỳ từ quê vào mở tại Đồng Nai chỉ để phục vụ cho hệ thống ở miền Nam.
"Mình phải làm chủ tất cả nguyên liệu đầu vào từ thịt, mỳ, rau thì mới nghĩ đến việc giữ được hương vị. Mẹ Mua thường dặn con cháu, làm sao giữ cho được hương vị dù bán mỳ ở đâu, đó như là cách biết ơn quê hương, biết ơn món mỳ Quảng từng nuôi cả gia đình thời khó khăn" - anh Đỉnh chia sẻ.
Anh Đỉnh thường xuyên về quê hoạt động các công tác thiện nguyện. Ảnh: PHAN VINH
Những năm qua, mỳ Quảng bà Mua liên tục được lựa chọn để phục vụ bà con đồng hương trong các dịp lễ hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh. Đặc biệt, hệ thống còn vinh dự được phục vụ tại sự kiện kỷ niệm 57 năm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Hội hữu nghị Việt - Hàn.
Biết ơn quê hương đã cho gia đình một nghề để phát triển đến hôm nay, gia đình anh Đỉnh thường xuyên có những hoạt động hướng về quê nhà.
Hệ thống mỳ Quảng bà Mua thành lập Quỹ học bổng bà Mua, khuyến khích các em học sinh có thành tích học tập xuất sắc tại quê hương Duy Xuyên với kinh phí mỗi năm hơn 50 triệu đồng. Hệ thống cũng đồng hành với địa phương trong nhiều hoạt động công tác xã hội và thiện nguyện giúp đỡ bà con khó khăn.
Phan Vinh