Thầy giáo Trần Văn Hảo ở làng Mỹ Xuyên Tây (Duy Xuyên) đam mê nghiên cứu sử làng với mong muốn lưu giữ giá trị đặc sắc, giàu truyền thống của vùng đất mình đã gắn bó...
“Tay ngang” nghiên cứu sử
Làng Mỹ Xuyên Tây được hình thành từ lâu đời, tên làng còn lưu lại trong các thư tịch cổ, đến nay dễ chừng hơn nửa thiên niên kỷ. Trải qua biến thiên dâu bể, Mỹ Xuyên Tây đã tạo nên giá trị đặc sắc của văn hóa làng xã đất Quảng nói riêng, Việt Nam nói chung. Di sản làng Mỹ Xuyên Tây còn lại hiện nay là minh chứng của một lịch sử trường kỳ, là báu vật để người dân đặc biệt là lớp trẻ của làng càng thêm tự hào. Thế nhưng, từ trước đến nay chưa có ai thực hiện việc sưu tầm, điền dã, nghiên cứu và viết thành sách về làng.
Là người dân của làng, thầy giáo Trần Văn Hảo đã bắt tay thực hiện những điều còn bỏ ngỏ trên, dù bản thân là một người “tay ngang”. Nói tay ngang là bởi thầy giáo Trần Văn Hảo tốt nghiệp ngành cử nhân Ngữ văn Đại học Huế. Công việc chuyên môn chính của thầy Hảo là giảng dạy và làm quản lý ở bậc tiểu học, nay đã nghỉ hưu. Cơ duyên đưa thầy Hảo đến với việc nghiên cứu sử làng Mỹ Xuyên Tây là từ sự kiện người làng phát hiện tấm bia cổ trong khuôn viên đình làng Mỹ Xuyên Tây vào mùa xuân 2016. Điều đó tạo động cơ, thúc đẩy thầy Hảo phải tìm hiểu lịch sử hình thành và nội dung thể hiện của tấm bia.
Nhờ kết quả nghiên cứu từ công trình “Lịch sử 600 năm làng Mỹ Xuyên Tây”, làng Mỹ Xuyên Tây có đủ điều kiện về mặt khoa học để làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh và đã được công nhận theo Quyết định số 668/QĐ-UBND ngày 13.3.2020 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Thầy Hảo bắt đầu dò dẫm tra đọc chữ Hán trên tấm bia cổ bằng sự hỗ trợ của công nghệ, những chữ nào khó chưa đọc được thì nhờ sự giúp đỡ của một số người có trình độ Hán Nôm ở trong tỉnh. Trong quá trình giải mã nội dung tấm bia lại nảy sinh nhu cầu phải tìm hiểu những vấn đề có liên quan như tên người, tên đất, sự kiện...
Cứ thế, thầy Hảo bắt đầu truy đọc cổ thư liên quan đến vùng đất như Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí, Quảng Nam xã chí… và cả những công trình nghiên cứu về lịch sử văn hóa Quảng Nam đã công bố gần đây.
Đọc tài liệu lại phải kết hợp với điền dã, đối chiếu thực địa. Trong quá trình điền dã, thực địa đó lại kết hợp phỏng vấn, sưu tầm được nhiều tư liệu thành văn, giai thoại truyền miệng quan trọng. Một số công việc nghiên cứu sử làng đã triển khai như tham quan đình làng Mỹ Xuyên Đông kế bên, khảo sát tấm bia mộ Tiền hiền Chánh đề đốc Hùng Long hầu Lê Quý Công, nghiên cứu ngôi mộ cổ Thủ Ngàn, tìm hiểu các giếng cổ trong làng, khảo cứu sự thay đổi tự nhiên của các nhánh sông ngang qua làng.
Thành quả
Sau khoảng 5 năm tay ngang nghiên cứu sử làng, thầy Trần Văn Hảo và các cộng sự đã ra mắt dân làng Mỹ Xuyên Tây công trình “Lịch sử 600 năm làng Mỹ Xuyên Tây”. Đây là công trình tương đối dày dặn, nội dung vô cùng phong phú, đa dạng, có thể coi đó là một cuốn sách địa chí làng.
Cấu trúc của công trình gồm các phần: (1) Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, diên cách và quá trình thay đổi tự nhiên của làng; (2) Lịch sử hình thành và phát triển của làng; (3) Cơ cấu tổ chức của làng; (4) Di sản văn hóa vật chất của làng; (5) Di sản văn hóa tinh thần của làng; (6) Phụ lục (liên quan hồ sơ đề nghị công nhận di tích).
Do “tay ngang” nên công trình chưa được chú trọng đến tính “kỹ thuật” của một công trình nghiên cứu ở phương diện cấu trúc và phương pháp trình bày. Tuy nhiên, vấn đề này có thể châm chước.
Kết quả nghiên cứu đã giúp người dân của làng, độc giả biết được diện mạo vùng đất của làng qua các bài viết về các xứ đất, bàu sở, cồn mả, nghĩa địa Gò Khoai, sông Đào, việc bồi lấp sông Kỷ Thế, sự thay đổi dòng chảy sông Thu Bồn; hiểu được lịch sử hình thành và phát triển của làng từ các bài viết quá trình lập làng giai đoạn 1402 - 1460, sự chia tách Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tây từ làng gốc Mỹ Xuyên, quá trình hình thành các dòng tộc tiền hiền và hậu hiền; biết được cơ cấu tổ chức làng xã; có sự du lãm các công trình kiến trúc tín ngưỡng thuộc di sản văn hóa vật chất của làng như nhà thờ Mỹ Xuyên Tây, đài đá tri ân tiền nhân, miếu Thần Nông và các lăng miếu thờ khác (lăng Bà, miếu Ông Đội, miếu Ông Đỏ, lăng Tứ Mỹ…), có sự hoài niệm về 48 giếng cổ của làng; có thêm những kiến thức về di sản văn hóa tinh thần của làng thông qua loại hình văn học dân gian (là các bài văn tế, thần tích, giai thoại, bài hô lô tô…), tri thức dân gian (cách đào và xây giếng đá thời xưa), vấn đề truyền thống hiếu học và đánh giặc giữ làng…