Ngày 24.3, Quảng Nam kỷ niệm ngày quê hương được giải phóng. Cũng ngày đó, chúng ta cũng tưởng nhớ một người con của quê hương ra đi - đó là nhà cách mạng Trương Chí Cương.
Trương Chí Cương còn gọi là Trương Công Thuận, bí danh là Tư Thuận, tên thật Trương Kiểm, sinh ngày 3.1.1919, tại làng Phụng Tây, xã Xuyên Châu, nay thuộc thôn Phước Mỹ 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên.
Chân lội khắp miền
Ngay từ nhỏ, trước cảnh tủi nhục của người dân nô lệ, Trương Chí Cương đã giác ngộ cách mạng rất sớm. Năm 1936, ông đã tham gia phong trào dân chủ, được kết nạp vào Đoàn Thanh niên dân chủ và hoạt động trong Hội Ái hữu tương tế. Năm 1937, ông được bầu làm Tổng Đoàn thanh niên xã Phụng Tây hoạt động sôi nổi và tích cực.
Cuối năm 1939, ông bị bắt giam ở nhà lao Hội An. Đến cuối năm 1940, ra tù, ông lại tiếp tục hoạt động hoạt động sôi nổi với tất cả sự nhiệt thành của tuổi trẻ và lòng yêu nước nồng nàn.
Năm 1941, giữa lúc thực dân Pháp đang đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng Việt Nam, Trương Chí Cương vẫn can đảm đứng ra thành lập chi bộ Đảng Phụng Tây, Xuyên Châu. Đây là một chi bộ đặc biệt: việc thành lập không có quyết định cho phép của cấp trên. Sau này ông Võ Chí Công, Bí thư Tỉnh ủy, mới ra quyết định công nhận là chi bộ chính thức.
Sau khi thành lập, ông được cử làm Bí thư Chi bộ, sau đó lần lượt được cử làm Bí thư Phủ ủy Duy Xuyên, Tỉnh ủy viên, Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ.
Năm 1942, ông bị bắt lần thứ hai, giam tại nhà lao Hội An rồi bị kết án 12 năm khổ sai và đày lên Buôn Ma Thuột. Tại đây ông bắt liên lạc với các nhân vật cộng sản khác đang bị giam giữ như Trần Hữu Dực, Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh… để gầy dựng cơ sở và đấu tranh quyết liệt với nhà cầm quyền Pháp chống lại chế độ hà khắc và tàn bạo của nhà tù đế quốc.
Tháng 3.1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông trốn khỏi nhà lao và được phân công về hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng tại tỉnh Phú Yên. Tại đây, ông đã nhanh chóng móc nối với các đồng chí ở địa phương, thành lập Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên và được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy.
Tại Phú Yên, trong những ngày Cách mạng tháng Tám, ông đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền, sau đó được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Phú Yên, Ủy viên Ủy ban quân chính Nam phần Trung bộ.
Năm 1946, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, đồng thời là ủy viên Phân ban cực Nam Trung bộ.
Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược, Chính phủ ta quyết định thực hiện Toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), ông được tăng cường vào tỉnh Ninh Thuận và lần lượt giữ các chức vụ phó bí thư rồi bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, Bí thư Ban Cán sự vùng cực nam Trung Bộ.
Một thời gian sau, do ở miền tây Quảng Nam, Pháp gây cho ta nhiều khó khăn nên năm 1952, Liên khu ủy điều động Trương Chí Cương về thành lập cơ quan miền tây tách khỏi Quảng Nam - Đà Nẵng trực thuộc Khu ủy, ông được phân công trực tiếp làm Bí thư Ban Cán sự miền tây Quảng Nam.
Sau Hiệp định Genève, ông được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng nhưng chỉ được một thời gian ngắn, cuối năm 1955, ông phải ra miền Bắc để chữa bệnh. Cuối năm 1959, ông lại được phân công trở lại chiến trường miền Nam.
Ra đi trong ngày quê hương toàn thắng
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tháng 1.1960, Khu ủy phân công Trương Chí Cương làm Bí thư Tỉnh ủy. Năm 1961, ông được bầu bổ sung làm Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III, được phân công làm Phó Bí thư Khu ủy V, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Trung Trung Bộ.
Trước cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), ông được Thường vụ Khu ủy V chỉ định làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Chính ủy mặt trận 4. Đến tháng 11.1971, ông được phân công làm Bí thư Đảng ủy, Chính ủy mặt trận Tây Nguyên (B3). Tại đây ông đã cùng với Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh mặt trận 3, chỉ đạo chiến dịch Bắc Tây Nguyên, giải phóng Đắc Tô – Tân Cảnh. Chiến dịch Bắc Tây Nguyên thắng lợi ông được điều trở lại cơ quan Khu ủy V.
Đầu năm 1973, Trương Chí Cương lâm bệnh nặng nên được đưa ra miền Bắc chữa bệnh. Sức khỏe đã khá hơn nhưng vẫn chưa đủ sức để trở lại chiến trường miền Nam đang rất ác liệt, ông được tổ chức phân công ở lại miền Bắc và giữ chức vụ phó ban miền Nam.
Tháng 12.1974, sau chuyến công tác vào chỉ đạo chiến trường Trị - Thiên để chuẩn bị chiến dịch xuân 1975, ông trở bệnh nặng nên được đưa sang nước Cộng hòa Dân chủ Đức để chữa bệnh, nhưng không khỏi, phải về nước. Ông mất ngày 24.3.1975 – đúng ngày quê hương Quảng Nam hoàn toàn giải phóng.
Trương Chí Cương được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng khác. Vinh danh ông, tại TP.Tam Kỳ và nhiều thành phố trên cả nước có con đường mang tên ông. Riêng tại Đà Nẵng, đường Trương Chí Cương là con đường đẹp nằm ven sông Hàn ở phường Hòa Cường, quận Hải Châu, ngay trung tâm thành phố.
LÊ QUẢNG NAM