Nghi thức Tống Ôn là nghi thức quan trọng nhất trong lễ Kỳ yên được dân làng An Lương, xã Duy Hải (Duy Xuyên) gìn giữ bao đời nay, với ý nghĩa xua đuổi những điều không may mắn ra khỏi làng và giữ lại sự bình an, hạnh phúc.
Nghi thức Tống Ôn đã có từ thuở lập làng, được người dân An Lương duy trì tổ chức từ bao đời nay. Ảnh: Q.T
Ông Lê Văn Sáu – 75 tuổi, Trưởng làng An Lương cho biết, Tống Ôn đã trở thành thông lệ được dân làng duy trì tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Nghi lễ này gắn với văn hóa tâm linh đã có từ thuở ban đầu lập làng. “Tống” nghĩa là tống khứ, xua đuổi; còn “Ôn” là ôn hoàng dịch lệ (nghĩa là dịch bệnh, tà ma, điều xui rủi). Tống Ôn chính là đẩy những điều không may mắn ra khỏi làng. Đồng thời cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, nhân dân ấm no hạnh phúc.
“Đặc trưng ở làng An Lương là người dân làm đủ nghề, từ nông, ngư cho đến kinh doanh, buôn bán. Đến ngày Tống Ôn hàng năm, dân làng sắp xếp công việc, góp công, góp của sửa soạn lễ vật và tham dự đông đủ. Nhà nông thì cầu mong cây cối tốt tươi, không có sâu bệnh phá hoại. Ngư dân cầu vươn khơi bình an, cá tôm đầy thuyền; còn người kinh doanh thì mong mua may bán đắt”- Ông Lê Văn Sáu - Trưởng làng An Lương, xã Duy Hải, Duy Xuyên
Điểm đặc biệt trong nghi thức Tống Ôn là người dân trong làng sẽ làm một chiếc Long Chu (nghĩa là long thuyền) để thả ở Cửa Đại. Ông Đinh Thành Ry – người phụ trách làm Long Chu ở làng An Lương nói, Long Chu có hình dáng một chiếc thuyền cổ, đầu rồng, đuôi phượng, dài hơn 1m, được trang hoàng lộng lẫy. Tương truyền, long thuyền là tính vật có năng lực kết nối với các vị thần linh để đẩy ôn hoàng dịch lệ đi càng xa, càng tốt.
“Ngay từ nhỏ tôi thấy cha ông trong làng làm, rồi chừ bắt chước làm theo. Để hoàn thiện Long Chu này phải mất vài ngày. Tôi đã làm hàng mã cho nhiều nơi nhưng không làng nào có Long Chu và những cổ tích gắn với nó mang ý nghĩa khác biệt như ở An Lương” – ông Ry cho hay.
Người dân đặt vật phẩm vào Long Chu. Ảnh: Q.T
Theo các bậc cao niên trong làng, trên Long Chu có 2 vị thần linh là “Thần chu xứ giả và Dương tích thần chu”. Bắt đầu lễ Kỳ yên, dân làng sẽ hướng đầu rồng vào trong làng để cúng các vị thần. Khi cúng ngoài sân sẽ quay đầu thuyền hướng ra biển. Sau đó, sẽ chất đầy đủ hương, đèn, hoa quả, vật phẩm lên Long Chu và chở thẳng ra cửa biển.
Người dân sẽ chờ lúc có gió mới thả xuống nước để long thuyền đi thẳng ra biển, không quay đầu trở lại. Điều này mang ý nghĩa điều dữ sẽ vĩnh viễn không trở lại làng, người dân luôn được an bình.
Tiễn Long Chu. Ảnh: Q.T
Mỗi năm, làng An Lương sẽ bầu chọn một vị cao niên của làng giữ vai trò chủ tế trong lễ Kỳ yên. Chủ tế phải là người không vướng bận tang sự.
Ông Nguyễn Đông – chủ tế năm Giáp Thìn 2024 kể, trước đây lễ Kỳ yên tổ chức rất quy mô. Đặc biệt, trong lễ này còn có nghi thức múa sắc bùa, cầu bình an đến từng nhà. Ngay cả trong những năm tháng chiến tranh, khi đi tản cư đến nơi khác thì dân làng vẫn duy trì những nghi lễ này trong ngày đầu xuân. Nhưng dần về sau, đời sống phát triển, người dân ra Giêng cũng tất bật công việc nên làng lược bỏ một số nghi thức, song vẫn đảm bảo nét văn hóa đặc trưng.
“Tống Ôn là văn hóa của làng, các thế hệ từ già đến trẻ đều có ý thức gìn giữ, vừa cầu bình an vừa nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng. Nhiều người làm ăn xa hay đi đánh bắt vùng khơi vẫn đợi tham dự xong nghi lễ Tống Ôn mới rời làng. Kinh phí hàng năm con cháu đóng góp, làng sẽ sắm sửa lễ cúng và tu sửa, trang hoàng đình làng” – ông Đông nói.
Tiễn Long Chu ra biển
LÊ MỸ - VĂN TÂY